Geneva - thành phố của các điệp viên - Kỳ cuối

Claude Covassi có mật danh là Menès do cơ quan tình báo Thụy Sĩ đặt cho năm 2004. Nhiệm vụ của Covassi là đẩy vào máy tính của Trung tâm Hồi giáo Geneva các tài liệu chứng tỏ mối liên hệ giữa Hani Ramadan – Giám đốc Trung tâm Hồi giáo Geneva - với al-Zawahiri – nhân vật số 2 của al-Qeada.

CÂU CHUYỆN ĐÁNG NGỜ CỦA “CHUỘT CHŨI” COVASSI

Đầu năm 2006, một người đàn ông lần đầu tiên xuất hiện sau nhiều năm hoạt động trong bóng tối. Anh ta là Claude Covassi. Trong suốt nhiều tháng, Claude Covassi đã thu hút các phương tiện truyền thông với những tiết lộ động trời liên quan tới chiến dịch Memphis về hoạt động của tình báo Thụy Sĩ tại Trung tâm Hồi giáo ở Geneva. Nhưng sự thực câu chuyện này thế nào?

Claude Covassi là người ở Geneva, 35 tuổi, vóc dáng thể thao. Khi tiếp xúc với báo chí trong góc một quán cà phê, khuôn mặt đeo cặp kính mát hiệu Ray-Ban của anh ta không giấu nổi vẻ căng thẳng. Sợ mình đang bị theo dõi, anh thì thào kể lại chuyện về cải sang đạo Hồi, các chuyến thăm thánh đường Hồi giáo và ra nước ngoài. Người đàn ông này khoe rằng mình làm cho Cục phân tích và dự báo (SAP) và Cơ quan tình báo Liên bang (SRC) Thụy Sĩ. Anh ta khẳng định đang nắm giữ những thông tin bí mật về hoạt động của cơ quan tình báo Thụy Sĩ nhằm vào Trung tâm Hồi giáo Geneva. Theo lời kể, Covassi có nhiệm vụ thu thập thông tin nhằm điều tra và xác định các mạng lưới khủng bố. Lúc này, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan Hồi giáo do Mỹ phát động đang là vấn đề nóng trên thế giới.

Claude Covassi – người được cho là “chuột chũi” của tình báo Thụy Sĩ tại Trung tâm Hồi giáo Geneva.

Claude Covassi có mật danh là Menès do cơ quan tình báo Thụy Sĩ đặt cho năm 2004. Nhiệm vụ của Covassi là đẩy vào máy tính của Trung tâm Hồi giáo Geneva các tài liệu chứng tỏ mối liên hệ giữa Hani Ramadan – Giám đốc Trung tâm Hồi giáo Geneva - với al-Zawahiri – nhân vật số 2 của al-Qeada. Trong suốt một thời gian dài, “chuột chũi” Menès tìm hiểu về hệ thống an ninh, đường sá đi lại quanh trung tâm và quy tắc hoạt động của tổ chức này. Menès kể lại về cách thức che giấu dữ liệu nhạy cảm, cách sử dụng và mang theo mã khóa mật mã. Menès tin rằng mình đã nắm hết cơ cấu tổ chức của các chi nhánh Hồi giáo.

Những tiết lộ trên của Covassi khiến cơ quan tình báo Thụy Sĩ lo ngại. Họ biết những cáo buộc mà Claude Covassi đưa ra không hoàn toàn là sự thật, nhưng như thế đã đủ để cho thấy có vấn đề trong công tác tuyển mộ điệp viên của cơ quan này. Một điệp viên đã ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và nộp mình cho giới truyền thông. Đó là một vụ tai tiếng thực sự đối với cơ quan tình báo vốn khá kín tiếng của Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, giới chức an ninh Thụy Sĩ khẳng định câu chuyện là do Covassi thêu dệt nên. Thực tế, Menès chỉ là một người chỉ điểm của cảnh sát có ước mơ làm điệp viên. Vào đầu những năm 2000, cảnh sát Geneva đã liên hệ với Covassi trong vai trò là nguồn tin nhằm phục vụ các vụ án điều tra đánh vào mạng lưới buôn bán ma túy. Hài lòng với kết quả của “cảm tình viên” này, cảnh sát Geneva đã tiến cử Covassi cho cơ quan tình báo Thụy Sĩ.

Trung tâm Hồi giáo Geneva trên phố Eaux-Vives.

Dẫu vậy, những tiết lộ của Covassi đã buộc Quốc hội Thụy Sĩ phải thành lập một ủy ban điều tra sự việc. Lúc này, giới chức chính quyền yêu cầu Covassi phải đưa ra được các bằng chứng thuyết phục minh chứng cho câu chuyện của mình. Dư luận muốn biết sự thực và bối cảnh lúc đó khiến người ta tin vào câu chuyện của Covassi. Thời gian này, Mỹ đang triển khai một cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào tất cả những nghi can liên quan tới al-Qeada. CIA bắt cóc, giam giữ, bức cung hàng loạt nghi can. Thụy Sĩ vốn hợp tác với Mỹ và liệu quốc gia trung lập này có dám làm những điều tương tự trong khi cả thế giới lao vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố?

Trong bối cảnh đó, theo lời của “chuột chũi” Menès, anh ta đã chạy trốn sang Ai Cập với lý do bị đe dọa giết. Nhưng sau đã quay trở lại Thụy Sĩ và việc làm đầu tiên của Menès là tiếp xúc ngay với giới truyền thông để công bố câu chuyện “động trời” của mình. Giới chức chính quyền triệu tập Menès tới điều trần trước ủy ban của quốc hội song Menès không giao nộp được bất kỳ bằng chứng nào. Các băng ghi âm được cho là những tiết lộ gây sốc thì không nghe được. Tất cả các bằng chứng thuyết phục nhất lại biến mất. Ủy ban đi đến một kết luận khiến giới truyền thông thất vọng: Covassi đã lừa đối mọi người. Đó là một “nghệ sĩ” tài năng và anh này đã cắt xén một số tài liệu để nói dối về một câu chuyện trinh thám giống như trong các tiểu thuyết.

Xuất phát từ thực tế là Covassi là một nguồn tin của cảnh sát, anh này đã xây dựng một câu chuyện viễn tưởng về một nhiệm vụ xâm nhập vào cộng đồng Hồi giáo - lúc đó đang là mục tiêu của hầu hết các cơ quan tình báo phương Tây, với nhiệm vụ chống khủng bố. Có thể Covassi đã rất gần với những hoạt động mật. “Nhưng với một điệp viên có nhiệm vụ hoạt động trong một môi trường nguy hiểm và nhạy cảm như các mạng lưới khủng bố Hồi giáo, người điệp viên cần có bản lĩnh vững vàng hơn”, một nhân viên tình báo giấu tên nhận định.

Sau vụ này, Covassi nhanh chóng bị rơi vào quên lãng cho tới ngày 8/2/2013 khi bị phát hiện đã chết trên chiếc giường. “Đó là một cái chết tự nhiên”, cảnh sát Thụy Sĩ cho biết và sau này, họ kết luận rằng đó là do Covassi đã dùng thuốc quá liều.
Nguyễn Thái
Geneva - thành phố của các điệp viên - Kỳ 2
Geneva - thành phố của các điệp viên - Kỳ 2

Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, một làn sóng ám sát được lực lượng tình báo Iran triển khai ở ngay Geneva nhằm vào những nhân vật cấp cao của chế độ cũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN