Vụ đảo chính bất thành - Kỳ 3: Kế hoạch chết yểu

Mann đàm phán qua các bên trung gian để mua vũ khí từ Zimbabwe. Theo kế hoạch, vũ khí sẽ được giao cho Mann vào tháng 2/2004 tại một đường băng hẻo lánh ở Congo. Tuy nhiên, kế hoạch đổ bể. Có nguồn tin cho rằng nguyên nhân là máy bay hắn thuê bị hỏng, có nguồn tin lại cho rằng hắn đến nhận vũ khí nhưng không thấy ai giao hàng.


 

Simon Mann (phải) trong phiên tòa xét xử tại Guinea Xích đạo.

 

Mãi hai tuần sau, vũ khí mới tới Zimbabwe. Lúc đó, Mann đã bị bắt, du Toit cùng 14 người trong “đội tiền trạm” cũng chịu chung số phận ở Guinea Xích đạo.


Trong khi đó, Tổng thống lưu vong Severo Moto đã bay từ Tây Ban Nha tới Mali vào ngay đêm dự định đảo chính. Ông này dự kiến hạ cánh xuống Guinea Xích đạo 30 phút sau đội lính đánh thuê. 60 lính sẽ bắt Tổng thống Obiang ngay trên giường ngủ lúc 3 giờ sáng và sẽ đưa ông ta tới Tây Ban Nha nếu chưa bị giết trong cuộc đảo chính.


Sau khi âm mưu đảo chính bị lật tẩy, Tổng thống Obiang đã lên truyền hình cáo buộc Moto, Calil, cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Tây Ban Nha đứng đằng sau vụ việc. Ông cho rằng phía Mỹ đã được chính quyền Nam Phi mật báo về âm mưu đảo chính nhưng lại không cảnh báo ông, dù ông đang có mối quan hệ kinh doanh với nhiều tập đoàn năng lượng Mỹ.


Giống như tất cả những ai liên quan đến vụ đảo chính bất thành, ông Moto phủ nhận mọi cáo buộc. Ông này cho rằng Tổng thống Obiang đã kéo ông vào vụ việc để hủy hoại sự nghiệp chính trị của đối thủ. Ông ta cũng bác bỏ tin rằng mình đã gặp một số quan chức Tây Ban Nha trước vụ đảo chính để chuẩn bị bình thường hóa quan hệ giữa Guinea Xích đạo và Tây Ban Nha.


 

Mark Thatcher tới tòa án ở Nam Phi.

 

Về phần Mann, sau khi bị bắt, hắn đã nộp cho cơ quan điều tra một thỏa thuận trong đó nói rõ vai trò của hắn trong âm mưu đảo chính. Trong một tài liệu khác, Mann cũng lần đầu nhắc đến cái tên Scratcher, biệt danh của Mark Thatcher. Điều này khiến chính quyền Nam Phi mở một cuộc điều tra Mark Thatcher, vốn là hàng xóm của Mann ở Constantia, ngoại ô Cape Town.


Năm tháng sau, Thatcher bị dựng khỏi giường lúc 3 giờ sáng và bị bắt với cáo buộc hỗ trợ tài chính cho âm mưu đảo chính khi thuê trực thăng để đưa ông Moto từ Tây Ban Nha tới Mali. Thatcher bị cáo buộc theo một luật mới của Nam Phi, theo đó cấm dùng lính đánh thuê để can thiệp vào công việc nội bộ ở châu Phi. Luật này cấm công dân Nam Phi tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào ở nước ngoài.


 

Nick du Toit (trái) đến tòa.

 

Thatcher thừa nhận đã thuê trực thăng nhưng tuyên bố rằng đó là một giao dịch kinh doanh hợp pháp không liên quan tới đảo chính. Thatcher được mẹ, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher lúc bây giờ, bảo lãnh với số tiền 300.000 USD. Trong khi chờ xét xử, ông ta phải nộp hộ chiếu và trình diện hàng ngày trước cảnh sát. Thatcher cũng bị cấm lảng vảng đến bất kỳ sân bay nào vì chính quyền Nam Phi cho rằng ông ta chuẩn bị trốn khỏi Nam Phi về Mỹ. Lúc bị bắt, ông ta đã bán bốn chiếc SUV, rao bán biệt thự 3,3 triệu USD và gói ghém xong hành lý.


Mark Thatcher là người cuối cùng dính vào âm mưu đảo chính bị xét xử. Trước tòa, Thatcher cứng đầu không chịu thừa nhận rằng ông ta biết về âm mưu đảo chính, khăng khăng rằng chiếc trực thăng ông ta thuê là để đưa đến Guinea Xích đạo làm trực thăng cứu thương.


Tuy nhiên, trước bằng chứng không thể chối cãi của công tố viên Nam Phi, Thatcher cuối cùng cũng thừa nhận rằng ông ta biết chiếc trực thăng đó sẽ được lính đánh thuê dùng trong vụ đảo chính ở Guinea Xích đạo. Theo án đưa ra, Thatcher bị phạt 500.000 USD và bốn năm tù treo vì vi phạm luật cấm lính đánh thuê của Nam Phi.


Trước Thatcher, phần lớn người tham gia âm mưu đảo chính đều bị kết tội với mức án khá nặng tay dù không ai bị tử hình. Nick du Toit, kẻ giúp Simon Mann tìm lính đánh thuê, bị tù 34 năm. Severo Moto, thủ lĩnh phe đối lập Guinea Xích đạo lưu vong, bị kết án vắng mặt 63 năm tù.


Trong khi đó, tại Zimbabwe, Simon Mann bị kết án 7 năm tù, án nặng nhất so với án của gần 70 người bị bắt ở sân bay Harare. Tuy nhiên, về sau, hắn được giảm án xuống còn 4 năm. Hai phi công lái máy bay chở lính đánh thuê bị phạt 16 tháng tù giam, 64 lính trên khoang mỗi người ngồi tù 1 năm vì vi phạm luật nhập cảnh.


Vụ đảo chính đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế tới Guinea Xích đạo, đến vị tổng thống tham nhũng và hàng triệu USD “mất tích”. Vụ việc đã buộc Mỹ phải xem xét lại mê cung mối quan hệ giữa các tập đoàn, ngân hàng trong nước với chính quyền Guinea Xích đạo.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ cuối: Cháy nhà ra mặt chuột

Vụ đảo chính bất thành - Kỳ 2: Mục tiêu đảo chính
Vụ đảo chính bất thành - Kỳ 2: Mục tiêu đảo chính

Trong khi 70% người dân thiếu ăn thì số tiền thu được từ bán dầu mỏ rơi vào tay Tổng thống Teodoro Obiang Nguema - mục tiêu của cuộc đảo chính - và họ hàng ông ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN