Những nữ điệp viên tuyệt sắc tài ba của thế kỷ XX - Kỳ cuối:

Nancy Wake - điệp viên đứng đầu danh sách đen của Gestapo

Cơ quan mật vụ Đức Quốc xã, Gestapo, đã đặt giải thưởng 5 triệu frank cho ai lấy được đầu của Nancy Wake, nhưng cũng đành bó tay. Với một mớ giấy tờ giả như thật, nữ điệp viên bị Gestapo gắn cho biệt danh “Chuột bạch” và đưa lên vị trí đầu tiên trong bản danh sách đen này đã thoát qua mọi cửa tử, giành quyền sống chính đáng, góp phần vào chiến thắng của quân Đồng minh trước phe Trục. Nancy từng nói: “Tôi thù ghét chiến tranh và bạo lực. Khi gót giầy xâm lược của phát xít Đức lê khắp châu Âu, tôi cứ nghĩ phụ nữ chẳng có lý do gì để ru rú trong nhà bởi chỉ dựa vào sự đấu tranh của đàn ông thôi thì chưa đủ”. Tận mắt chứng kiến cảnh quân đội Đức thảm sát người Do thái, tấn công những kẻ đồng tính luyến ái, dân Gypsy trên đường phố Pari (Pháp), Viên (Áo), Nancy càng quyết tâm đi theo con đường chống phát xít.


Nancy năm 1945.


Năm 1935, Nancy gặp nhà công nghiệp Pháp giàu có, Henri Fiocca. Hai người có cảm tình với nhau. Bốn năm sau, một đám cưới linh đình đã được tổ chức. Nancy và Henri chung sống hạnh phúc trong một căn nhà lộng lẫy trên một quả đồi nhìn xuống cảng Marseille. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Hitler xua quân xâm chiếm Pháp. Chia tay những cuộc du ngoạn đây đó, những buổi tiệc tùng với champagne và trứng cá muối, Nancy bắt đầu cuộc đời mạo hiểm. Lợi dụng thân phận là vợ một nhà doanh nghiệp lớn, Nancy đã có được rất nhiều loại giấy tờ giả khác nhau để có thể lui tới và lưu lại những vùng bị quân Đức chiếm đóng. Bỏ tiền mua một chiếc xe cứu thương, tự tay Nancy lái đưa hơn 1.000 tù binh chiến tranh và phi công quân Đồng minh bị Đức Quốc xã bắt xuyên qua biên giới Pháp, sang Tây Ban Nha an toàn. Phát hiện ra sự nguy hiểm của “Chuột bạch”, Gestapo đã treo thưởng lớn cho ai cung cấp thông tin, bắt hoặc giết được Nancy. Gestapo đặt máy ghi âm điện thoại nhà Nancy, mở những bức thư gửi tới cho Nancy…


Một trong những giấy tờ giả của Nancy.


Nhận thấy tình hình ở Pháp quá bất lợi, Nancy quyết định vượt biên sang Tây Ban Nha, rồi tới Anh. Chồng bà cũng hối thúc: “Em phải đi nhanh, càng sớm càng tốt”. Nancy vẫn nhớ câu cuối cùng bà nói với chồng: “Chẳng bao lâu nữa, em sẽ lại về với anh”. Nhưng Nancy không bao giờ có thể gặp lại chồng nữa. Vì khoảng một năm sau khi Nancy trốn đi, Gestapo đã tới bắt chồng bà. Dù bị tra tấn dã man, nhưng Henri quyết không khai nơi lẩn trốn của vợ, cuối cùng bị Gestapo đem đi xử tử.

 

Tại Luân Đôn, Nancy gia nhập Cục Hành động Đặc biệt (SOE), tiếp tục sự nghiệp chống phát xít. Khi đó SOE có tổng cộng hơn 500 thành viên, Nancy là một trong số 39 nữ điệp viên ít ỏi của SOE. Sau khi được huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn, gồm các thủ đoạn ám sát, sử dụng điện đài, đặt thuốc nổ đánh phá những cơ sở hạ tầng quan trọng…, Nancy được đưa về Pháp. Tháng 4/1944, Nancy và một cộng sự khác có mặt ở tỉnh Auvergne thuộc miền trung nước Pháp, phụ trách việc chiêu mộ, tổ chức lực lượng kháng chiến ngầm và xây dựng kho vũ khí bí mật cũng như sự hoạt động của đường dây liên lạc vô tuyến điện giữa người chỉ huy lực lượng kháng chiến Pháp ở Auvergne, Đại úy Henri Tardivat, với Luân Đôn. Dưới sự lãnh đạo của Nancy, lực lượng kháng chiến của Pháp ở Auvergne từ 3.000 quân đã phát triển lên trên 7.000 quân, tạo ra sức ép mạnh mẽ đối với quân Đức. Đồng thời, các kháng chiến quân Pháp ở Auvergne đã tấn công mạnh mẽ vào quân Đức, mục đích là làm tiêu hao binh lực, vũ khí trang bị, giảm sức kháng cự của quân Đức trước khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandie.

 

Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc, Nancy tiếp tục làm việc cho SOE ở Phòng tình báo, Bộ Hàng không Anh. Năm 1960, Nancy kết hôn cùng John Forward, một tù nhân chiến tranh người Anh và chuyển sang sinh sống ở Ôxtrâylia. Để ghi nhận công lao của Nancy, Chính phủ Pháp đã tặng bà Huân chương Danh dự, Huân chương Thập tự Chiến tranh và Huân chương Kháng chiến, còn Chính phủ Mỹ tặng bà Huân chương Tự do, Chính phủ Ôxtrâylia là Huân chương Hữu nghị và Chính phủ Anh là Huân chương George. Nancy trở thành nữ điệp viên nhận được nhiều huân chương nhất từ quân Đồng minh.

 


Minh Thành (Tổng hợp)

Josephine Baker - điệp viên sơn ca
Josephine Baker - điệp viên sơn ca

Josephine hợp tác với tình báo Pháp, đơn giản là vì bà là công dân Pháp (năm 1937, Josephine nhập quốc tịch Pháp) và muốn phục vụ vì lợi ích của nước Pháp cũng như Đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít. Josephine có tất cả những phẩm chất cần thiết cho một điệp viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN