Từ “vua sôcôla” thành Tổng thống Ukraine

Từ một chính trị gia kiêm tỷ phú doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo với biệt danh “vua sôcôla”, ông Petro Poroshenko đã trở thành tân Tổng thống của Ukraine với hơn 50% phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 25/5 vừa qua. Dư luận tự hỏi làm cách nào Poroshenko có được thành công này và liệu ông có thể kham nổi một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất thế giới: đưa Ukraine thoát khỏi khủng hoảng?

 

Ông Poroshenko tuyên bố thắng cử.

Sinh ra gần thành phố Odessa ở miền tây nam Ukraine, Poroshenko khởi nghiệp là một cố vấn kinh doanh trong những năm 1990 sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế học ở thủ đô Kiev. Poroshenko đã gặp vợ ông, bà Maryna, một bác sĩ chuyên khoa tim, tại một buổi khiêu vũ ở trường đại học. Họ kết hôn và có bốn người con.


Ông Poroshenko đã tiếp quản các nhà máy sản xuất bánh kẹo nhà nước và biến nó thành một đế chế hốt bạc. Thành lập năm 1996, Công ty bánh kẹo Roshen của ông sản xuất hơn 300 loại kẹo, bánh ngọt, bánh quy ở các nhà máy rải khắp Ukraine và một số nhà máy ở Nga, Litvia và Hungary.

 

Ông Poroshenko (trái) và người ủng hộ.


Đứng đầu danh sách bánh kẹo mà Công ty Roshen sản xuất là “Cherries in chocolate” (Anh đào trong sôcôla) - một loại sôcôla đen, bên trong là nhân rượu màu anh đào. Thứ kẹo này được người dân Ukraine rất ưa chuộng vì nó ngọt, thơm và có chất lượng tốt. Các sản phẩm của Công ty Roshen không chỉ được người dân Ukraine và Liên Xô cũ ưa chuộng mà nó còn được nhiều người châu Á, châu Âu khen ngợi.


Dưới bàn tay của mình, ông Poroshenko đã biến Công ty Roshen trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành ở Ukraine. Năm 2012, Roshen xếp thứ 18 trong danh sách 100 công ty bánh kẹo lớn nhất thế giới. Tổng sản lượng bánh kẹo hàng năm của Roshen đạt hơn 410.000 tấn. Khối tài sản khổng lồ mà ông Poroshenko thu được từ lợi nhuận trong ngành sản xuất bánh kẹo đã khiến ông được mệnh danh là “vua sôcôla”.


Năm 1998, “vua sôcôla” bắt đầu lấn sân sang chính trị, giành được một ghế trong Hạ viện Ukraine với tư cách là thành viên đảng Dân chủ Xã hội. Hai năm sau, ông thành lập đảng của riêng mình mang tên Đoàn kết.


Tham vọng chính trị của ông “vua sôcôla” từ đó nhanh chóng được thể hiện. Ông Poroshenko đồng sáng lập đảng Các khu vực - đảng của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych. Không bao lâu sau khi thành lập đảng này, năm 2002, Poroshenko lại gia nhập hàng ngũ đảng Ukraine của chúng ta, về phe với nhóm thân phương Tây của ông Viktor Yushchenko - đối thủ của ông Yanukovych. Chính ông Poroshenko là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Cam, ngăn không cho ông Yanukovych trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 bị cho là gian lận.


Về sau, trong lần bầu cử lại, ông Yushchenko đã giành chiến thắng trước đối thủ Yanukovych. Poroshenko trở thành thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia. Ông ấp ủ tham vọng thành thủ tướng, tuy nhiên chiếc ghế này lại rơi vào tay bà Yulia Tymoshenko.


Liên minh trong Cách mạng Cam tan rã. Tổng thống Yushchenko đã phải sa thải cả ông Poroshenko và bà Tymoshenko do cáo buộc tham nhũng. Trong khi đó, ông Poroshenko vẫn thân cận với Tổng thống Yushchenko - cha nuôi của các con gái ông.


Tuy nhiên, ông Poroshenko đã nhanh chóng “bật dậy” trên chính trường. Ông trở thành Ngoại trưởng Ukraine trong năm 2009 và năm 2010 trở thành Bộ trưởng Phát triển Kinh tế dưới thời Tổng thống Yanukovych.


Trước khi tranh cử tổng thống Ukraine năm 2014, Poroshenko là một nghị sĩ độc lập, không có chính đảng riêng. Ông đã ký một thỏa thuận bầu cử với lãnh đạo đảng Udar của ông Vitali Klitschko - người từng nổi lên là một ứng cử viên tổng thống hàng đầu nhưng đã rút lui khỏi cuộc tranh cử để ủng hộ Poroshenko.


Poroshenko nhanh chóng thu hút được cử tri Ukraine và đã được bầu làm tổng thống. Một phần nguyên nhân là do Poroshenko là một người rất sùng đạo. Trong các cuộc họp cấp cao, người ta thường thấy ông cầm theo thánh giá. Ông là thành viên của Giáo hội chính thống Ukraine và đã cấp kinh phí để khôi phục các công trình cũng như tu viện của giáo hội. Tôn giáo là một điều rất quan trọng với nhiều người Ukraine, một đất nước Cơ đốc giáo. Do đó, trong mắt người dân, Poroshenko có ưu thế tuyệt vời so với các ứng cử viên tổng thống khác.


Hơn nữa, Poroshenko là một tỷ phú khác với những tỷ phú nắm quyền chính trị khác ở Ukraine. Ngành kinh doanh của ông chính đáng và hợp pháp, khối tài sản của ông không có nguồn gốc từ những thương vụ tham nhũng trong mua bán khí đốt, dầu mỏ, mà nó bắt nguồn từ một thứ ngọt ngào là bánh kẹo. Poroshenko tự mình kiếm được tiền bạc nhờ Tập đoàn Roshen. Về sau, ông có mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác như đóng tàu, xây dựng và truyền thông. Với tư tưởng hội nhập châu Âu, Poroshenko được nhiều cử tri coi là nhân vật tốt nhất để cải cách nền kinh tế trì trệ của đất nước.


Khi trở thành tổng thống, vấn đề của ông Poroshenko là làm thế nào đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và giải quyết được những vấn đề hóc búa của Ukraine mà ông đã cam kết gồm tham nhũng, ly khai, kinh tế trì trệ và hệ thống quản lý kém hiệu quả. Ông từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống rằng mục tiêu lâu dài là biến Ukraine thành một nước châu Âu hiện đại. Trước mắt, ông Poroshenko cho biết sẽ phi tập trung hóa quyền lực, sửa đổi hiến pháp và ký kết thỏa thuận với Liên minh châu Âu.


Về vấn đề với miền Đông, ông Poroshenko có quan điểm cứng rắn với người biểu tình ly khai ở khu vực này và tuyên bố sẽ bình ổn miền đông trong ba tháng sau khi đắc cử.


Miền Đông Ukraine sẽ ra sao và kinh tế Ukraine sẽ đi về đâu? Hai câu hỏi lớn này dư luận đang chờ tân Tổng thống Poroshenko giải đáp trong nhiệm kỳ của ông.


Thùy Dương

Nga cáo buộc Ukraine vi phạm Công ước Geneva về bảo vệ dân thường
Nga cáo buộc Ukraine vi phạm Công ước Geneva về bảo vệ dân thường

Nga đã cáo buộc các lực lượng vũ trang Ukraine vi phạm Công ước Geneva thứ 4 về bảo vệ dân thường trong thời chiến bằng việc giết hại và làm bị thương những người dân hòa bình khi chiến đấu chống các phần tử ủng hộ ly khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN