Người Kurd là ai? - kỳ 1

Nguồn gốc người Kurd



Người Kurd sinh sống tại khu vực miền núi trải dài dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Armenia với số dân khoảng từ 20 - 30 triệu người. Người Kurd được coi là nhóm sắc tộc lớn thứ tư ở khu vực Trung Đông, nhưng họ chưa từng có một nhà nước độc lập của riêng mình.

Trong những thập kỷ gần đây, ảnh hưởng của người Kurd đã tăng lên trong sự phát triển ở khu vực. Họ đã cầm súng đòi tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia với có một vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột ở Iraq và Syria và gần đây nhất họ đã tham gia tích cực cuộc chiến ngăn bước tiến của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Về mặt lịch sử, người Kurd sống nhờ vào chăn cừu trên những cánh đồng nằm ven sông và những khu vực cao nguyên nằm ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, đông bắc Syria, bắc Iraq, tây bắc Iran và tây nam Armenia.

Người Kurd tuần hành chống IS tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.


Ngày nay họ là một nhóm người đặc biệt với sắc tộc, văn hóa và tiếng nói riêng, mặc dù họ không có một ngôn ngữ thống nhất. Hơn nữa họ thuộc một cộng đồng có lý tưởng và tín ngưỡng khác biệt, dù rằng đa số họ thuộc dòng Hồi giáo Sunni.

Vào đầu thế kỷ 20 có nhiều người Kurd đã bắt đầu nghĩ tới việc thành lập một quốc gia độc lập, mang tên là “Kurdistan”. Sau khi đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, các đồng minh phương Tây thắng trận đã đưa vào Hiệp ước Sèvres (1920) ý tưởng về một nhà nước của người Kurd.

Nhưng niềm hy vọng này đã bị đổ vỡ sau khi ký Hiệp ước Lausanne (1923), trong đó hoạch định biên giới của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ như hiện nay và không còn đất cho một nhà nước của người Kurd nữa. Kết cục, người Kurd trở thành dân tộc như những dân tộc thiểu số trong lòng các quốc gia mình đang sinh sống.

Tại sao người Kurd chống IS?

Vào giữa năm 2013, mọi tầm ngắm của IS nhằm vào ba khu vực sát biên giới phía bắc Syria và IS đã liên tục phát động nhiều cuộc tấn công vào đó. Các đơn vị phòng vệ dân sự - cánh quân sự của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria - tiếp tục đứng ra đánh trả lại các cuộc tấn công của IS cho đến giữa năm 2014. Bước ngoặt là cuộc tấn công của IS tại Iraq vào tháng 6 vừa qua. Chúng đã chiếm thành phố Mosul phía bắc Iraq, chúng đánh bại các đơn vị quân đội Iraq, chiếm đoạt vũ khí và đưa về Syria.

Những bước tiến của IS ở Iraq đã làm cho người Kurd phải dính líu vào cuộc xung đột. Chính quyền tự trị Kurdistan đã đưa lực lượng Peshmerga tham chiến chống IS ở những khu vực mà quân đội chính phủ Iraq đã rút khỏi.

Các cuộc đấu súng ở mức độ nhỏ lẻ đã xảy ra giữa lực lượng Peshmerga và IS cho đến khi IS tăng cường các cuộc tấn công vào tháng 8/2014. Sau khi thất bại, lực lượng Peshmerga phải rút lui, IS chiếm đoạt nhiều thị trấn, nơi có các dân tộc tôn giáo thiểu số sinh sống, trong đó có thị trấn Sinjar, tại đây có hàng nghìn người Yazidi sinh sống.

Mỹ đã tiến hành một loạt các cuộc oanh kích vào bắc Iraq và đã gửi các chuyên gia quân sự đến Iraq do lo sợ sẽ xảy ra thảm sát đối với người Yazidi sau khi lực lượng Peshmerga rút khỏi đây.

Và các nước châu Âu cũng bắt đầu chuyển vũ khí ủng hộ lực lượng Peshmerga, đồng thời các đơn vị phòng vệ dân sự người Kurd ở Syria và các phiến quân thuộc Đảng công nhân người Kurd (PKK) cũng tham gia các hoạt động hỗ trợ lực lượng Peshmerga. Mặc dù, lực lượng Peshmerga giành được những bước tiến trước IS ở Iraq, song các chiến binh của IS tiếp tục toan tính chiếm đóng các khu vực của người Kurd ở Syria.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, IS đã phát động chiến dịch tấn công vào khu vực xung quanh thị trấn Ain al-Arab (Kobane) phía bắc Syria, buộc trên 160.000 người phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn.

Nhưng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ chối triển khai tấn công vào các vị trí của IS nằm ở sát biên giới với họ, cũng như từ chối để người Kurd của nước mình vượt biên sang Syria để đánh trả IS. Do đó đã bùng lên các cuộc phản đối của người Kurd và PKK đã đe dọa rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ.

Vào giữa tháng 10 năm nay, Ankara đã cho phép các lực lượng Peshmerga tham gia cuộc chiến xung quanh thị trấn Kobane.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không giúp người Kurd bảo vệ Kobane?

Từ lâu vẫn tồn tại một cuộc xung đột giữa nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, mà người Kurd chiếm khoảng từ 15 - 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Vào những năm 20, 30 của thế kỷ trước có nhiều phong trào người Kurd nổi dậy nên nhiều người Kurd đã bị bố trí định cư lại, ngôn ngữ của người Kurd bị cấm dùng, kể cả tên và trang phục của họ cũng bị cấm đoán, bản sắc dân tộc Kurd bị chối bỏ và họ bị gọi với cái tên là “những người Thổ Nhĩ Kỳ sống trên núi”.

Vào năm 1978, Abdullah Ocalan đã sáng lập PKK, đảng này đã kêu gọi thành lập một nhà nước cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và sáu năm sau khi thành lập, đảng này đã phát động đấu tranh vũ trang. Từ đó đã có hơn 40.000 người Kurd bị giết và hàng trăm nghìn người khác phải sơ tán.

Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, PKK đã rút yêu sách đòi độc lập, nhưng đòi quyền lớn hơn về văn hóa, chính trị và tiếp tục đấu tranh.

Vào năm 2012, sau khi thỏa thuận ngừng bắn trong vòng một năm và yêu cầu các chiến binh của PKK rút về phía bắc Iraq, thì bắt đầu diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ và PKK, song các cuộc đấu súng vẫn tiếp diễn.

Mặc dù cho rằng IS là mối đe dọa đối với mình, song Thổ Nhĩ Kỳ lại lo ngại là nếu cho phép người Kurd vượt biên vào Syria tham chiến thì sau này họ sẽ biến Syria thành bàn đạp để tấn công trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng họ chưa sẵn sàng tham gia những nỗ lực hỗ trợ liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại IS, trừ khi một trong những mục tiêu của liên minh là lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.



TTK (Theo Al Marsad)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN