Sau khi tiếp quản công ty, ông Trump chuyển tới Manhattan, nơi ông bắt đầu tạo quan hệ với nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng. Tin tưởng vào tiềm năng kinh tế của khu vực này, ông Trump sớm tham gia vào các dự án xây dựng lớn tại Manhattan, những dự án tham vọng mà nhiều doanh nghiệp bình thường phải e ngại. Những bước đi liều lĩnh này đã mang về các cơ hội để ông kiếm lời cao và tạo nên danh tiếng cho bản thân.
Cú nổ lớn đầu tiên trong sự nghiệp của doanh nhân Trump là vụ giải cứu khách sạn Commodore khỏi bờ vực phá sản và biến tòa nhà làm ăn thất bát này trở thành Grand Hyatt xa hoa lộng lẫy nhờ một thỏa thuận giảm thuế giá trị 40 năm với chính quyền thành phố New York. Grand Hyatt mở cửa năm 1980, ngay lập tức thành công và trở nên nổi tiếng, đưa cái tên Donald Trump trở thành nhà phát triển bất động sản nổi tiếng và cũng gây tranh cãi nhất nước Mỹ.
Khu trượt băng Wollman Rink tại Central Park, một trong những dự án tạo bước ngoặt lớn trên con đường của tỷ phú Donald Trump. |
Năm 1983, ông Trump ghi dấu ấn của mình vào New York phồn hoa với tòa cao ốc Trump Tower 68 tầng tại Manhattan. Kiến trúc cao ốc với bề mặt kính đen và đường viền bằng đồng đánh dấu đặc trưng cho nhiều công trình sau này của ông. Cũng chính trong khoảng thời gian này, ông Trump bắt đầu tận dụng thành công của mình để tiến những bước đầu tiên vào chính giới, bắt đầu với việc cải tổ khu trượt băng Wollman Rink tại Central Park. Dự án này khởi động từ năm 1980 song bị ngưng trệ vào năm 1986. Ông Trump công khai chỉ trích sự thiếu hiệu quả của chính quyền, khai pháo cho một cuộc “đấu khẩu” dữ dội với thị trưởng New York lúc bấy giờ Ed Kock. Để chứng tỏ quan điểm của mình, doanh nhân Trump đứng ra nhận thực hiện tu sửa miễn phí Wollman Rink và hoàn thành nhiệm vụ trong 3 tháng với mức kinh phí thấp hơn hẳn dự trù của thành phố.
Các dự án xây dựng liều lĩnh và tham vọng cùng cá tính “không biết sợ” đã khiến cái tên Donald Trump trở nên nổi tiếng trong công chúng. Năm 1987, ông tận dụng danh tiếng đang lên của mình và cho xuất bản cuốn sách kinh doanh “The Art of the Deal”. Cuốn tự truyện nằm trong danh sách “best - seller” trong suốt gần một năm.
Đối mặt nguy cơ phá sản
Chìm đắm trong thành công, Trump rẽ hướng sang ngành cờ bạc với thương vụ mua lại Casino Taj Mahal. Tuy nhiên, đây hóa ra lại là một ván bài quá sức đối với doanh nhân này. Đến năm 1989, ông rơi vào nợ nần và buộc phải vay mượn liên tiếp cho tới năm 1991, khi đối mặt với nguy cơ phá sản, các chủ nợ đồng ý tái cấu trúc món nợ của ông Trump và nhận 50% quyền sở hữu Taj Mahal. Thỏa thuận này cũng buộc ông chủ Trump bán đi hãng hàng không Trump Shuttle và chiếc du thuyền Trump Princess.
Trump International Tower, tòa nhà cao thứ 2 Chicago. |
Từ điểm thấp nhất trong sự nghiệp của mình, ông Trump từng bước phục hồi lại tài chính của tập đoàn. Một thương vụ đóng vai trò đáng kể trong sự hồi sinh này là vụ mua và cải tạo tòa nhà 70 tầng tại 40 Phố Wall, trung tâm Manhattan. Ông Trump sau đó cầm tòa nhà lấy 160 triệu USD để đầu tư cho nhiều dự án khác. Năm 2006, Forbes định giá tòa cao ốc này ở con số 260 triệu USD. Thừa thắng xông lên, ông Trump tiếp tục tấn công vào thị trường địa ốc Manhattan với các công trình như tòa nhà Trump World Tower 72 tầng và Trump Place. Một vụ mua bán phải nhắc đến là việc ông trùm bất động sản bỏ ra 73 triệu USD để mua lại tòa nhà Chicago Sun - Times với dự định ban đầu biến nơi này thành tòa nhà cao nhất thế giới. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố 11/9 khiến ông nghĩ lại và Trump International Tower trở thành tòa nhà cao thứ 2 Chicago. Từ khi khánh thành vào năm 2009, công trình này đạt được thành công lớn, đặc biệt là khu khách sạn được đánh giá thuộc hàng top quốc gia.
Năm 1996, cái tên Donald Trump một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của công chúng khi doanh nhân này mua lại quyền sở hữu cuộc thi Hoa hậu nước Mỹ (Miss USA). Danh tiếng này tiếp tục được đẩy lên cao với sự ra đời của chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" năm 2004. Hàng triệu người sẵn sàng ngồi trước màn ảnh nhỏ để theo dõi ông chủ Trump quát tháo và thử thách các ứng cử viên quản lý tiềm năng. Chương trình truyền hình của đài NBC đạt được thành công vang dội và kéo dài tới 14 mùa cùng một số phiên bản biến tấu ăn theo. Theo một số nguồn tin, ông Trump nhận được 3 triệu USD cho mỗi tập của chương trình.
Sự hồi sinh của “thương hiệu” Trump đã tạo điều kiện để ông trùm địa ốc “cho thuê” hình ảnh và tên tuổi của mình cho các dự án bất động sản. Theo thống kê của Forbes, kinh doanh thương hiệu cá nhân là một trong số tài sản giá trị nhất của tỷ phú này với hơn 30 bất động sản toàn cầu trị giá hơn 500 triệu USD. Tỷ phú Trump cũng không chậm chân trong mở rộng phạm vi hoạt động khi cho ra đời các nhà hàng như Trump Buffet, Trump Catering, Trump Ice Cream Parlor và Trump Bar, sản phẩm thời trang, nước hoa, tạp chí, đồ nội thất, trường đại học, trang web du lịch, doanh nghiệp bán lẻ thịt bò và rượu vodka.
Khối tài sản bí ẩnKhông ai có thể chối bỏ thành công trên thương trường của Donald Trump, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, giá trị tài sản của vị tỷ phú này vẫn là một ẩn số gây tranh cãi. Một phần bởi bản chất biến động của thị trường bất động sản và phần khác bởi Trump Organization là một doanh nghiệp tư nhân và do đó khó có thể tiếp cận giấy tờ tài chính của tập đoàn này. Forbes liệt giá trị tài sản của Donald Trump vào khoảng 4,5 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, công bố này của tạp chí nhận sự phản đối gay gắt từ vị tỷ phú, người khăng khăng khẳng định rằng tài sản của ông có giá trị gần tới 9 tỷ USD. Thêm vào đó là thực tế rằng một khối lượng lớn của cải của Trump gắn liền với danh tiếng và thương hiệu cá nhân, một dạng tài sản mơ hồ và mang tính chủ quan.
Xem kỳ 3: Ứng cử viên gây tranh cãi