Vì sao thế giới phải chú ý tới Syria?

Sau khi sự chú ý của thế giới đối với vấn đề người di cư từ Trung Đông và châu Phi tràn sang châu Âu giảm đi thì hiện nay hầu như cả thế giới lại chuyển sự chú ý đến Syria, một đất nước giáp ranh với Địa Trung Hải, nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordanie, Israel, Liban, có diện tích là 185.180 km2 và với dân số khoảng 15-16 triệu người. Vì sao vậy?


Syria vốn là đất nước yên bình và đang phát triển đi lên từ đầu thế kỷ này dưới chính quyền hợp pháp do Tổng thống Bashar Al-Assad đứng đầu, nhưng mấy năm gần đây đã bị Mỹ và Phương Tây nhòm ngó, tìm mọi cách làm cho đất nước có vị trí chiến lược quan trọng này ở sát Địa Trung Hải cũng như nhiều nước Arập khác ở vùng Trung Đông rộng lớn bị rối loạn, không còn yên ổn để làm ăn. Họ quấy rối Syria bằng nhiều cách, kể cả các hoạt động được người ta gọi rất mỹ miều là "Mùa xuân Arập" hay "Các cuộc cách mạng sắc màu" như họ đã làm ở một số nơi, kể cả với Ukraine nằm ngay sát nước Nga.

Máy bay Sukhoi SU-24 của Nga tại căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia, Syria ngày 3/10.

Sau gần 5 năm bị Mỹ và phương Tây quấy đảo, kích hoạt các lực lượng khủng bố chống chính quyền hợp pháp, đã có khoảng 250.000 người Syria vô tội bị thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương, bị mất nhà cửa, tài sản, phải rời bỏ quê hương hòa nhập với hàng vạn người vượt biển để di tản vào châu Âu. Từ hơn một năm nay, Mỹ đã đứng ra tập hợp tới 60 nước trong đó có cả Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và cả các nước vùng Vịnh tổ chức một chiến dịch không kích với quy mô lớn ở Syria lấy cớ là chống nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng thực chất là muốn chống lưng cho một thế lực đối lập nhằm chống lại và tiến tới lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Assad.

Mặc dầu đã đổ nhiều bom đạn và tiền của vào chiến dịch không kích ở cả Syria và Iraq nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn không sao ngăn chặn được IS củng cố và mở rộng địa bàn hoạt động của chúng ở hai nước này. Không những thế, ngay cả chương trình đào tạo quân sự của nhóm nước nói trên cho phe nổi dậy Syria cũng thất bại thảm hại, vì đám quân mà họ đào tạo ra không chống lại được các tay súng IS, thậm chí còn bỏ chạy hàng loạt.

Ở Syria, bên cạnh IS còn có cả mặt trận Al-Nursa và các nhóm khủng bố khác, trong đó phải kể đến nhóm nổi dậy Jaish Al-Islam được Saudi Arabia tài trợ chống lại cả IS và quân đội của Tổng thống Assad. Nhóm này, có khoảng 17.000 tay súng, chủ yếu hoạt động ở miền Bắc Syria và nằm trong liên minh "Mặt trận Hồi giáo" ủng hộ việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc ở Syria. Cho nên phải nói rằng, sau một năm liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nói trên mà không dẹp được IS và các tổ chức khủng bố cực đoan vừa kể thì đấy là một thảm bại của Mỹ và phương Tây. Tình thế đó buộc Mỹ và phương Tây phải nghĩ tới một lối thoát khác với việc tìm mọi cách để loại trừ Tổng thống hợp pháp của nước đó để lấy lại danh dự. Chính ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đôi lần hé lộ hoặc nói bóng gió về sự chuyển hướng này.

Nga đã thấy rõ những việc làm độc ác và nguy hiểm của IS và của các tổ chức khủng bố cực đoan khác ở Syria cũng như ở Iraq, Lybia, thậm chí tại cả ở Afganistan, nơi mà Mỹ và liên quân NATO từng tuyên bố đã "hoàn thành xong sứ mệnh" diệt trừ lực lượng Taliaban ở nước đó và đã rút quân ra khỏi nước Trung Á này từ cuối năm 2014. Mặt khác, do ý thức về trách nhiệm của một nước lớn có vai trò quan trọng trong việc tham gia giải quyết những vấn đề hệ trọng của thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sau hơn 10 năm đã trở lại trụ sở của Đại Hội đồng Liên hợp quốc dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức quốc tế này để đọc một bài diễn văn quan trọng và gặp gỡ tay đôi với Tổng thống Mỹ Barack Obama kể từ năm 2013 đến nay. Hai vị tổng thống đã bàn về những vấn đề mà loài người đang quan tâm, để giải quyết những vấn đề hợp tác song phương Nga - Mỹ cũng như tháo gỡ những vướng mắc đang cản trở quan hệ giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo hai nước đã đưa ra một quan điểm riêng về “Cuộc xung đột kéo dài tại Trung Đông, cụ thể là ở Syria”. Đại thể, Tổng thống Obama cho rằng cuộc xung đột ở Syria bắt nguồn từ việc “ông Assad lấy bắt bớ và bắn giết để trấn áp các cuộc biểu tình hòa bình…, là nhà độc tài sát hại hàng nghìn dân thường và do đó ông này cần phải ra đi”. Còn Tổng thống Putin thì mô tả ông Assad là người cầm quyền hợp pháp được nhân dân Syria bầu ra cho nên “chúng ta phải thừa nhận rằng không ai ngoài lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad và lực lượng dân quân người Kurd mới có thể đánh bại IS”. Phía Nga đề nghị thành lập “một liên minh quốc tế” chống tổ chức IS hiện đang hoành hành tại Syria vì chiến dịch công kích chống IS tại Iraq và Syria do liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu không thu được kết quả gì đáng kể trong hơn một năm nay. Nga còn trịnh trọng tuyên bố sẽ sớm đưa sang Syria các loại máy bay, vũ khí hiện đại, không loại trừ cả bộ binh khi cần thiết, để tiến công vào các nơi đóng quân, các căn cứ quân sự, các kho vũ khí và căn cứ hậu cần… của IS để hỗ trợ cho quân đội của Tổng thống Assad phản công lại IS và chiếm lại những thành phố và vị trí đã bị mất vào tay chúng.

Quan điểm của Nga được nhiều nước ủng hộ, tất nhiên có cả những ý kiến trái chiều. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria chỉ có thể có được với các bên tham chiến ở nước đó đồng ý đàm phán và Mỹ, Nga, Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ… thỏa thuận được về một con đường đi tới.

Các nhà phân tích quốc tế đưa ra mấy quan điểm chính sau đây:

- Tổng thống Nga Putin đã thắng khi ông đưa ra mục tiêu rõ ràng của mình về việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. Nga là nước có thể làm thay đổi cuộc chiến kéo dài hơn 4 năm nay ở Syria.

- Nga đã kéo Mỹ vào trung tâm cuộc chiến ở Syria, buộc Mỹ phải thừa nhận vai trò của Tổng thống Assad.

- Nga có thể giúp cắt đứt được đường tiếp tế từ các nước xung quanh cho lực lượng của IS ở Syria.

- Nga có thể giúp ngăn chặn được nhiều người từ châu Âu, Liên bang Nga hay các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây chạy sang Syria để dự các cuộc huấn luyện của IS rồi quay trở lại các nước này tiến hành các hoạt động khủng bố.

- Bằng các cuộc không kích, Nga có thể sử dụng lực lượng không quân hiện đại của mình để phối hợp với bộ binh của chính quyền Tổng thống Assad phản công lại lực lượng IS và các thế lực khủng bố khác…

Nga đã nói và đang làm. Thông qua các cuộc không kích bằng máy bay và vũ khí hiện đại của mình, Nga đang gây thiệt hại nặng nề cho IS và các lực lượng khủng bố khác ở Syria. Nga cũng đang hỗ trợ có hiệu quả cho quân đội cũng như chính quyền của Tổng thống Assad mạnh lên, giành lại các vị trí đã mất và củng cố vững chắc hơn địa vị của mình trước khi có một giải pháp thích hợp ở Syria mà các bên đều có thể chấp nhận được. Trong bối cảnh như vậy, việc thế giới chăm chú theo dõi tình hình ở Syria là điều tự nhiên.

Hồ Đức Minh
Ông Obama “nhẫn nại chiến lược” vì tin Nga mới là “kẻ yếu” ở Syria
Ông Obama “nhẫn nại chiến lược” vì tin Nga mới là “kẻ yếu” ở Syria

Nhiều quan chức Mỹ liên tục đòi trả đũa Nga, liên quan đến leo thang quân sự của Moskva tại Syria. Thế nhưng Tổng thống Barack Obama dường như vẫn kiên định “nhẫn nại chiến lược”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN