Thảm họa thanh tẩy tôn giáo châu Âu - Kỳ 1

Sự ra đời của người Morisco


Năm 1609 đánh dấu một trong những cuộc trục xuất tôn giáo lớn nhất châu Âu khi khoảng 300.000 người Morisco - những tín đồ Hồi giáo cải sang đạo Cơ đốc - đã bị chính quyền đuổi khỏi Tây Ban Nha nhằm tạo ra một nhà nước thuần nhất. Đó cũng là một trong những chương đen tối nhất của lịch sử bán đảo Iberia.


Một trận chiến trong thời kỳ Reconquista.


400 năm trước, vào tháng 4/1609, vua Phillip III của Tây Ban Nha đã bí mật ra lệnh trục xuất toàn bộ dân số gốc Hồi giáo ở nước này. Trong hơn 4 năm sau đó, gần như tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em của nhóm người được gọi một cách miệt thị là “Morisco” đã bị buộc phải rời khỏi lãnh thổ nước này. Điểm đến của họ là Bắc Phi, nơi chứa đựng đầy rẫy hiểm nguy. Và những gì cuộc thanh tẩy sắc tộc đó để lại đã tác động không nhỏ đến xã hội Tây Ban Nha sau này.


Người Hồi giáo có mặt ở bán đảo Iberia (ngày nay là các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anđôra và một phần lãnh thổ của Pháp) từ thế kỷ thứ VIII. Năm 711, các đội quân Hồi giáo Bắc Phi đổ bộ lên bán đảo này và cai trị trong hơn 5 thế kỷ. Suốt giai đoạn đó, nhiều mâu thuẫn trong giới thống trị đã diễn ra, dẫn tới những sự thống nhất và chia rẽ. Không những thế, người Tây Ban Nha vẫn liên tục thực hiện các cuộc chinh phục để lấy lại phần đất đã mất (các cuộc chiến trong thời kỳ được gọi là Reconquista). Các vương quốc Cơ đốc giáo vẫn tồn tại song song với những người xâm lược, và phần lớn dân số vẫn theo tôn giáo này.

Al-Andalus, tức đất của người Hồi giáo ở Iberia.


Năm 1492, Nữ hoàng Isabella I của Vương quốc Castile và Vua Ferdinand II của Vương quốc Aragon đã đánh bại vương triều Hồi giáo cuối cùng ở Granada và kết liễu quyền cai trị của đạo Hồi. Đồng thời, nền quân chủ Thiên chúa được tái lập. Nhưng tới thời điểm đó, người dân theo đạo Hồi đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống Tây Ban Nha.


Người Cơ đốc Tây Ban Nha luôn muốn có một nhà nước thuần khiết. Nhưng điều ngạc nhiên là theo các thỏa thuận đầu hàng, người dân theo đạo Hồi được phép giữ các luật pháp và tục lệ của mình. Tuy nhiên, chỉ 7 năm sau các thỏa thuận này đã bị phá vỡ, khi Tổng giám mục xứ Toledo buộc người Hồi giáo phải cải sang đạo Cơ đốc, nếu không muốn chịu các hình thức trừng phạt mạnh bạo như bỏ tù. Điều này đã kích động người Hồi giáo nổi dậy trên quy mô lớn với trung tâm là vùng Andalusia. Sau chiến dịch bình định, các vương quân Thiên Chúa giáo quyết định bắt tất cả người Hồi giáo ở Granada phải cải đạo hoặc phải rời khỏi đất nước.


Từ năm 1502 đến 1526, người Hồi giáo ở các vùng Castile, Valencia, Aragon và Catalonia đều buộc phải cải đạo thành tín đồ Cơ đốc giáo. Mọi tín ngưỡng Hồi giáo ở Tây Ban Nha đều bị cấm. Chính quyền không ảo tưởng về tính thành thật của cuộc cải đạo, nhưng họ tin rằng người Hồi giáo theo thời gian sẽ tự nguyện đi theo đạo Cơ đốc. Cái tên Morisco ra đời từ đây.


Hầu hết việc cải đạo này chỉ là hình thức. Người Morisco không thành thực với Cơ đốc giáo và vẫn bí mật thực hành đạo Hồi. Khi một đứa trẻ được rửa tội, người ta mang nó về nhà và cho tắm bằng nước ấm để hủy bỏ lễ ban phước rồi bí mật làm lễ đặt tên theo truyền thống. Một số người chôn người chết theo tập tục Hồi giáo thay vì Cơ đốc giáo.


Thái độ của người Cơ đốc “cũ” đối với người Morisco rất phức tạp và mâu thuẫn. Một mặt, họ được đánh giá cao bởi các chủ đất Tây Ban Nha về tính cần cù của họ. Mặt khác họ thường bị coi là các công dân hạng hai và gợi nhớ lại quá khứ Hồi giáo đáng hổ thẹn xa rời những di sản đích thực của Tây Ban Nha.


Niềm tin vào tính thuần khiết của đất nước khiến Tây Ban Nha coi người Morisco là dị giáo. Suốt thế kỷ 16, mọi mặt trong đời sống như ngôn ngữ, quần áo, tục ăn kiêng hay các truyền thống khác đều bị quy kết là mọi rợ. Chính sách đồng hóa bắt buộc được thi hành. Người nào không uống rượu hay ăn thịt lợn sẽ bị đưa ra tòa; che giấu sách hay đoạn trích về kinh Koran hoặc truyền thuyết Hồi giáo có thể bị phạt. Không chỉ bị cho là mối đe dọa với tính thống nhất tôn giáo của Tây Ban Nha, họ còn bị coi là tay trong tiềm tàng trong cuộc xung đột đẫm máu giữa những người Cơ đốc giáo và Đế chế Ốttôman.


Bước ngoặt diễn ra vào năm 1566 khi vua Philip II ban hành một sắc lệnh cấm sử dụng tiếng Arập ở Granada, cùng với các điệu nhảy, bài hát và trang phục của người Morisco. Không bất ngờ gì khi sắc lệnh mang tính đàn áp này đã kích động cuộc nổi dậy vào năm 1568, thậm chí còn đẫm máu hơn cuộc nổi dậy trước. Trong 2 năm, quân đội Tây Ban Nha đã chiến đấu chống người nổi dậy Morisco trong những cuộc chiến đầy hỗn loạn. Tàn bạo nhất là cuộc san bằng thị trấn Galera ở phía đông Granada đã giết chết 2.500 dân thường. Họ đã chiến thắng và nhà vua Philip II ra lệnh bắt buộc di dời khoảng 80.000 nghìn người Morisco từ Granada sang các nơi khác. Người Cơ đốc “cũ” ở miền bắc được đưa đến sống ở đất của người Morisco.


Sau đó, người Morisco ngày càng bị đẩy ra ngoài lề. Sự thù hằn của Cơ đốc giáo càng gia tăng vì số người Morisco ngày càng nhiều so với người Cơ đốc. Trong khi người Cơ đốc đi lính và tôn trọng sự độc thân, người ta cho rằng người Morisco kết hôn sớm hơn và có đông con cháu một lúc nào đó sẽ chiếm số đông trong xã hội Tây Ban Nha. Các sử gia đã chứng minh những quan niệm này đã bị thổi phồng, nhưng chúng vẫn được giới cầm quyền Tây Ban Nha viện dẫn để dựng lên mối đe dọa từ những người “dị giáo”.

Trần Anh

Đón đọc kỳ cuối: Kết cục bi thảm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN