Khởi nghĩa Philippines - Cuộc chiến bị lãng quên (Kỳ 1)

Chiến tranh Philippines - Mỹ, hay còn gọi là Khởi nghĩa Philippines (1899 - 1902), là một trong những cuộc chiến bị lãng quên và một trong những chiến dịch chống nổi dậy thành công nhất của Mỹ.

Tổng thống William McKinley.


Khi Tổng thống Theodore Roosevelt tuyên bố chấm dứt cuộc chiến vào ngày 4/7/1902, đã có hơn 125.000 lính Mỹ tham chiến tại Philippines. Cuộc chiến tiêu tốn tới 400 triệu USD với ước tính 4.200 lính Mỹ, 20.000 tay súng nổi dậy và từ 200.000 - 600.000 người Philippines thiệt mạng, những con số đủ để nói lên tính chất khốc liệt của cả phong trào nổi dậy lẫn chiến dịch chống nổi dậy.

Thành công trong chiến dịch đã giúp Mỹ đúc rút những bài học về chiến lược cũng như vai trò của tình báo có thể được vận dụng cho những sứ mệnh chống phiến quân trong tương lai.

Sau thất bại trong Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898, Madrid đã nhượng lại quyền cai trị thực dân Philippines bấy lâu cho Mỹ theo Hiệp định Paris.

Ngày 4/2/1899, chỉ 2 ngày trước khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn văn kiện này, giao tranh đã nổ ra giữa quân đội Mỹ và lực lượng chủ nghĩa dân tộc Philippines do Emilio Aguinaldo làm thủ lĩnh ở Manila.

Thực chất, Khởi nghĩa Philippines chủ yếu là một loạt cuộc nổi dậy và chống nổi dậy ở địa phương. Chính sách của Mỹ đã thành công theo đúng ý đồ bởi Washington không áp dụng một giải pháp chung nhất mà luôn tìm cách thích ứng tối đa với các điều kiện trên thực địa. Phần lớn chiến dịch của Mỹ chỉ giới hạn ở đảo Luzon. Đại đa số trong số 7.000 hòn đảo hợp thành quần đảo Philippines không hề có chiến sự.

Chính những sai lầm của quân nổi dậy cộng với các chính sách và hành động khôn ngoan đã dẫn đến chiến thắng của Mỹ. Quân đội Mỹ đã tạo sự cân bằng giữa hòa giải và trấn áp trong các chiến dịch bình định của mình. Washington coi sự kháng cự hay tiếp tay cho phong trào nổi dậy là hành động bất hợp pháp, có thể bị trừng phạt nhưng chiến lược của họ cũng bao gồm các biện pháp cải thiện đời sống dân sinh như là phần thưởng cho sự hợp tác với các lực lượng Mỹ.

Mỹ đã cho lưu hành trong dân chúng một tuyên bố bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Tagalog khẳng định người dân biết rõ rằng việc hậu thuẫn phiến quân là phạm tội.

Vào lúc bắt đầu chiến dịch, công tác chuẩn bị cho việc thu thập tình báo về chiến trường và lên kế hoạch cho các chiến dịch tỏ ra khá yếu kém. Nguyên nhân là do các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã không có một ý tưởng rõ rệt nào về mục tiêu chiến lược liên quan đến Philippines để căn cứ vào đó triển khai công tác tình báo và soạn thảo sách lược.

 Lính Mỹ chiến đấu trên đường phố Manila.


Quyết định sáp nhập Philippines của các nhà lập pháp Mỹ đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong nước. Nhiều người Mỹ ủng hộ biện pháp này với những động lực như thèm khát các cơ hội thương mại ở châu Á, lo ngại người Philippines không thể tự trị và quan ngại rằng nếu Mỹ không tiếp quản quần đảo này thì các cường quốc khác như Đức hay Nhật Bản sẽ làm như vậy. Trong khi đó, số người phản đối cũng không ít.

Nhiều người cho rằng việc Mỹ cai trị thực dân Philippines là sai trái về mặt đạo đức, và có những người lại lo ngại việc sáp nhập rốt cuộc sẽ tạo điều kiện cho những người Philippines vốn không phải da trắng có một vai trò trong chính phủ quốc gia Mỹ.

Mỹ giao chiến với Tây Ban Nha sau khi một báo cáo điều tra kết luận rằng một quả thủy lôi ở Cảng La Habana (Cuba) đã làm đắm tàu USS Maine của Mỹ (2/1898). Ngày 21/4/1898, Mỹ đã công khai tuyên bố các mục tiêu chiến tranh của mình, đó là giải phóng Cuba khỏi ách cai trị của Tây Ban Nha sau vụ Madrid trấn áp tàn bạo một cuộc nổi dậy ở đảo quốc vùng Caribe này.

Việc phát động cuộc chiến ở Philippines bằng cách hủy diệt hạm đội Tây Ban Nha ở Vịnh Manila vào ngày 1/5/1897 là một chiến lược quân sự hợp lý, buộc Tây Ban Nha phải tiến hành chiến tranh trên nhiều mặt trận thay vì có khả năng tập trung các lực lượng trên bộ và trên biển tại Caribe.

Nhờ những tiến bộ vượt bậc của hải quân và công nghệ đóng tàu chiến trong một thập kỷ trước đó, Hải quân hiện đại của Mỹ đã nhanh chóng đánh bại hạm đội bằng gỗ cũ kỹ của Tây Ban Nha ở Philippines. Tuy nhiên, sự mơ hồ của William McKinley (1843-1901, Tổng thống thứ 25 của Mỹ) trong vấn đề Philippines sau đó đã dẫn đến sự hiểu lầm giữa nhiệm vụ của Mỹ và những kỳ vọng của Philippines.

Khi các lực lượng Mỹ đặt chân lên quần đảo Philippines, McKinley chưa bao giờ xem xét nghiêm túc vấn đề liệu người Philippines có muốn tự trị hay không. Những cuộc thảo luận ở Thượng viện và việc thành lập Liên đoàn chống đế quốc (15/6/1898) đã phản ánh rõ nét những quan điểm lẫn lộn ở Washington liên quan đến việc Mỹ bành trướng ra bên ngoài.

Những thông tin không chính xác mà các chỉ huy của McKinley ở Philippines cung cấp cho ông có thể đã góp phần gây ra tình trạng này. Ví dụ như Tướng Otis chủ yếu dựa vào những người Philippines thuộc tầng lớp thượng lưu để đánh giá về quan điểm của Philippines đối với sự cai trị của Mỹ. Mà nhóm người này lại ủng hộ một hình thức sáp nhập nào đó vào Mỹ. Những mơ hồ như vậy xung quanh mục tiêu chiến lược đối với Philippines đã góp phần dẫn đến sự hiểu lầm giữa các lực lượng Mỹ và Philippines.

Do thiếu đi những chỉ đạo rõ ràng từ Washington, Thiếu tướng Hải quân Mỹ Dewey đã bố trí cho Aguinaldo, thủ lĩnh cuộc nổi dậy của Philippines chống Tây Ban Nha và sau này là thủ lĩnh Khởi nghĩa Philippines, trở về Philippines từ Hong Kong trên một chiến hạm của Mỹ. Cũng chính Tướng Dewey một lần nữa khẳng định Mỹ không phản đối Aguinaldo tuyên bố Philippines độc lập hay thành lập một chính phủ cách mạng trong đó Aguinaldo làm Tổng thống.


Huy Lê


(Còn tiếp)


Quan hệ quân sự Mỹ-Philippines: Liệu có là  ‘vắt chanh bỏ vỏ’?
Quan hệ quân sự Mỹ-Philippines: Liệu có là ‘vắt chanh bỏ vỏ’?

Mỹ và Philippines đã ký kết Thỏa thuận hợp tác quân sự tăng cường (EDCA) có thời hạn 10 năm, cho phép Mỹ hiện diện quân sự lớn hơn tại quốc gia Đông Nam Á này, trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông tiềm ẩn căng thẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN