Điệp viên kỳ lạ trong Thế chiến thứ Hai (Kỳ cuối)

Tháng 7/1943, quân đội Đức dốc toàn lực cho chiến dịch "Zitadelle" (Pháo đài) với 900.000 binh lính, 1.800 máy bay, 10.000 khẩu pháo và trên 2.000 xe tăng với hy vọng chọc thủng Vòng cung Kursk để giành lại các vị trí chiến lược đã bị mất vào tay Hồng quân Liên Xô, nhưng bị Hồng quân Liên Xô chặn đứng. Trong khi đó, ở mặt trận phía Tây, quân đội Đồng minh đã đổ bộ lên đảo Sicilia làm quân Đức trở tay không kịp. Để đánh lạc hướng quân đội Đức, cơ quan tình báo Anh đã nghĩ ra một kế hoạch kỳ lạ, có một không hai là sử dụng một xác chết để cung cấp tin... giả cho quân đội Đức. Xác chết đó đã trở thành một điệp viên kỳ lạ và thành công.

Kỳ cuối: Thắng lợi của "Chiến dịch thịt băm"

Trên thực tế, Sicilia là địa điểm thuận lợi nhất cho việc đổ bộ lên một khu vực trong Địa Trung Hải. Bởi vì sau khi đánh bại Tướng Rommel của Đức ở Bắc Phi, quân đội Đồng minh chỉ cách Sicilia vài trăm cây số đường không. Thủ tướng Anh khi đó Churchill cũng nhận định: "Bất kỳ ai, ngoại trừ một kẻ hoàn toàn ngớ ngẩn cũng phải biết rằng giờ là đến lượt Sicilia". Như vậy, quân Anh chẳng có gì mà mất và có thể được rất nhiều: Nếu kế hoạch thành công, họ có thể reo rắc hoài nghi trong Wehrmacht. Nếu không thì dù sao quân đội Đức cũng chờ đợi họ ở bờ biển của Sicilia.


Sĩ quan tình báo E. Montagu (phải) và đồng nghiệp C. Cholmondeley trên
đường
chở "Thiếu tá Martin" từ Luân Đôn tới thành phố cảng Greenock

Montagu làm việc trong nhiều tháng trời cho hy vọng mong manh là có thể lừa quân Đức Quốc xã về mặt tâm lý. Tuy nhiên, anh cũng đã vấp phải những vấn đề khó khăn: Ví dụ như phải lấy số đo của "Thiếu tá Martin" đang nằm trong phòng đông lạnh để có thể mặc quân phục sĩ quan cho xác chết, hay như việc dùng sức mãi mà cũng không thể đi giày cho xác chết. Cuối cùng họ phải dùng một máy sưởi nhỏ để có thể làm tan băng ở chân người chết một lúc và đi giày, trong khi không làm cả người tan băng, vì có thể gây thối rữa quá sớm.

Cũng vì "Thiếu tá Martin" có một chuyến đi dài phía trước nên người ta phải thiết kế một thùng sắt riêng hai lớp và một lớp cách nhiệt nặng 50 kg bằng sợi amiăng. Viên sĩ quan giả này đi vào cuộc chiến trong chiếc thùng kín không khí và được làm lạnh bằng đá khô. Về mặt chính thức, người ta nói rằng chiếc thùng sắt khổng lồ này đựng các dụng cụ quang học.

Ngày 18/4/1943, "Thiếu tá Martin" bắt đầu khởi hành từ Luân Đôn, ban đầu đi bằng ô tô tới thành phố cảng Greenock ở phía tây của Glasgow (Xcốtlen). Từ đó, chiếc thùng sắt nặng 200 kg được đưa xuống một chiếc tàu ngầm của Anh. 12 ngày sau, vào lúc 4 giờ 30 phút sáng, khi trời còn tối, xác chết được khoác lên người một áo phao và thả ra biển, cách thành phố duyên hải Huelva của Tây Ban Nha khoảng 1.500 m. Để mọi thứ trông giống một tai nạn máy bay, một chiếc thuyền cấp cứu cũng được thả ra.

Thành phố Huelva được chủ ý lựa chọn vì người Anh biết rằng ở đó có một điệp viên sừng sỏ của Đức, thường xuyên được người Tây Ban Nha cung cấp đủ loại tin tức. Giờ đây, họ hy vọng vào sự mẫn cán của tay điệp viên người Đức và hy vọng rằng điểm yếu nhất của màn kịch này không gây nghi ngờ: Đó là chiếc cặp tài liệu quan trọng được buộc vào cổ tay người chết bằng một chiếc thắt lưng da.

Nhưng sứ mạng đã thành công. Chẳng bao lâu sau, Tùy viên Hải quân Anh ở Mađrít, vốn không biết gì về sứ mạng này, đã được nghe nói tới một xác người trôi dạt vào bờ. Một bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây tử vong là do bị lạnh. Các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp bắt đầu, các sĩ quan tình báo cố tình yêu cầu Tùy viên Hải quân tìm lại cho được "những tài liệu mật". Cuối cùng họ cũng nhận được một phần những bức thư và qua dấu vết có thể nhận ra là chúng đã được mở một cách bí mật. Cơ quan tình báo đã tự hào báo lên Thủ tướng Churchill: "Thịt băm đã được nuốt chửng".

Cũng trong thời gian đó, người Đức tin rằng họ đã có được một mẻ lưới ngoạn mục. Sau chiến tranh, dựa trên thư từ qua lại của cơ quan tình báo Đức có thể thấy rõ là "Chiến dịch thịt băm" đã thắng lợi hoàn toàn: Ngay trong tuần đầu tháng 5, các điệp viên Đức đã gửi các bức thư được dịch về Béclin. Trong phần nhận định, họ khẳng định các tài liệu bắt được là thực và trình hồ sơ lên Tư lệnh hải quân Karl Doenitz.

Tàu ngầm "HMS Seraph" có nhiệm vụ thả xác "Thiếu tá Martin" ở ngoài
khơi bờ biển Tây Ban Nha.


Cuối cùng, cả Bộ Tổng tư lệnh Wehrmacht và cá nhân Hitler cũng bị lừa. Khi Mussolini bày tỏ ý kiến sợ rằng có một cuộc tấn công vào Sicilia, Hitler đã mạnh mẽ bác lại và cho rằng "Cuộc tấn công theo dự kiến trước hết nhằm vào Sardinien và Peloponnes". Đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm dẫn tới những quyết định sai lầm không thể cứu vãn: Một sư đoàn xe tăng đã được điều từ Pháp sang Hy Lạp, quân Đức dựng lên ở đó những bãi mìn mới, chúng rút một hạm đội tàu cao tốc khỏi Sicilia và tăng cường phòng thủ các đảo Korsika và Sardinien. Đêm 9 rạng sáng 10/7/1943, quân Đồng minh sử dụng lính dù, máy bay và tàu chiến tấn công Sicilia, gây bất ngờ cho các đơn vị quân đội Đức và Italia, khiến chúng chỉ kháng cự được một lúc ban đầu và hàng chục ngàn tên đã bị bắt làm tù binh. Việc chiếm được Palermo thậm chí đã gây ra một cuộc đảo chính chống lại Mussolini vào ngày 22/7. Trục Rôma - Béclin bị bẻ gãy; việc đánh chiếm Sicilia đã trở thành chiến công vang dội của quân Đồng minh. Thế còn "Thiếu tá Martin"? Sau chiến tranh, anh chàng này đã bất chợt nổi tiếng, khi một bộ phim được quay về chiến dịch bí mật này, nhưng rồi lại nhanh chóng rơi vào quên lãng. Cho tới hiện nay, mộ anh chàng vẫn nằm ở Huelva, cách xa nơi anh ta thực sự qua đời. Tháng 5/1943, anh ta được chôn cất ở đó, các chuyên gia tình báo Anh thậm chí gửi một vòng hoa của người tình giả là Pam tới Tây Ban Nha để viếng. Không biết là họ cũng có chút tình cảm thương xót hay chỉ vì tính chuyên nghiệp lạnh lùng.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)
Điệp viên kỳ lạ trong Thế chiến thứ Hai(Kỳ I)
Điệp viên kỳ lạ trong Thế chiến thứ Hai(Kỳ I)

Tháng 7/1943, quân đội Đức dốc toàn lực cho chiến dịch "Zitadelle" (Pháo đài) với 900.000 binh lính, 1.800 máy bay, 10.000 khẩu pháo và trên 2.000 xe tăng với hy vọng chọc thủng Vòng cung Kursk

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN