Nạn nhân vụ xả súng Charlie Hebdo là ai?

8 con người. 8 số phận. 8 câu chuyện. Tất cả đã chấm dứt vĩnh viễn sau những phát súng lạnh lùng của hai anh em sát thủ Kouachi khi chúng thực hiện vụ tấn công tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo của Pháp ngày 7/1.

Cho dù thủ phạm đã bị tiêu diệt nhưng nước Pháp không thể lấy lại mạng sống cho những con người đã hi sinh vì nghề.

Stephane Charbonnier.


Stephane Charbonnier, thư ký tòa soạn

Người ta vẫn biết tới ông với bút danh Charb. 47 tuổi, ông từng bị dọa giết nhiều lần và luôn được vệ sĩ cảnh sát bảo vệ. Là một người ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận có phần khiêu khích của tạp chí theo đường lối cánh tả Charlie Hebdo, Charb luôn từ chối cúi mình trước dư luận.

Ông từng nói với tờ Le Monde: “Tôi không vợ, không con, không xe, không nợ nần. Có thể nói hơi quá nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ”.

Sau khi văn phòng Charlie Hebdo bị ném bom khói năm 2011 để trả đũa vụ tòa soạn báo đăng hình biếm họa đấng tiên tri Mohammad, ông Charb đã nói rằng vụ tấn công đó chính là nhằm vào tự do, đồng thời khẳng định những kẻ cực đoan ngu ngốc không thể đại diện cho cộng đồng Hồi giáo ở Pháp.

Ông tin rằng Charlie Hebdo đã làm đúng khi thách thức người Hồi giáo cực đoan và “làm cuộc sống của họ khốn khổ như họ đã làm như vậy với cuộc sống của chúng ta”. Bất chấp bị chỉ trích vì kích động thù hằn tôn giáo, Charb kiên quyết với lập trường của mình trên lý lẽ tự do báo chí.

Với tính cách như vậy, bạn gái của Charb tin chắc một ngày nào đó Charb sẽ bị ám sát. Cô tâm sự: “Tôi đã cầu xin anh ấy rời Pháp nhưng anh ấy không đi. Bạn đời của tôi đã chết vì anh ấy vẽ tranh. Anh ấy không bao giờ muốn có con vì anh ấy biết sẽ bị giết. Anh ấy sống mà không sợ, chỉ biết rằng mình sẽ chết”.

Một bức biếm họa của Charlie Hebdo.

Jean Cabut, họa sĩ biếm họa

Ở cái tuổi 76, ông Jean Cabut, bút danh Cabu là một trong những họa sĩ biếm họa nổi tiếng nhất nước Pháp với tuổi nghề trải dài 6 thập kỷ.

Sinh ra ở Chalons-sur-Marne, ông học tại trường nghệ thuật và in ấn Ecole Estienne ở Paris. Những bức tranh đầu tiên của ông được đăng báo từ những năm 1950. Từng phục vụ trong quân đội Pháp, ông đã vẽ tranh biếm họa cho tạp chí quân đội Bled và một số ấn phẩm khác.

Năm 1960, ông đồng sáng lập tạp chí Hari-Kiri và là một “ông tổ” của Charlie Hebdo. Trong những nhân vật nổi tiếng của ông có Grand Duduche, một cậu bé học sinh tóc vàng hoe, gày nhom, hao hao bản thân ông; hay Mon Beauf, một nhân vật biếm họa về những người Pháp bình thường.

Ông tâm niệm: “Đôi khi tiếng cười có thể gây tổn thương nhưng tiếng cười, sự hài hước và châm biếm là vũ khí duy nhất của chúng tôi”.

George Wolinski, họa sĩ biếm họa

Ông sinh ra ở Tusinia. Bố mẹ là người Do thái. Bố ông bị giết năm 1936 khi ông mới chập chững biết đi. Ông thừa nhận: “Bóng ma của bố đã ám ảnh cả cuộc đời tôi”.

Ông tới Pháp những năm 1940 để học kiến trúc nhưng về sau bị lôi cuốn với nghề vẽ tranh biếm họa. Nhưng năm 1960, ông bắt đầu vẽ tranh biếm họa cho tạp chí Hari-Kiri và một số ấn phẩm khác, thường là về chủ đề chính trị và tình ái. Năm 2005, ông được trao huân chương cao quý nhất Pháp là Bắc đẩu Bội tinh. Tuy nhiên, ông Wolinski đã mất niềm tin vào mọi tôn giáo.

Sau khi biết tin ông qua đời, con gái ông, Elsa đã viết trên mạng xã hội: “Bố đã đi rồi. Chứ không phải Wolinski”, kèm một bức ảnh chụp bàn làm việc trống không của ông.

Chân dung một số nạn nhân.


Bernard Verlhac, họa sĩ biếm họa

Bút danh Tignous, họa sĩ biếm họa 57 tuổi này đã nộp bức vẽ cuối cùng vào đêm trước khi bị giết.

Ông từng làm việc cho tạp chí Marianne và Fluide Glacial. Là thành viên nhóm Họa sĩ biếm họa vì hòa bình, tác phẩm của ông nổi tiếng vì tấn công trực diện thói đạo đức giả.

Tác phẩm cuối của ông là một bức biếm họa về Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng lời chúc năm mới. Ông đã gửi nó cho Presse Judiciaire, một hiệp hội phóng viên Pháp chuyên trách mảng tin về các vụ án.

Philippe Honore, họa sĩ biếm họa

Ông Honore, 73 tuổi, là một người đóng góp thường xuyên cho tạp chí Charlie Hebdo, luôn đi đầu trong chiến dịch chống bất công và yếm thế. Tranh biếm họa của ông xuất hiện ở một số ấn phẩm tại Pháp.

Tờ Paris Match ở Pháp ví ông là “người khổng lồ để râu quai nón”, một người mà lòng tốt và sự hòa nhã luôn nằm trong lòng các đồng nghiệp.

Bernard Maris, nhà kinh tế

Nhà kinh tế 68 tuổi này là chủ mục Uncle Bernard (Chú Bernard) trên tạp chí Charlie Hebdo. Ông thường xuyên bình luận về các vấn đề kinh tế cho mạng lưới phát thanh France Inter và dạy kinh tế ở một chi nhánh trường Đại học Paris.

Ông Maris cũng là thành viên hội đồng Ngân hàng trung ương Pháp. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Pháp nhận xét về Maris: “Bernard Maris là người nhân ái, có văn hóa và rất bao dung. Chúng tôi sẽ rất nhớ ông”.

Elsa Cayat, nhà phân tâm học kiêm chủ mục

Bà là người phụ nữ duy nhất trong số các nạn nhân của anh em Kouachi. Bà 54 tuổi, chuyên viết cho mục Charlie Divan (Ghế bành của Charlie) của Charlie Hebdo.

Là một nhà phân tâm học, bà có nhiều bệnh nhân tìm đến nhờ biết lắng nghe và năng lực phân tích tâm lý. Một bệnh nhân lâu năm của bà viết về cái chết của bà: “Tôi nghĩ đến chồng bà, con gái đang ở tuổi dậy thì của bà, chú chó to xù của bà, cả những bệnh nhân mà bà bỏ lại”.

Trong thâm tâm, bà luôn sợ rằng sẽ bị giết vì là người Do thái.

Mustapha Ourrad, biên tập viên


Sinh ra ở Algeria, ông tới Pháp khi 20 tuổi và làm việc trong một thời gian dài với tạp chí Viva.

Là một người tự học thành nghề nhưng ông gây ấn tượng mạnh với đồng nghiệp vì có kiến thức về triết học sâu sắc. Bạn bè cho biết họ đau đớn trước cái chết của một người đàn ông được yêu mến như ông.


Thùy Dương (theo BBC)

Vụ Charlie Hebdo: 88.000 cảnh sát và 53 giờ vây ráp  khủng bố
Vụ Charlie Hebdo: 88.000 cảnh sát và 53 giờ vây ráp khủng bố

Chiến dịch truy lùng các phần tử gây ra vụ thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo đã kết thúc, với việc cảnh sát Pháp tiêu diệt 3 nghi can.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN