Siêu lạm phát 1923 tại Đức

Siêu lạm phát 1923 tại Đức-Kỳ cuối: Biện pháp quyết liệt

Lúc đó, người ta nhận ra rằng chỉ có một bước ngoặt tiền tệ mạnh mẽ mới có thể ngăn chặn việc tiếp tục phá giá đồng tiền và thiết lập lại được trật tự.
Khi 1 USD đổi được gần 4.200 tỉ mark và tỉ lệ lạm phát ước tính 750 tỉ phần trăm, chính phủ Đức của Thủ tướng Gustav Stresemann phải hành động với việc ngừng các máy in tiền và tiến hành cải cách tiền tệ vào ngày 15/11/1923 và đưa đồng rentenmark vào lưu hành. Do không có vàng để bảo đảm giá trị đồng tiền, chính phủ tuyên bố thế chấp bằng bất động sản của các ngành công nghiệp và nông nghiệp trị giá 3,2 tỉ rentenmark. Khi đó, một nghìn tỉ mark cũ đổi được một rentenmark, tương đương với giá 15,4 xu của năm 1914. Từ 30/8/1924, đồng rentenmark đã trở thành đồng tiền chính thức và đồng tiền lại bắt đầu có giá.

Người dân chen chúc tới ngân hàng đổi tiền.

Những người bị thiệt hại nhiều nhất là những người có tài sản bằng tiền, những người gửi tiết kiệm, những người giữ công trái, những người nhận lương hưu trí và những người sống vào tiền lãi từ vốn đầu tư. Phần lớn tầng lớp trung lưu đã cảm thấy mình bị tước đoạt, họ đã mất hầu hết những gì mà họ đã dành dụm trong nhiều năm trời.

Cả các ngân hàng, quỹ tiết kiệm và bảo hiểm cũng bị thiệt hại nặng nề về vốn. Năm 1924, họ hầu như bắt đầu kinh doanh lại từ đầu.

Ngược lại, những người hưởng lợi là những người bị nợ nhiều, trước hết là nhà nước và những cá nhân đã vay nợ để mua nhà, đất xây dựng hoặc ruộng đất và món nợ được giảm mạnh do chuyển sang đồng rentenmark. Một số nhà công nghiệp được hưởng lợi đặc biệt nhiều từ nạn siêu lạm phát.

Hugo Stinnes, như tạp chí Time gọi ông là “Hoàng đế mới của nước Đức” đã mua lại được một loạt công ty từ những ngành công nghiệp nặng, báo chí, tàu thuyền, khách sạn với những khoản nợ khổng lồ. Mùa hè 1922, Stinnes còn kêu gọi phải tiếp tục sử dụng “vũ khí lạm phát”. Nói chung, các chủ nhà máy và các thợ thủ công là những người được lợi từ cuộc khủng hoảng: Họ sở hữu máy móc, nhà xưởng, những giá trị vật chất vượt qua được sự biến động của tiền tệ.

Hầu hết nông dân cũng sống rất sung túc qua thời kỳ siêu lạm phát. Nhà văn Lion Feuchtwanger mô tả: “Nhiều nông dân có rất nhiều tiền. Có người mua cả một chuồng đầy ngựa đua, có người thì mua xe ô tô hạng sang”. Chưa bao giờ nước Đức lại trải qua việc phân chia lại tài sản về cơ bản như vậy.

Sau khi phát hành đồng tiền mới rentenmark với 1.000 tỉ mark cũ đổi được 1 đồng rentenmark, hệ thống tiền tệ dần đi vào ổn định.


Nhằm ngăn chặn thảm họa đó, lẽ ra trong thập kỷ giữa 1914 và 1924 phải có một số diễn biến khác. Lẽ ra cần có một quyền lực nhà nước có khả năng quyết định, tức là một chính phủ mạnh, được nhân dân ủng hộ, coi trọng việc sử dụng ngân sách tiết kiệm và dàn xếp tốt hơn với quân đồng minh. Đồng thời, nước ngoài, đặc biệt là Pháp, cần lưu ý hơn tới tình hình khó khăn của nước Đức đang chịu nhiều nợ nần và xử sự một cách nhạy cảm hơn. Nhưng trước hết, lẽ ra các nước đồng minh phải nhanh chóng tạo ra sự rõ ràng về mức phải bồi thường chiến tranh.

Nhưng nước Đức đã rơi vào một dạng vô chính phủ về tài chính. Không còn bình tĩnh nữa, nhiều người Đức đã tìm cách thoát khỏi thực tế cay đắng. Họ rời bỏ đất nước. Các nhà chức trách ghi nhận năm 1923, số người di cư nhiều gấp ba lần so với năm trước đó. Nhiều người tham gia các giáo phái và nhiều người tự tử. Và hàng triệu người đã trở nên cực đoan.

Việc Hitler nổi lên không phải là ngẫu nhiên vào tháng 11/1923, đỉnh cao của cuộc lạm phát, khi y tiến hành một cuộc đảo chính ở Munich.

Phóng viên Xammar đã trực tiếp chứng kiến cuộc đảo chính này. Trước đó, ông ta vừa phỏng vấn Adolf Hitler, người sẽ trở thành tên độc tài của nước Đức. Hitler tuyên bố: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chi phí để duy trì cuộc sống quá cao. Chúng tôi muốn làm cho chi phí cuộc sống rẻ hơn. Để làm điều này, những cửa hàng bách hóa phần lớn trong tay người Do Thái phải được chuyển giao cho sự quản lý của nhà nước. Và chúng ta có thể trông chờ mọi điều kỳ diệu của những cửa hàng nhà nước này”.

Sau khi trải qua nạn siêu lạm phát tồi tệ nhất từ trước tới nay, những tuyên bố mị dân của Hitler đã được phần lớn người Đức nghe theo.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN