Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ 3

Từ năm 1941 trở đi khi cục diện chiến tranh thay đổi theo hướng bất lợi cho phe Trục, quân đội Đức và lực lượng SS đã tuyển mộ hàng chục nghìn người Hồi giáo, bao gồm những người từ Bosnia, Tatar ở Crimea, Caucasus và Trung Á, chủ yếu là nhằm tránh cho người Đức phải đầu rơi máu chảy.

CHÍNH SÁCH THỰC DỤNG

Trong khi đó, tình hình ở Balkan lại cũng khác. Khi Đức xâm lược và giải thể Nam Tư năm 1941, ban đầu họ không can dự vào các khu vực Hồi giáo, mà quan trọng nhất là Bosnia và Herzegovina vốn nằm dưới quyền kiểm soát chế độ Ustasa (nắm quyền ở Croatia trong Thế chiến 2). Chế độ này do nhà độc tài bù nhìn của Hitler là Ante Pavelić đứng đầu, về sau đã chính thức tìm cách lôi kéo người Hồi giáo, trong khi tàn sát người Do Thái, Thiên Chúa giáo và khủng bố người Serb Chính thống giáo. Tuy nhiên, từ đầu năm 1942, khu vực này ngày càng lún sâu vào cuộc xung đột nghiêm trọng giữa các phe phái ở Croatia và người Hồi giáo trở thành đối tượng bị tấn công liên tiếp.

Binh sĩ Đức trò chuyện với một phụ nữ Hồi giáo ở Mostar, Herzegovina, năm 1944.

Chính quyền Ustasa sử dụng các đơn vị quân đội Hồi giáo để chiến đấu chống cả lực lượng liên minh của Josip Broz lẫn phong trào dân quân Chetnik. Các ngôi làng Hồi giáo không lâu sau đó đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công trả đũa. Số nạn nhân Hồi giáo tăng lên đến hàng chục nghìn. Giới chức Ustasa đã hầu như không làm gì để ngăn chặn những cuộc thảm sát này.

Các đại diện hàng đầu của người Hồi giáo quay sang nhờ Đức giúp đỡ, xin cho người Hồi giáo cơ chế tự trị dưới sự bảo hộ của Hitler. Trong một bản ghi nhớ ngày 1/11/1942, họ bày tỏ “lòng kính yêu và trung thành” với Hitler cũng như sẵn lòng cùng phe Trục chiến đấu chống người Do Thái, Hội tam điểm, Bolshevik và những kẻ thực dân Anh.

Khi cuộc nội chiến ở Balkan vượt ngoài tầm kiểm soát, người Đức dần can thiệp nhiều hơn vào các khu vực Hồi giáo. Trong nỗ lực nhằm bình định khu vực, quân đội Đức và quan trọng hơn là lực lượng SS (Schutzstaffel - vốn là đội cận vệ cho lãnh đạo Quốc xã) coi người Hồi giáo là những đồng minh được hoan nghênh và quảng bá hình ảnh Đức quốc xã như người bảo trợ đạo Hồi ở Đông Nam châu Âu.

Xe bọc thép chở quân Đức tiến vào một ngôi làng Hồi giáo ở Bosnia và Herzegovina.

Chiến dịch này bắt đầu vào mùa xuân năm 1943, khi SS cử Giáo sĩ Jerusalem tham gia một chuyến công du đến Zagreb, Banja Luka và Sarajevo. Tại những nơi này, vị giáo sĩ đã gặp gỡ giới lãnh đạo tôn giáo và đưa ra những tuyên bố ủng hộ phe Trục. Khi đến thăm nhà thờ Gazi Husrev Beg ở Sarajevo, ông đã có bài phát biểu xúc động về nỗi thống khổ của người Hồi giáo, đến nỗi nhiều người phải bật khóc. Trong những tháng sau đó, Đức đã phát động một chiến dịch tuyên truyền lớn về tôn giáo. Cùng lúc, Berlin bắt đầu liên hệ mật thiết hơn với các chức sắc và cơ sở Hồi giáo, cho rằng giới lãnh đạo tôn giáo là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến người dân.

Người Hồi giáo chính thức được đặt dưới sự quản lý của Ulema - Medžlis - Hội đồng tôn giáo tối cao. Các quan chức Đức quốc xã đã nhiều lần tham vấn các thành viên hội đồng và cố gắng “sử dụng” họ. Nhiều lãnh đạo Hồi giáo hy vọng Đức sẽ giúp họ thành lập một quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên không lâu sau, các lực lượng vũ trang Đức đã tỏ ra bế tắc trong nỗ lực bình định khu vực, trong đó việc Đức hậu thuẫn người Hồi giáo chỉ càng thổi bùng ngọn lửa căm thù của các phe chống chính quyền ở Croatia. Bạo lực leo thang và rốt cuộc có tới 250.000 người Hồi giáo thiệt mạng trong cuộc xung đột này.

Từ năm 1941 trở đi khi cục diện chiến tranh thay đổi theo hướng bất lợi cho phe Trục, quân đội Đức và lực lượng SS đã tuyển mộ hàng chục nghìn người Hồi giáo, bao gồm những người từ Bosnia, Tatar ở Crimea, Caucasus và Trung Á, chủ yếu là nhằm tránh cho người Đức phải đầu rơi máu chảy. Các binh sĩ Hồi giáo chiến đấu trên mọi mặt trận. Họ được triển khai ở Stalingrad, Warsaw và phòng tuyến ở Berlin. Các sĩ quan quân đội Đức đảm bảo nhiều quyền lợi tôn giáo cho lực lượng tân binh này, như cho phép sử dụng lịch Hồi giáo, luật pháp tôn giáo và chế độ ăn kiêng.

Họ thậm chí còn dỡ bỏ lệnh cấm giết mổ hiến tế. Lệnh cấm này trước đó được áp dụng theo Đạo luật bảo vệ động vật năm 1933 của Hitler vì những lý do bài Do Thái.

Các imam quân đội (thủ lĩnh Hồi giáo trong quân đội) đóng vai trò quan trọng trong những đơn vị tân binh Hồi giáo. Họ không chỉ chịu trách nhiệm chăm lo đời sống tinh thần mà còn phụ trách công tác truyền bá tư tưởng chính trị. Đề cập đến việc Đức quốc xã tuyển mộ người Hồi giáo vào SS năm 1944, Thống chế lực lượng này, Heinrich Himmler giải thích đó là vì những lý do thực dụng: “Tôi không phản đối đạo Hồi, bởi tôn giáo này thay tôi giáo dục các binh sĩ trong đơn vị và còn hứa hẹn rằng sau khi chiến đấu và hy sinh trong chiến trận họ sẽ được lên thiên đàng. Đó quả thực là một tôn giáo thực tế và quyến rũ đối với các binh sĩ”.

Tuy nhiên, sự can dự của Đức với người Hồi giáo không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý muốn. Các chính sách của Đức quốc xã với đạo Hồi, như được đề ra bởi giới chức ở Berlin, thường xuyên mâu thuẫn với tình hình trên thực địa. Trong những tháng đầu tiên sau khi xâm lược Liên Xô, các đội SS đã hành quyết hàng nghìn người Hồi giáo, đặc biệt là tù nhân chiến tranh, dựa trên suy đoán rằng việc những người này cắt bao quy đầu chứng tỏ họ là người Do Thái.

Một hội nghị cấp cao giữa quân đội Đức, lực lượng SS và Bộ phụ trách các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở miền Đông đã được tổ chức vào mùa hè năm 1941. Tại đây, Đại tá Erwin von Lahousen, đại diện cho Wilhelm Canaris - trùm tình báo quân sự Đức, đã có cuộc khẩu chiến gay gắt với Heinrich Müller, lãnh đạo Gestapo (cơ quan Mật vụ Đức), về các vụ hành quyết này. Trong đó đặc biệt được nhắc đến là việc tuyển chọn hàng trăm người Tatar Hồi giáo vốn từng được đưa đi “điều trị đặc biệt” do bị nhầm là người Do Thái. 


Huy Lê
Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ cuối
Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ cuối

Việc người Đức không thể phân biệt các nhóm Karaite và Krymchak, vốn trên thực tế đều là những cộng đồng Do Thái, quả là điều “ấn tượng”. Cuối cùng, nhóm Karaite được xác định là người sắc tộc Thổ và được tha trong khi nhóm Krymchak bị coi là người sắc tộc Do Thái và bị giết hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN