Lý do tàu chiến tình báo Mỹ bị Triều Tiên tóm gọn

Được chế tạo bởi Công ty Kỹ thuật và Đóng tàu Kewaunee tại bang Wisconsin(Mỹ) trong Chiến tranh thế giới thứ hai, FP- 344 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ ngày 7/4/1945. Ban đầu nó được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và cung cấp hậu cần cho quân đội Mỹ và nằm trong biên chế của Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này. Năm 1966, chiếc tàu này được biên chế cho Hải quân Mỹ và đổi tên thành USS Pueblo.  Sau đó nó được cải tiến và nâng cấp thành tàu thu thập thông tin tình báo.

Tàu trinh sát USS Pueblo của quân đội Mỹ năm 1960. Ảnh: AP


Sau khi được lệnh tới Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ, tàu Pueblo đã đến Yokosuka dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lloyd M. Bucher. Ngày 5/1/1968, Bucher chỉ huy tàu của mình hướng về phía nam tới Sasebo, đi qua eo biển Tsushima và thực hiện một nhiệm vụ tình báo ngoài khơi bờ biển của Triều Tiên. Trong khi ở vùng biển Nhật Bản, Pueblo cũng tiến hành nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của hải quân Liên Xô.

Khởi hành vào ngày 11/1, Pueblo đã đi vòng qua eo biển trên nhằm tránh bị phát hiện. Để tiến hành các hoạt động tình báo có hiệu quả, Bucher đã ra lệnh cho cấp dưới neo đậu cách hải phận của Triều Tiên 13 dặm. Đến tối ngày 20/1, trong khi đang làm nhiệm vụ, Pueblo đã phát hiện ra một chiếc tàu săn ngầm lớp SO- 1 của Triều Tiên lướt qua ở cự ly khoảng 4.000 mét. Sau đó, chiếc tàu trinh sát của Mỹ di chuyển hướng về phía nam Wonsan.

Đến trưa ngày 22/1, khi đang tiến hành hoạt động trinh sát, đột nhiên thuyền trưởng và các thủy thủ trên tàu phát hiện ra mình đã bị bao vây tứ phía bởi một tàu săn ngầm, 2 tàu phóng ngư lôi Rice Paddy 1 và Rice Paddy 2 của quân đội Triều Tiên, trên đầu họ là 2 chiếc tiêm kích MIG -21 Fishbed đang bay lượn. Trong khi không có tín hiệu nào được trao đổi giữa hai bên, Bucher hiểu rằng chiếc tàu của mình đã bị bao vây. Đáng chú ý tàu USS Pueblo là một tàu trinh sát tình báo điện tử mà vẫn không thể phát hiện ra việc bị tiếp cận như thế nào.

Trong tình hình nguy cấp, thuyền trưởng Lloyd Bucher đã gửi một bức điện tín cầu cứu tới Đô đốc Frank Johnson, chỉ huy trưởng các lực lượng hải quân Mỹ ở Nhật Bản với nội dung: “Chúng tôi đã bị bắt và bị yêu cầu đi theo về đến Wonsan (Triều Tiên). 3 thủy thủ bị thương và 1 người bị cụt chân. Đang hủy toàn bộ những thiết bị (điện tử) và tài liệu quan trọng và cố gắng hủy càng nhiều càng tốt. Đề nghị được hỗ trợ”. Tuy nhiên, phía Mỹ sau này đã bào chữa rằng vì điều kiện truyền tải và thời tiết, nên bức điện này cho đến tận ngày hôm sau vẫn không được gửi đi.

USS Pueblo đã không hề nhận được bất kỳ một sự trợ giúp nào trong khi cơ hội chạy thoát của họ là vô cùng nhỏ nhoi. USS Pueblo bị bỏ rơi bởi nguyên nhân là không có chiếc máy bay nào có thể tham chiến trong trường hợp này. Các tài liệu của hải quân Mỹ sau này cho biết, khi Pueblo bị bao vây, tàu sân bay USS Enterprise đang ở cách đó khoảng 900 km cùng với các máy bay tiêm kích F-4B đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhưng những chiếc máy bay này lại không có vũ khí không đối biển và không đối đất nên việc giải cứu USS Pueblo là không thể.

Toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu USS Pueblo bị bắt làm tù binh. Ảnh: Dailymail


Bên cạnh đó, liên lạc điện đài giữa USS Pueblo và lực lượng an ninh hải quân ở Kamiseya (Nhật Bản) vẫn thông suốt, Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ cũng biết rất rõ tình hình nguy cấp của tàu Pueblo và đã hứa sẽ cho không quân ra hỗ trợ… Chỉ huy trưởng của USS Enterprise khi đó ước tính họ cần khoảng 1,5 giờ để có thể trang bị cho những máy bay này đi giải cứu con tàu. Và đến khi Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson được báo cáo sự việc thì USS Pueblo đã bị bắt và các phương án giải cứu đều trở nên vô nghĩa. Rốt cuộc, con tàu bị áp tải về Triều Tiên. Toàn bộ thủy thủ đoàn bị tống giam.

Vào thời điểm tàu USS Pueblo bị bắt, quân đội Mỹ đang dồn toàn lực cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam nên Washington đã quyết định không có hành động quân sự nào nhằm vào Bình Nhưỡng. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải thoát các thủy thủ trên tàu.


Sau rất nhiều cuộc đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, ngày 23/12/1968, Mỹ đã phải chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với Triều Tiên, thừa nhận tàu chiến của họ xâm nhập trái phép lãnh thổ Triều Tiên, thực hiện các hoạt động tình báo và đổi lại là thủy thủ đoàn được trao trả tự do còn con tàu vẫn bị giữ ở lại Triều Tiên.

Sự cố tàu USS Pueblo đến nay vẫn được coi là một trong những “nỗi nhục” của quân đội Mỹ bởi vì khi bị bắt, gần như toàn bộ tài liệu mật trên tàu vẫn còn nguyên bởi số bị tiêu hủy quá ít, trong khi xung quanh nó là cả một lực lượng “hùng hậu” yểm trợ: Hạm đội 7 của Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Năm 1999, chiếc tàu này được chuyển đến Bình Nhưỡng và trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn.


Công Thuận (Theo Militaryhistory)
Án mạng tại Mỹ giảm mạnh trong năm 2013
Án mạng tại Mỹ giảm mạnh trong năm 2013

Bất chấp hàng loạt vụ xả súng liên tiếp trong năm qua, tỷ lệ các vụ trọng án tại Mỹ trong năm qua đã giảm đáng kể, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN