Kẻ giả mạo tranh giỏi nhất thế kỷ 20

Kẻ giả mạo tranh giỏi nhất thế kỷ 20-Kỳ 3: “Lên voi xuống chó”

Đầu những năm 1950 là quãng thời gian có nhiều sự kiện và là lúc Elmyr lên như diều gặp gió. Anh ta thành một nhà buôn bán tranh nghệ thuật cũng có tiếng tăm. Công việc bán tranh nghệ thuật của Elmyr gây ấn tượng tốt với thị trưởng thành phố New Orleans và anh ta được phong làm công dân danh dự năm 1951. Elmyr cũng bắt đầu một mối quan hệ mới với một người đàn ông tên là Jimmy và có một căn hộ mới ở Miami. Nhìn chung, vận may đang mỉm cười rất tươi với Elmyr và mọi thứ đều suôn sẻ.

Họa sĩ Henri-Matisse.

Trong các lần giao dịch làm ăn qua thư từ, phần lớn các bức tranh của Elmyr đều được xác định là thật và nhờ đó anh ta được trả tiền hậu hĩnh. Dù đây là cách buôn bán khác lạ lúc bấy giờ nhưng Elmyr lại thực hiện được. Có tiền và thời gian, Elmyr có thể làm những thứ mà anh ta thích nhất như tắm nắng, du lịch và ở cạnh anh bạn Jimmy.

Elmyr cũng có nhiều thời gian hơn để mày mò cách vẽ của các họa sĩ khác. Anh ta sưu tầm sách nghệ thuật từ mọi nguồn có thể và học những phong cách, phương pháp của các danh họa. Sau đó, Elmyr chuyển sang giả mạo tranh của Degas, Braque, Bonnard và Laurencin. Với các họa sĩ này, anh ta cũng thành công như với Picasso, Matisse và Renoir.

Một trong những sự kiện quan trọng trong hành trình bán tranh giả của Elmyr diễn ra năm 1955 khi một bức tranh nhái tác phẩm của họa sĩ Matisse được bán cho bảo tàng nghệ thuật Fogg danh tiếng thuộc trường Đại học Harvard. Có vẻ như bức tranh đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng trước khi mua. Điều đó càng chứng tỏ tài năng thiên bẩm của Elmyr trong giả mạo tranh.

Một bức tranh Elmyr nhái của họa sĩ Dongen.


Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào đó trường Harvard về sau lại phát hiện ra rằng họ mua phải bức tranh Matisse rởm. Từ đó, người ta mở một cuộc điều tra về Elmyr. Cuộc điều tra này kéo dài gần 1 thập kỷ và liên quan tới các nhà buôn tranh nghệ thuật cũng như các bảo tàng trên khắp thế giới. Elmyr lúc đầu vẫn không hay biết về cuộc điều tra dù có ngờ rằng cơ quan chức năng đang lần theo dấu vết của anh ta.

Tuy nhiên, anh ta vẫn tiếp tục bán tranh giả. Năm 1955 và 1956, Elmyr bán một số tranh vẽ và sơn dầu cho một nhà buôn tranh nghệ thuật ở Chicago tên là Joseph W. Faulkner. Trong số tranh đó, có vài bức không phải do Elmyr vẽ mà là các tác phẩm vẽ lại mà anh ta mua trước đó từ một bảo tàng ở Buđapét (Hunggari). Đây là lần đầu tiên Elmyr bán tranh giả không phải do mình vẽ.

Faulkner phát hiện ra bộ mặt thật của Elmyr và đã kiện anh ta ở Florida, sau đó là ở Chicago với cáo buộc lừa đảo bằng thư từ, điện thoại. Vận may đang cạn dần với Elmyr. Cảnh sát đang bám Elmyr sát nút. Nhận ra điều đó, Elmyr quyết định trốn tới Thành phố Mêhicô bằng chứng minh thư giả. Tuy nhiên, anh ta cũng chẳng ở Mêhicô được bao lâu.

Trong thời gian Elmyr ở Thành phố Mêhicô, một người đồng tính quốc tịch Anh bị sát hại dã man. Elmyr bị cho là kẻ tình nghi hàng đầu, mặc dù anh ta chưa bao giờ gặp nạn nhân. Không có bằng chứng nào cho thấy Elmyr giết người, thế nhưng cảnh sát vẫn tống giam để lột sạch tiền bạc của anh ta. Thậm chí ngay cả sau khi Elmyr được thả, cảnh sát vẫn tiếp tục tìm cách moi tiền anh ta.

Quá tức giận vì bị đối xử bất công, Elmyr đã thuê một luật sư để kiện cảnh sát. Nhưng thật không may cho Elmyr, luật sư này cũng tìm cách moi tiền khi buộc anh ta phải trả phí tư vấn pháp lý cao bất thường. Chán nản với hệ thống pháp luật ở Mêhicô, Elmyr cố gắng thuyết phục luật sư nhận một bức tranh giả mạo để đổi lấy lệ phí tư vấn. Luật sư đồng ý mà không hay biết đây là bức tranh rởm. Elmyr ngay lập tức rời Thành phố Mêhicô trước khi luật sư kịp nhận ra rằng mình bị lừa. Elmyr quay lại Mỹ với hi vọng bắt đầu một vận may mới.

Tuy nhiên, mọi thứ không hề may mắn với Elmyr kể cả khi anh ta quay lại Mỹ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn. Elmyr xem một số sách nghệ thuật có chụp ảnh nhiều tác phẩm kiệt xuất của các danh họa và rất ngạc nhiên khi một số tác phẩm giả mạo của anh ta cũng được liệt lẫn lộn vào các tranh thật. Khi anh ta biết về giá của các bức tranh đó, anh ta còn sốc hơn. Những phòng tranh trước kia từng giao dịch với anh ta chỉ trả anh ta một khoản nhỏ và điều này khiến Elmyr rất tức giận. Nghĩ rằng họ muốn bịp bợm mình, Elmyr bắt đầu căm ghét họ mà không nghĩ rằng chính anh ta cũng đang lừa đảo họ.

Mọi chuyện trở nên xấu hơn khi nhiều tác phẩm giả mạo của anh ta bị phát hiện là giả, khiến mỗi lần bán hàng là một lần mạo hiểm. Anh ta cũng phải vất vả mỗi khi thuyết phục các phòng tranh mua tranh của mình. Để giảm nguy cơ bị bắt, anh ta quyết định tạm thời chuyển sang làm giả tờ in thạch bản. Tất nhiên, giá của những tờ in thạch bản này rất bèo bọt so với tranh nhái.

Những ngày nằm dài phơi nắng bên bãi biển đã qua. Những mối quan hệ làm ăn từ xa cũng không còn nữa. Túi rỗng khiến Elmyr buộc phải đến tận các phòng tranh chào bán hàng. Đây là điều Elmyr ghét nhất nhưng anh ta không còn sự lựa chọn nào khác. Elmyr bắt đầu chìm sâu vào khủng hoảng trầm trọng. Đây là quãng thời gian mà anh ta từng miêu tả là "rỗng túi, mệt mỏi, trầm cảm, chán nản vì phải chui lủi và làm những việc cần phải che giấu". Những mệt mỏi này dường như quá sức khi Elmyr đã 50 tuổi, đến mức Elmyr đã quyết định tự tử. Ông ta đến một căn hộ ở tạm ở Oasinhtơn, uống một vốc thuốc ngủ và chờ chết. Tuy nhiên, hơn một ngày sau, người ta phát hiện ra Elmyr đang trong tình trạng dở sống dở chết và đưa ngay ông ta đến bệnh viện.

Ông ta được rửa dạ dày và trị bệnh viêm phổi vừa mới mắc sau khi nhập viện. Elmyr phải ở trong viện vài tuần và sau khi hồi phục, ông ta quyết định thử vận may mới. Một lần nữa, mọi sự lại không theo ý ông ta.

Thùy Dương

Đón đọc kỳ tới: “Thiên tài” bị lợi dụng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN