4.Màn mây bụi khổng lồ
Khoảng giữa thế kỷ thứ 6, một đám mây đặc quánh cát bụi đột nhiên xuất hiện và bao trùm khắp hành tinh. Đám mây này có khả năng đã hình thành từ một vụ phun trào núi lửa ở vùng nhiệt đới hoặc do ảnh hưởng của một vụ nổ thiên thạch đâm xuống Trái đất. Ánh sáng Mặt trời bị chặn lại ở tầng khí quyển khiến nhiệt độ ở dưới đất giảm rõ rệt trong vòng một năm.
Mùa đông năm 535 - 536 kéo dài đã mang tới hạn hán, mất mùa và đói kém tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều thông tin ghi nhận tại Trung Quốc đã có tuyết rơi vào tháng 8, sương mù dày đặc ở Trung Đông và châu Âu hay như hạn hán ở Peru. Một số học giả cho rằng hình thái thời tiết lạ này cũng là một yếu tố dẫn tới đợt bùng phát dịch hạch đầu tiên được biết tới ở châu Âu.
Giới khoa học ngày nay vẫn chưa thể tìm ra chính xác điều gì đã gây ra hiện tượng giảm nhiệt trên toàn cầu năm đó. Một giả thuyết cho rằng một vụ phun trào núi lửa dữ dội đã tung khói bụi lên bầu không khí rồi che kín ánh Mặt trời. Kết quả nghiên cứu các mẫu băng niên đại khoảng thế kỷ thứ 6 lấy từ Greenland và Nam Cực cho thấy trong chúng có chứa nồng độ nặng ion sulfat – các phân tử hóa học có trong khói bụi núi lửa. Đây có thể là dấu hiệu của một vụ phun trào mạnh mẽ ở El Salvador vào những năm 530. Các nhà nghiên cứu khác lại gợi ý thủ phạm của hiện tượng bất thường này là một vụ va chạm sao chổi với Trái đất. Trên thực tế, năm 530 đã ghi nhận việc sao chổi Halley bay ngang qua Trái đất. Rất có thể một mảnh thiên thạch vỡ ra từ Halley đã đâm xuống mặt đất rồi tạo nên đám mây bụi khổng lồ trên.
5. Khói mù năm 1952
Không phải thảm họa thiên nhiên nào cũng hoàn toàn do yếu tố tự nhiên. Tháng 12/1952, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã xảy ra ở thủ đô London của nước Anh trong suốt 4 ngày.
Từ 5 – 8/12/1952, do thời gian thời tiết lạnh giá kết hợp với thiếu gió, bụi than đá và khí ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất công nghiệp đã ngưng tụ lại, khói mù này đã len lỏi đến từng góc phố, vào từng ngôi nhà. Chỉ vài giờ sau đó, London đã chìm trong một lớp sương mù ngột ngạt chưa từng có. Không chỉ làm xáo trộn sinh hoạt của người dân, chúng còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thành phố. Tầm nhìn tại nhiều nơi bị hạn chế chỉ còn bằng không. Để ra ngoài đường, người dân buộc phải đeo khẩu trang và mang theo đèn huỳnh quang.
Tại thời điểm đó, hàng ngàn vạn ống khói vẫn nhả khói độc lên bầu trời khiến nồng độ bụi khói tăng gấp 10 lần bình thường. Các chất hóa học trong không khí còn phản ứng với nhau, tạo thành những đám mây axit độc hại. Gia súc chết ngạt trên đồng cỏ, còn người già và trẻ em bị nhiễm viêm phổi nặng. Ít nhất 4.000 người đã thiệt mạng trước khi gió kịp thổi tan lớp bụi ô nhiễm này. Khói mù năm 1952 được xem là sự kiện ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong lịch sử Anh, để lại tác động nghiêm trọng tới môi trường.
Theo sau sự kiện này, chính phủ Anh đã ban hành Đạo luật Không khí sạch vào năm 1956, khuyến khích người dân chuyển sử dụng than sang các loại nhiên liệu sạch hơn, đồng thời cấm các nhà máy thải khói than tại một số khu vực. Những quyết định mạnh mẽ này đã góp phần giảm dần sương mù ở London trong những năm sau đó.
6. Vụ nổ Tunguska
Hơn 7 giờ sáng ngày 30/6/1908, người Evenki bản địa và các cư dân Nga sống tại vùng đồi núi phía tây bắc hồ Baikal đã trông thấy một cột sáng chói lóa bay vụt qua bầu trời Siberia. Khoảng 10 phút sau, tia sáng này lao xuống khu vực gần sông Tunguska tạo nên một tiếng nổ lớn và luồng áp suất đủ mạnh để phá vỡ cửa kính ở cách đó nhiều km. Vụ va chạm này có sức công phá tương đương với từ 5 tới 10 triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh gấp hàng trăm lần quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Hơn 80 triệu cây rừng và vô số động vật trên khoảng diện tích hơn 2.100 km2 đã bị xóa sổ. Đáng ngạc nhiên rằng, mặc dù đây là một vụ nổ có sức mạnh kinh hoàng nhưng lại không gây ra bất cứ thương vong nào về con người. Cho đến tận vài hôm sau đó, thiết bị đo khí quyển và địa chấn ở tận Anh vẫn đo được dư chấn của vụ nổ Tunguska. Và bầu trời ở khu vực châu Á vẫn sáng rực giữa ban đêm.
Tại hiện trường, những cây gỗ bị cháy xém, trơ trụi không hề có cành lá, tạo nên một khung cảnh chết chóc. Dường như vụ nổ chỉ xé rách cành và lá cây chứ không hề phá nát thân cây. Điều này khiến cho người dân địa phương càng tin rằng họ đã bị trừng phạt, hoặc bị người ngoài hành tinh tấn công. Đến nay, nguyên nhân của hiện tượng này vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải thỏa đáng.
Các chuyên gia nhận định vụ nổ do một thiên thạch ngoài vũ trụ gây ra. Thế nhưng vào năm 1927 khi một đoàn thám hiểm Nga tiếp cận được hiện trường vụ nổ, họ không hề tìm thấy dấu hiệu của bất cứ hố sâu nào. Có giả thuyết cho rằng đây là một ngôi sao chổi đóng băng nên nó đã tan biến mà ít để lại dấu vết. Chỉ biết rằng các mẫu thực vật tìm thấy tại vụ nổ Tunguska có nồng độ cao nikel, sắt - các kim loại thường gặp tại các hiện trường thiên thạch rơi.