“Hồ sơ Panama” - Bí mật tiền bẩn - Kỳ 6

Chính trị gia, người nổi tiếng, tỷ phú không phải là những người duy nhất sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca. Danh sách khách hàng của công ty luật này còn có các nhân vật thuộc thế giới tình báo khắp thế giới, trong số đó có những người làm trung gian cho CIA.

MỐI LIÊN HỆ CỦA CIA

Chính trị gia, người nổi tiếng, tỷ phú không phải là những người duy nhất sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca. Danh sách khách hàng của công ty luật này còn có các nhân vật thuộc thế giới tình báo khắp thế giới, trong số đó có những người làm trung gian cho CIA.

Những nhân vật trong vụ Iran-Contra

Ngày 4/7/1986, một chiếc Boeing 707 hạ cánh xuống Tehran, thủ đô Iran. Chiếc máy bay này cất cánh từ Rijeka (Nam Tư cũ) chở đầy hàng hóa giá trị từ Mỹ. Bảy năm sau cuộc Cách mạng Hồi giáo, Iran đang bị Mỹ trừng phạt. Những thứ được chở trên máy bay lại toàn trang thiết bị quân sự Mỹ như tên lửa phòng thủ, phụ tùng máy bay chiến đấu - tất cả đều thuộc dạng bị cấm đưa vào Iran. Vụ chuyển hàng cấm này được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đạo diễn để đổi lại việc thả con tin Mỹ ở Liban. Iran là bên sắp xếp vụ thả con tin và trả tiền cho số vũ khí. Sau đó, CIA đã dùng tiền để tài trợ cho cuộc nổi dậy của nhóm phiến quân Contra tại Nicaragua. Vụ bê bối được gọi là Iran-Contra và mãi về sau mới bị phơi bày.

Ông Farhad Azima.

Chiếc máy bay hạ cánh xuống Tehran năm 1986 được đăng ký tại Mỹ và thuộc sở hữu của một người tên là Farhad Azima, sống ở bang Missouri. Azima, một người Mỹ gốc Iran, làm nghề kinh doanh cho thuê máy bay. Tới tận bây giờ, ông này vẫn tuyên bố với Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) là không hay biết CIA dùng máy bay của công ty mình để chuyển thiết bị quân sự tới Tehran.

Thế nhưng, trái với lời tuyên bố của ông Azima, tài liệu trong “Hồ sơ Panama” cho người ta một cái nhìn mới về các thương vụ của Azima. Cái tên Azima xuất hiện trong tài liệu của Mossack Fonseca từ năm 2000 trở đi. Tại thời điểm đó, ông ta có một công ty bình phong tên là ALG đăng ký ở quần đảo Virgin. Công ty này là chi nhánh của Tập đoàn Cho thuê Hàng không, một công ty Mỹ ở Missouri quản lý hơn 60 máy bay, cũng của Azima.

Mãi 13 năm sau, Mossack Fonseca mới phát hiện ra ông Azima có thể đang làm ăn với CIA. Lúc đó, nhân viên Mossack Fonseca tình cờ đọc một bài báo cho thấy ông Azima có liên hệ với CIA. Khi phát hiện ra điều này, Mossack Fonseca cảm thấy lo lắng và đề nghị đại diện của ông Azima xác minh thông tin. Khi không thấy bên kia trả lời, công ty này cho rằng không nên tìm hiểu sâu hơn.

Ông Adnan Khashoggi.

Theo tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca, Azima cũng có liên hệ với một nhân vật đáng ngờ nữa. Tháng 11/2011, Azima được đăng ký là đồng giám đốc của Công ty cổ phần Hàng không Á Âu. Công ty này cũng liên quan tới máy bay. Houshang Hosseinpour, một người cũng hoạt động trong ngành hàng không, là một đồng giám đốc khác của công ty. Về sau, chính phủ Mỹ đã cáo buộc ông Hosseinpour vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran. Vào tháng 12/2012, công ty Hàng không Á Âu đột ngột tuyên bố ông Hosseinpour không liên quan tới công ty và tên ông ta xuất hiện là do “nhầm lẫn hành chính”.

Không lâu sau đó, công ty này mua một chiếc máy bay. Theo ông Azima, công ty chỉ được sử dụng để mua một máy bay và Hosseinpour chưa bao giờ dính dáng tới công ty. Ông Azima cho hay chiếc máy bay sẽ không được sử dụng ở Mỹ, do đó không thể đăng ký ở Mỹ và vì vậy, việc ông đăng ký máy bay ở Virgin không phải vì mục đích trốn thuế. Về phần Hosseinpour, năm 2013, trước khi lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực, ông cho biết không có liên hệ với Iran.
Một nhân vật khác cũng có dính dáng đến CIA là Adnan Khashoggi, một tỷ phú Saudi Arabia được cho là sắp đặt các vụ buôn bán vũ khí cho Saudi Arabia trong những năm 1970. Theo một báo cáo của Thượng viện Mỹ, ông này đóng vai trò trung tâm trong hỗ trợ CIA thực hiện các vụ buôn bán vũ khí mật cho Iran. Cái tên Khashoggi đã xuất hiện trong tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca. Từ năm 1978, ông ta là giám đốc một công ty ở Panama tên là Isis Overseas S. A. Ông này cũng liên quan tới bốn công ty khác mà ông ta chủ yếu sử dụng giữa những năm 1980 đến đầu những năm 2000.

Công ty bình phong của giới tình báo

Ngoài những người tham gia vụ Iran-Contra, “Hồ sơ Panama” còn tiết lộ một loạt tên tuổi trong thế giới tình báo sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca gồm các cựu quan chức cấp cao thuộc cơ quan mật vụ của ít nhất ba quốc gia là Saudi Arabia, Colombia và Rwanda. Đó là Sheikh Kamal Adham - giám đốc tình báo đầu tiên của Saudi Arabia, người được một ủy ban Thượng viện Mỹ coi là người liên lạc chính giữa CIA và toàn bộ khu vực Trung Đông từ giữa những năm 1960 đến năm 1979. Ông Sheikh Kamal Adham kiểm soát các công ty ở nước ngoài mà sau này có dính líu tới một vụ bê bối ngân hàng Mỹ.

Khách hàng người Colombia là cựu giám đốc tình báo không quân Ricardo Rubianogroot – người nắm cổ phiếu của một công ty logistic và hàng không. Còn khách hàng người Rwanda là ông Emmanuel Ndahiro - giám đốc tình báo của Tổng thống Rwanda Paul Kagame.

Trong số đó, ông Adham đã chết năm 1999. Ông Ndahiro không trả lời đề nghị phỏng vấn. Còn công Rubianogroot xác nhận với ICIJ và Tổ chức Báo chí Điều tra Colombia rằng ông ta chỉ là một cổ đông nhỏ trong công ty West Tech Panama được thành lập để mua một công ty điện tử Mỹ vốn đang bị vỡ nợ.
Việc các đặc vụ dùng công ty bình phong là điều dễ giải thích. Trong các chiến dịch, họ cần có một bên thứ ba để che giấu danh tính thật của mình và các bên có liên quan. Mossack Fonseca thường được các khách hàng đặc vụ yêu cầu thành lập các công ty có cái tên rất James Bond như Goldfinger (Ngón tay vàng), Skyfall (Tử địa Skyfall), Moonraker (Người đi tìm mặt trăng), Spectre (Bóng ma) hay Blofeld (nhân vật phản diện trong các tập phim James Bond).

Trong thực tế, các công ty bình phong của giới tình báo không chỉ có trụ sở tại thiên đường thuế, mà có khi đóng ngay tại Mỹ. Một ví dụ gần đây là mạng lưới 6 công ty Mỹ chuyên cung cấp các chuyến bay thuê, trong đó có những cái tên như Aero Contractors Limited, Pegasus Technologies, hay Tepper Aviation. Sau năm 2001, các công ty này quản lý 26 máy bay mà trong thực tế thuộc về CIA. Lúc đó, CIA dùng số máy bay này cho cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, ví dụ như để áp giải các nghi can khủng bố al-Qaeda từ nhà tù này đến nhà tù khác.


Thùy Dương
“Hồ sơ Panama” - Bí mật tiền bẩn - Kỳ 5
“Hồ sơ Panama” - Bí mật tiền bẩn - Kỳ 5

Có một điều mà đàn ông siêu giàu sợ hơn cả cơ quan thuế, đó là một bà vợ đòi ly hôn. Dưới góc độ này, Panama trở thành “thiên đường lừa dối”, giải pháp cứu cánh cho những ông chồng siêu giàu không muốn chia quá nhiều tài sản cho vợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN