Wal-Mart tiếp tục là "đế chế bán lẻ" trong tương lai?

“Đại gia” bán lẻ Wal-Mart Stores Inc. từ lâu đã được biết đến như là một trong những biểu tượng đáng tự hào của nền kinh tế Mỹ, nơi chi tiêu tiêu dùng vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.

Một cửa hàng của Wal-Mart ở Oakland, bang California.Ảnh: AFP/TTXVN


Sự thành công của Wal-Mart luôn đi liền với tiêu chí bán hàng hóa giá rẻ nhất tới khách hàng. Tuy nhiên hiện thời, người mua hàng cần nhiều hơn thế nên để trụ vững trên thị trường và duy trì vị thế là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, Wal-Mart còn nhiều việc phải làm.

Ngày 2/7/1962, Sam Walton thành lập Wal-Mart bằng việc mở cửa hàng bán lẻ tại Rogers ở bang Arkansas và tới năm 1967, đã có 24 cửa hàng như vậy xuất hiện trên toàn nước Mỹ, với doanh thu đạt 12,7 triệu USD.

Năm 1972, Wal-Mart được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, với 51 cửa hàng và doanh thu tăng lên 78 triệu USD. Từ đó, Wal-Mart không ngừng lớn mạnh và đến năm 1990 đã trở thành nhà bán lẻ số 1 ở Mỹ. Năm 1991, khẩu hiệu “Giá rẻ mỗi ngày” của Wal-Mart đã vươn ra khỏi biên giới nước Mỹ khi hệ thống cửa hàng đầu tiên được khai trương tại nước láng giềng Mexico thông qua việc liên doanh với công ty bán lẻ Cifra lớn nhất quốc gia Trung Mỹ này.

“Đế chế bán lẻ” vẫn không ngừng phát triển và xác lập doanh thu 1 tỷ USD/tuần lần đầu tiên vào năm 1993, đồng thời tiếp tục mở thêm các cửa hàng tại Canada, Argentina, Brazil, Trung Quốc và nước Anh vào những năm sau đó.

Năm 2000, đánh dấu thời điểm Wal-Mart chính thức bước chân vào lĩnh vực thương mại điện tử, khi trang walmart.com được tạo lập, cho phép khách hàng mua sắm trực tuyến. Tới năm 2002, Wal-Mart lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất của Mỹ do tạp chí danh tiếng Fortune bình chọn và liên tiếp giữ vị trí này tới năm 2005.

Với doanh thu năm 2014 đạt 485,6 tỷ USD, Wal-Mart lại chiếm lĩnh vị trí đầu tiên trong danh sách Fortune 500 năm 2015. Đây là năm thứ ba liên tiếp Wal-Mart đẩy tập đoàn dầu khí Exxon Mobil xuống vị trí thứ hai, trong bối cảnh họ liên tiếp thay nhau đứng đầu danh sách ở các năm trước đó.

Thậm chí trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, khi nhiều doanh nghiệp lao đao và người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, Wal-Mart vẫn đứng vững và làm ăn có lãi. Sự phát triển nhanh chóng của Wal-Mart khiến một số nhà phân tích ví đây như một “quốc gia trong lòng nước Mỹ”, với doanh thu hàng năm cao hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của không ít nền kinh tế. Kết quả đáng tự hào mà Wal-Mart có được hôm nay một phần không nhỏ nhờ có triết lý kinh doanh không bao giờ thay đổi của Sam Walton là: “Đáp ứng trên mong đợi của khách hàng” và “Luôn luôn bán giá rẻ”.

Thành công là thế, nhưng con đường kinh doanh của “gã khổng lồ” bán lẻ không phải chỉ trải toàn hoa hồng, bởi “mong đợi” của khách hàng ngày nay không chỉ dừng lại ở giá rẻ. Mua sắm trực tuyến hiện đang dần thay thế cách mua hàng truyền thống. Mặc dù trong năm 2014, doanh số bán lẻ trực tuyến của Wal-Mart đã tăng 21,6% so với năm 2013, đạt 12,20 tỷ USD, song Walmart vẫn chưa phát huy hết tiềm lực sẵn có của mình và vẫn còn bị bỏ xa bởi “ông trùm” thương mại điện tử Amazon, với doanh thu dự báo sẽ lên tới 100 tỷ USD năm 2015, sau khi đạt 89 tỷ USD năm 2014.

Tháng 6 năm nay, Wal-Mart tung ra chương trình thử nghiệm Shipping Pass, trong đó không giới hạn lượng hàng hóa vận chuyển miễn phí trong ba ngày từ các cửa hàng trực tuyến của Wal-Mart với mức phí 50 USD/năm. Shipping Pass được xem là lời thách đấu trực tiếp gửi với Amazon Prime, một dịch vụ thu phí thường niên 99 USD để đổi lại hai ngày vận chuyển miễn phí "thả phanh" của Amazon. Một số chuyên gia cho rằng đây là nỗ lực trong tuyệt vọng của Walmart vì nhà bán lẻ này khó có thể kiếm tiền từ mức phí thấp như vậy.

Theo xếp hạng của JPMorgan Chase thì tại Mỹ, Wal-Mart hiện là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba tại Mỹ. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh truyền thống của Wal-Mart, bao gồm Costco Wholesale và Target, đang có doanh số bán hàng trực tuyến gia tăng nhanh chóng. Đó là chưa kể Jet.com, một doanh nghiệp non trẻ, đã huy động được hơn 200 triệu USD để kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc mà như lời quảng cáo là bán hàng tiêu dùng với giá thấp nhất.

Ngoài ra, áp lực bán giá rẻ cũng khiến Wal-Mart liên tục phải đương đầu với các vụ kiện. Những người chỉ trích cho rằng Walmart “bóc lột” những người làm công do ngăn chặn việc lập nghiệp đoàn. Wal-Mart cũng bị tố cáo là ngược đãi phụ nữ, như trả lương cho phụ nữ rất thấp và phân biệt đối xử khiến họ không có cơ hội thăng tiến. Họ cũng thường thuê người làm tạm thời theo mùa, làm bán thời gian và luôn thay đổi nhân viên để khỏi phải trả những chi phí như bảo hiểm sức khỏe và hưu trí cho các nhân viên dài hạn.

Sự phát triển của các công ty sản xuất với giá thành rẻ mạt ở Trung Quốc, Ấn Độ là một nguồn lợi cho Wal-Mart. Mỗi năm Wal-Mart mua khoảng 1,5 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, một nửa mua trực tiếp, một nửa qua các trung gian. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã than phiền bị Wal-Mart đàn áp. Mỗi năm, nếu đến kỳ hạn mà chưa ký được một hợp đồng mới với Wal-Mart thì nhiều công ty ở Trung Quốc lo sẽ phải đóng cửa. Lý do là chỉ có Wal-Mart là luôn mua với số lượng lớn, ổn định. Nắm được điểm yếu đó của các nhà cung cấp, Wal-Mart tìm cách buộc các nhà cung cấp Trung Quốc phải cạnh tranh với nhau, tìm nơi nào hiến giá thấp nhất, dùng người này đe dọa người kia. Khi bành trướng sang châu Âu thì Wal-Mart gặp nhiều khó khăn vì các luật lệ thương mại ở lục địa già đặt ra nhiều hạn chế.

Đối mặt với những khó khăn như vậy, nhưng Wal-Mart vẫn thể hiện bản lĩnh khi giữ vững phương châm kinh doanh và từng bước thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Việc sở hữu gian hàng thực là một lợi thế rất lớn của Walmart do khách hàng có thể trả lại những sản phẩm họ mua qua mạng. Song đối với Amazon, người mua sẽ gặp nhiều rắc rối khi trả lại hàng. Bên cạnh đó, Wal-Mart mới đây cũng đã tung ra một ứng dụng có tên gọi là Savings Catcher, cho phép giúp người tiêu dùng so sánh giá sản phẩm của Wal-Mart với những đối thủ của họ. Nếu công cụ này phát hiện ra mức giá thấp hơn từ đối thủ cạnh tranh, kể cả Amazon, khách hàng sẽ được tích lũy số tiền chênh lệch đó trong thẻ tín dụng.

Wal-Mart đã làm thay đổi thị trường bán lẻ của thế giới và không có lý do gì để người ta không tin tập đoàn này sẽ tiếp tục tạo nên những sự thay đổi lớn đối với dịch vụ này trong tương lai. Sam Walton từng nói: “Người ta thường nói rằng bạn có thể tìm ra sự may mắn ở bất kỳ mọi sự rủi ro nào nếu bạn cố gắng thực sự. Tôi luôn nghĩ rằng khó khăn chỉ là những thách thức, và thách thức trong tay cũng khá đơn giản để giải quyết: Tôi phải tự nâng mình dậy và xoay xở với tình thế, làm lại tất cả từ đầu, thậm chí lần này phải tốt hơn”.

Minh Trang (tổng hợp)
Tập  đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam

Dự kiến cuối năm 2015, Emart – Tập đoàn bán lẻ số một Hàn Quốc sẽ khai trương trung tâm thương mại đầu tiên với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD vào tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN