Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 4

Phát hiện kinh hoàng của những chiếc máy bay do thám tầm cao U-2


Trong khi người Liên Xô bí mật vận chuyển tên lửa và máy bay đến Cuba, người Mỹ cũng không một phút ngơi nghỉ, vận dụng mọi thủ đoạn có thể để tìm hiểu chân tướng sự việc và đề ra sách lược đối phó. Ở phương diện này, U-2, chiếc máy bay do thám từng làm người Mỹ mất mặt khi bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô rạng sáng 1/5/1960 và sau đó làm phá sản hội đàm thượng đỉnh4 nước: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 5/1960 tại Pari, giờ lại tỏ ra hữu dụng đối với Kennedy. Bởi nhờ nó, ông chủ Nhà Trắng đã có được bằng chứng về việc Liên Xô bố trí tên lửa ở Cuba trước khi quá muộn.


Máy bay do thám U-2 của Mỹ


Sau khi xảy ra sự kiện bãi biển Giron, Kennedy đã phê chuẩn kế hoạch phục hồi những chuyến bay do thám của U-2. Rạng sáng chủ nhật ngày 14/9/1962, một chiếc U-2 được lệnh cất cánh làm nhiệm vu trinh sát đường không ơ khu vực phía tây Cuba. Tối hôm đó, các chuyên gia phân tích không ảnh của CIA đã thức trắng để kiểm tra, đối chiếu, so sánh những tấm ảnh U-2 vừa chụp với những tấm ảnh có từ trước. Họ bàng hoàng phát hiện dấu vết đầu tiên về sự có mặt của một căn cứ tên lửa tầm trung của Liên Xô ở San Cristobal (tỉnh La Habana). Ngay lập tức, thông tin trên được cấp báo cho cố vấn an ninh quốc gia, George Bundy. Nhận thấy tính nghiêm trọng của sự việc, không một chút chậm trễ, Bundy vội vàng sang gặp tổng thống. 11 giờ trưa 16/10, trên bàn Kennedy đã có tất cả những tấm ảnh phóng to cùng lời chú giải của CIA về căn cứ tên lửa của Liên Xô trên đất Cuba.


Ảnh máy bay U-2 chụp bãi phóng tên lửa của Liên Xô ở San Cristobal


Theo CIA, những bãi phóng tổng hợp của Liên Xô xây dựng ở Cuba được cấu thành từ 16-20 quả tên lửa, có thể sẵn sàng tham chiến trong vòng 2 tuần nữa. Khi đó, Oasinhtơn, Dalas hay Saint Louis và rất nhiều thành phố khác cùng toàn bộ các căn cứ trực thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Liên Xô. Viễn cảnh khủng khiếp trên khiến người Mỹ không thể ngồi yên. Trong một hành động được cho là đối phó, Lầu Năm góc nhanh chóng vạch ra kế hoạch huấn luyện quân sự và lấy đó làm bình phong che mắt để tiến hành tập kết binh lực ở các căn cứ quân sự thuộc bang Florida, gần Cuba. Tham gia kê hoạch huấn luyện quân sự trên của Lầu Năm góc có khoảng 40.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, trong đó 5.000 quân được bố trí ở căn cứ hải quân Guantnamo của Mỹ trên lãnh thổ Cuba. Sư đoàn đổ bộ đường không số 101, tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.


Tất cả chỉ đợi lệnh là nổ súng tiến công Cuba.


Từ 11 giờ trưa đến 6 giờ chiều ngày 16/10, Kennedy đã triệu tập hai cuộc họp bí mật thảo luận về kế hoạch hành động đối với Cuba. Phái diều hâu trong Lầu Năm góc đưa ra hai phương án cứng rắn:


1/ Lực lượng vũ trang Mỹ trực tiếp tấn công Cuba. Ban đầu, máy bay Mỹ sẽ tiến hành tấn công đường không, phá hủy các cơ sở phòng thủ, kho vũ khí và sân bay của Cuba. Sau đó, lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đổ bộ lên Cuba, tiêu diệt toàn bộ tên lửa, nhân viên kỹ thuật của Liên Xô và chính quyền Fidel.


2/ Huy động khoảng 500 chiếc máy bay tiến hành ném bom rải thảm đối với Cuba, mục tiêu chủ yếu là các bãi phóng tên lửa của Liên Xô.


Tuy nhiên, cả hai phương án này rõ ràng mang tính xâm lược, đặc biệt là có thể khơi nguồn cho một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô, nên đã gặp phải sự phản đối của phái ôn hòa chiếm đa số tại cuộc họp. Quan trọng hơn, Kennedy vẫn chưa biết rõ mục đích thực sự của Liên Xô khi đem tên lửa bố trí tại Cuba: là thử phản ứng của Mỹ hay dụ Oasinhtơn ra đòn tiến công quân sư nhằm vào Cuba, khiến Mỹ phải hứng chịu búa rìu dư luận hoặc buộc Mỹ tham gia vào cuộc mặc cả mang tính toàn cầu (muốn Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba, Mỹ phải nhượng bộ trong vấn đề Béclin hoặc rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ). Do vậy, Kennedy cho rằng việc phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Cuba lúc này là vô cùng mạo hiểm.


Sau nhiều lần cân nhắc và hiệp thương với các nhân vật chóp bu Nhà Trắng và Lầu Năm góc, Kennedy quyết định thành lập hai tiểu ban đặc biệt, yêu cầu hai tiểu ban này khẩn cấp hoàn thành kế hoạch chi tiết cho việc đối phó với tình hình mới phát sinh ở Cuba. Đê bảo mật, những người tham gia hai tiểu ban này vẫn phải làm những công việc thường nhật của mình.


Nhìn vẻ ngoài, cuộc sống của những người dân Mỹ vẫn diễn ra bình thường, ít ai ngờ rằng khi đó đất nước họ đang chuyển động cùng quá trình thai nghén một hành động quân sự lớn nhằm vào đảo quốc nhỏ bé-Cuba.


Một số nét về U-2


U-2 là máy bay do thám phản lực tầm cao một chỗ ngồi của Mỹ, có thể bay làm nhiệm vụ do thám ở độ cao trên 20 km. U-2 do hãng Lockheed sản xuất theo đơn đặt hàng của CIA. U-2 được trang bị máy chụp ảnh hồng ngoại có ống kính đặc biệt 915 mm, có thể chụp được những khu vực rộng khoảng 200 km, dài trên 4.800 km. Sau khi phóng to ảnh U-2 chụp, người ta có thể phân biệt rõ những vật thể có đường kính khoảng 50 cm.



Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau:Cuộc khủng hoảng bắt đầu ló dạng

Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 8
Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 8

Trong khi các cuộc bút chiến giữa hai nhà lãnh đạo Khrushchev và Kennedy vẫn diễn ra nẩy lửa, giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) cũng nổ ra khẩu chiến gay gắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN