Những chuyện tình bi kịch

Tình yêu có thể dẫn đến cái chết. Ghen tuông, điên loạn hay bị ám ảnh bởi một âm mưu nào đó, người ta sẵn sàng ra tay sát hại những người xung quanh mình. Không phải chỉ tình địch, chính vợ hoặc chồng hay người thân của kẻ sát nhân cũng phải hứng chịu những cái chết cay nghiệt. Có kẻ phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình, nhưng có kẻ lại thoát được bàn tay của công lý.

 

Vụ án mạng Gaston Calmette


Paris (Pháp) là thành phố của tình yêu, nhưng tình yêu không có nghĩa là không có án mạng. Câu chuyện của Henriette Raynouard là một ví dụ. Năm 1911, người phụ nữ này đã kết hôn với Joseph Caillaux, một chính trị gia ga lăng có tiếng đã phản bội vợ cũ của mình để chạy theo Henriette sau khi trở thành thủ tướng.

 

Tranh mô tả vụ giết người của Henriette.


Là thành viên của đảng Cấp tiến trung tả, Caillaux có nhiều kẻ thù vì các chính sách thân Đức của ông, nhưng ngay cả khi rời nhiệm sở năm 1912, ông vẫn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng. Điều đó không mấy dễ chịu với Gaston Calmette, biên tập viên của tờ Le Figaro và là một trong những người chỉ trích Caillaux gay gắt nhất. Tin rằng Caillaux là một mối đe dọa với nước Pháp, Calmette lên kế hoạch hủy hoại danh tiếng của ông.


Năm 1914, Calmette đã gây sốc cho cả Paris khi công bố bức thư tình của Joseph và nhân tình đầu tiên của ông ta, Berthe Gueydan. Khi đời sống riêng tư của Caillaux bị phơi bày, Henriette bắt đầu cảm thấy lo lắng. Trong suốt cuộc tình vụng trộm của họ, bà và Caillaux đã trao cho nhau nhiều bức thư tình, và đã có tin đồn trong thành phố rằng Calmette cũng đang định cho công bố chúng. Một phần để bảo vệ chồng và một phần để giữ kín bí mật của bản thân, Henriette đã quyết định tới gặp Calmette.

 

Ngày 16/3/2014, Henriette tới văn phòng của Calmette với một chiếc khăn choàng che kín cả hai bàn tay. Khi vào trong, bà hỏi ngay Calmette: “Anh có biết tại sao tôi tới đây không?”. Calmette trả lời: “Không, thưa bà”. Ngay lập tức, Henriette rút ra một khẩu súng từ dưới chiếc khăn và nã 6 phát đạn vào bụng Calmette. Khi cảnh sát tới vây lấy bà ta, Henriette hùng hồn tuyên bố: “Đừng đụng vào tôi! Tôi là một quý bà”.


Trước tòa, Henriette khai rằng bà hành động như vậy là vì quá lo lắng và không có ý thức. Bị rung động trước lập luận của bà, hội thẩm đoàn gồm toàn nam giới chỉ mất chưa tới một giờ để đưa ra phán quyết Henriette vô tội.


Ông hoàng buôn rượu lậu


George Remus là một người đa tài. Đầu tiên là một dược sĩ, sau này là một luật sư, Remus quyết định đã đến lúc phải thay đổi sự nghiệp khi Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật Volstead năm 1919. Ông chuyển tới Cincinnati, dùng giấy phép dược sĩ để đặt mua whiskey cho mục đích y tế, và bắt đầu nghiệp kinh doanh rượu lậu hàng triệu USD.

 

George Remus.

 

Remus là một người chịu chơi và tự xây cho mình một biệt thự có bể bơi, chuồng ngựa và sân bóng chày. Ông tổ chức những bữa tiệc hoang phí, sẵn sàng mua tặng những chiếc đồng hồ đính kim cương và cả xe hơi. Remus chết mê chết mệt một quý bà xinh đẹp tên là Imogene Holmes, dẫn đến việc nhanh chóng ly dị người vợ đầu. Không lâu sau, ông và vị hôn thê mới đã điều hành một trong những đế chế rượu lớn nhất nước Mỹ.


Khi Remus bị bắt vào năm 1924, ông ủy quyền cho Imogene quản lý nghiệp kinh doanh phi pháp của mình. Đó là sai lầm đầu tiên của ông. Sai lầm thứ hai là kể cho bạn tù Frank Dodge rằng vợ mình đang giữ tiền. Sau khi ra tù, Dodge đã tìm cách tiếp cận và tán tỉnh bà Imogene. Cả hai bán tất cả mọi thứ của ông vua rượu lậu và lấy hết tiền của ông.


Đương nhiên, Remus không vui vẻ gì khi được trả tự do. Ông còn tức giận hơn nữa khi Imogene đâm đơn ly hôn. Mọi chuyện bùng nổ vào ngày 6/10/1917, ngày hoàn tất các thủ tục ly dị. Khi Imogene rời tòa án, Remus lệnh cho tài xế của mình chèn xe taxi của Imogene vào bên đường. Khi bà bước ra, Remus gí súng vào đầu bà và bóp cò.


Trong phiên tòa sau đó, Remus tự bào chữa cho mình và cho rằng lúc đó mình bị điên tạm thời. Đáng ngạc nhiên là quan tòa tin vào điều đó và tuyên ông vô tội. Tuy thế, Remus được đưa vào viện tâm thần trong 6 tháng. Khi ra viện, Remus tìm cách lấy lại sự giàu sang của mình nhưng đã chết trong nghèo đói năm 1952, khi vẫn tin rằng giết vợ là một việc làm đúng.


Vụ giết người phòng chat Internet


Thomas Montgomery là một người đàn ông 47 tuổi đã có vợ và hai con ở New Hampshire, Mỹ. Nhưng ông ta không nói điều đó với “Talhotblond”, cô gái 18 tuổi ông gặp trên mạng tại phòng chat Pago. Thay vào đó, ông nói mình là một cựu binh Chiến tranh Iraq trẻ tuổi và cả hai đã phải lòng nhau. “Talhotblond”, còn gọi là Jessi, bắt đầu gửi những bức ảnh nóng bỏng của mình cho Montgomery.

 

Thomas Montgomery và Brian Barret.


Thích thú với thứ tình dục trên mạng này, Montgomery kể cho bạn bè nghe nhưng mọi chuyện đã sụp đổ khi vợ ông ta phát hiện mọi chuyện. Bà đã gửi cho Jessi một bức thư nói rằng Montgomery là một người đàn ông trung niên, đủ tuổi để cô gọi là bố. Hoảng sợ, Jessi cắt đứt mối quan hệ với Montgomery, chuyển sự chú ý của mình sang người đồng nghiệp 22 tuổi của Montgomery là Brian Barret.


Việc này không làm Montgomery hài lòng. Ông ta trở nên hung hãn, gửi cho Jessi những tin nhắn đáng sợ như “Barret sẽ phải trả giá bằng máu”. Và khi Montgomery phát hiện ra Barret chuẩn bị tới thăm Jessi tại nhà riêng ở tây Virginia, ông quyết định rằng Barret cần phải chết. Ngày 15/9/2006, khi Barret ngồi trong xe cùa mình, Montgomery đã hạ sát anh theo kiểu bắn tỉa bằng khẩu súng trường 30 ly. Khi cảnh sát biết về mối tình tay ba này, họ định cảnh báo Jessi rằng cô có thể là nạn nhân tiếp theo.


Tuy nhiên, khi cảnh sát đến nhà Jessi, họ chỉ thấy Mary Shieler, một phụ nữ trung tuổi. Shieler có một cô con gái tên Jessi, nhưng Jessi chưa bao giờ biết đến Montgomery hay Barret. Hóa ra bà mẹ này đã sống hai mặt, giả làm con gái mình và tán tỉnh hai người đàn ông.


Cảnh sát không có lý do gì để bắt Shieler, nhưng đã bắt Montgomery và ông này sau đó bị kết án 20 năm tù. Nhưng Shieler cũng phải gánh chịu hậu quả khi cả chồng và con đều đã rời bỏ bà ta.


(Còn tiếp)


Trần Anh

Những chuyện tình bi kịch (Tiếp theo và hết)
Những chuyện tình bi kịch (Tiếp theo và hết)

Denise Labbe sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì Jacques Algarron. Đó là vào năm 1954, Labbe đang làm thư ký ở Viện Thống kê quốc gia ở Renne và cô đã gặp Algarron, một người lính trẻ và là một con quái vật ẩn mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN