Tháp Eiffel và sứ mệnh khoa học - Kỳ cuối

Tháng 9/1914, chỉ vài tháng sau khi Thế chiến thứ nhất bắt đầu, quân Đức dường như sắp tàn phá nước Pháp, với các quân đoàn áp sát vùng ngoại ô của Paris. Quân đội Pháp ra lệnh đặt thuốc nổ ở chân tháp Eiffel. Họ thà phá hủy nó còn hơn là để tháp rơi vào tay địch.

Khi đó, các kỹ sư tại tháp đã bắt được bức điện radio từ Tướng Đức Georg von der Marwitz, người đang chỉ huy một đơn vị tiến vào Paris. Bức điện cho hay ông ta đang thiếu thức ăn cho những con ngựa của mình và phải tạm hoãn hành trình của đơn vị. Tận dụng sự trì hoãn này, quân đội Pháp đã sử dụng mọi phương tiện ở Paris để đưa khoảng 5.000 quân đến thị trấn Marne, cách thành phố khoảng 166 km, nơi nhiều đội quân của Đức đang đồn trú. Quân Pháp chiến đấu với quân Đức tại đó và giành chiến thắng. Sau này, nó đã được gọi là “Phép màu Marne”. Dù cuộc chiến kéo dài thêm 4 năm, Paris không bao giờ còn bị bao vây nữa.

Binh sĩ Pháp canh gác trạm điện tín trong Thế chiến thứ nhất.


Cuối năm 1916, các kỹ sư tại tháp Eiffel lại bắt được một bức điện nữa. Lần này là một bức điện được gửi từ Đức đến Tây Ban Nha, một đất nước chưa tham chiến. Bức điện nhắc đến một gián điệp được gọi là “Mật vụ H - 21”. Người Pháp nhận ra rằng đó chính là bí danh của vũ công người Hà Lan Margaretha Geertruida Zelle, người hiện nay được biết đến nhiều hơn với cái tên Mata Hari. Bức điện đã giúp Pháp bắt giữ bà với cáo buộc làm gián điệp cho Đức.

Từ đó, phát sóng trở thành đóng góp chính của tháp Eiffel cho khoa học và công nghệ. Năm 1921, trạm radio của tháp đã truyền tải chương trình âm nhạc đầu tiên ở Pháp. 14 năm sau, một máy phát tại tháp đã phát đi tín hiệu truyền hình đầu tiên của Pháp từ một trường quay gần đó. Năm 1957, các chảo vệ tinh lắp trên đỉnh tháp đã làm tăng độ cao của nó lên 320,75 m. Ngày nay, có khoảng 100 anten ở trên đỉnh tháp, kéo dài nó lên đến 324 m.

Bên trong trạm điện tín của tháp Eiffel.


Mặc dù tháp Eiffel không còn là một nơi dành cho nghiên cứu nữa, chính cấu trúc của nó cũng mang nhiều giá trị khoa học. Eiffel đã không có bất kỳ công thức nào để giúp ông xây dựng một tòa tháp có thể chịu được sức gió và chịu được sức nặng 10.000 tấn. Nhưng ông đã thành công khi phác ra những biểu đồ về các lực có thể tác động đến tòa tháp. Ông cũng đã sử dụng thông tin thu thập được trước đó về ảnh hưởng của gió cùng với kinh nghiệm của riêng mình về xây dựng các cầu đường sắt lớn và các công trình khác, ví dụ như phần bên trong của tượng Nữ thần Tự do.

Với những giá trị quan trọng ngay từ những năm đầu tồn tại, người dân Pháp cảm thấy tháp Eiffel là một phần không thể thiếu của quốc gia này. Người ta không còn nghĩ đến việc phá hủy nó nữa. Đài phát thanh (từ năm 1918) và Đài truyền hình Pháp (từ năm 1957) cũng đã tận dụng tháp làm một điểm phát sóng.

Theo một nghiên cứu gần đây do một công ty hiện điều hành tháp Eiffel thực hiện, tòa tháp này trên thực tế rất vững vàng. Phân tích đó kết luận rằng nhiệt độ khắc nghiệt, gió mạnh hay tuyết rơi dày cũng không ngăn được tòa tháp trụ lại đó trong khoảng 200 đến 300 năm nữa. Ngày nay, 7 triệu người tới tham quan tháp mỗi năm, và kể từ khi bắt đầu mở cửa, đã có tới 250 triệu người trên khắp thế giới đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Tòa tháp giờ có hai nhà hàng, nhiều quầy giải khát và các cửa hàng đồ lưu niệm độc đáo. Các tour tham quan giáo dục cũng được thiết kế dành cho trẻ nhỏ và du khách.

Đã từng được coi là một sự lãng phí tiền bạc và công sức, tháp Eiffel cuối cùng lại có rất nhiều giá trị đối với nước Pháp và cả thế giới. Đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ và cái nhìn thiếu thiện cảm của nhiều thành phần xã hội Pháp, Gustave Eiffel đã làm nên điều thần kỳ khi không chỉ giúp tòa tháp của mình tiếp tục được tồn tại mà còn tận dụng nó để thực hiện các nghiên cứu khoa học quan trọng. Khoa học đã giúp tháp Eiffel tồn tại, và chính tháp Eiffel lại là nơi giúp cho ra đời nhiều nghiên cứu có ảnh hưởng to lớn đến lịch sử.

Trần Anh
Những thí nghiệm trên tháp Eiffel
Những thí nghiệm trên tháp Eiffel

Tòa tháp cũng đóng một vai trò then chốt trong ngành khí động học, ngành nghiên cứu cách di chuyển của gió xung quanh vật thể, lúc đó vẫn còn mới mẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN