Cuộc đại di dân của Trung Quốc

Chỉ trong năm 2013 đã có hơn 100 triệu người dân Trung Quốc xuất cảnh. Đa phần trong số họ là những khách du lịch và họ trở về nhà sau khi chuyến thăm thú nước ngoài kết thúc, song rất nhiều trong số những sinh viên và người giàu đã không quay về quê hương. Đây là lực lượng được xem là đã “kết dính Trung Quốc với thế giới”.

Theo thống kê của công ty Hurun Report, Thượng Hải có tới 64% người giàu Trung Quốc, tức những người có tài sản hơn 1,6 tỷ USD, đang di cư hoặc sẽ ra nước ngoài định cư. Những người này mong muốn được sống trong một bầu không khí sạch sẽ hơn, con cái được giáo dục tốt hơn và có thêm những cơ hội mới trong cuộc sống.

Ô nhiễm đang làm giảm đáng kể chất lượng sống tại Trung Quốc.


Quyết định ra đi, những người này cho rằng có thể có được một cuộc sống sung túc với một chi phí hợp lý tại Mỹ, Canada hay Australia... trong khi họ có tiền cũng không thể giải quyết được những vấn đề lớn đang tác động mạnh mẽ tới cuộc sống thành thị Trung Quốc. Đó là nạn ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và một hệ thống giáo dục không như ý. Bên cạnh đó, chính sách tiệt trừ tham nhũng của chính phủ cũng khiến nhiều người trong giới nhà giàu lo lắng.

Tuy vậy, với nhiều người, chính trị không phải là vấn đề quan trọng nhất, ví như lý do khăn gói ra đi của chị Sun, sống tại Bắc Kinh. Con gái 6 tuổi của Sun bị bệnh hen suyễn và tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng tại Bắc Kinh là kẻ thù đối với hai lá phổi của cô bé. Cô bé cũng rất có năng khiếu về âm nhạc, hội họa và kể chuyện do vậy, Sun sợ rằng hệ thống trường lớp của Trung Quốc sẽ không đem lại tương lai cho con mình. Mới đây, chị đã bay sang San Francisco để tìm kiếm một ngôi trường cho con gái, mua nhà và làm thủ tục để định cư ở Mỹ. “Tôi chỉ đem tới cho gia đình mình một lựa chọn khác”, Sun giải thích.

Số lượng học sinh, sinh viên Trung Quốc tới Mỹ học ngày càng tăng.


Tầng lớp doanh nhân thế hệ đầu tiên của Trung Quốc, những người hưởng lợi từ sự cất cánh của nền kinh tế nước này, nay cũng muốn được “hạ cánh mềm” tại các quốc gia như Mỹ và Canada. Năm ngoái, Mỹ đã cấp gần 7.000 thị thực cho công dân Trung Quốc theo chương trình EB-5, vốn cho phép người nước ngoài sinh sống tại Mỹ nếu họ đầu tư tối thiểu 500.000 USD. Canada hồi đầu năm nay cũng đã tạm dừng chương trình đầu tư - nhập cư (IIP), trong đó đa phần hồ sơ đến từ Trung Quốc. Ngay cả khi IIP bị dừng vẫn còn tới 66.000 hồ sơ, trong đó 45.000 hồ sơ là của người Trung Quốc, xin được đầu tư để nhận quy chế công dân.

Theo dự đoán, làn sóng xuất cảnh tiếp theo của người Trung Quốc là cho con cái theo học trung học phổ thông tại nước ngoài. Những gia đình giàu có không muốn cho con cái họ học ở một hệ thống giáo dục đề cao việc thi cử đầu vào song lại coi nhẹ tính sáng tạo. Xie Li, nhà quản trị của một công ty viễn thông tại Bắc Kinh, đang tìm cách cho con trai 16 tuổi của mình học trung học ở nước ngoài mặc dù cậu bé đang theo học tại một trường cấp hai liên kết với một đại học nổi tiếng tại Bắc Kinh.

Viện Giáo dục quốc tế cho biết năm 2013, số lượng sinh viên Trung Quốc tới Mỹ học đã tăng 21% so với năm trước, đạt 235.597 sinh viên và tới nay là nhóm học sinh nước ngoài lớn nhất tại các trường đại học của Mỹ. Số lượng này cũng đang tăng với cùng nhịp độ tại Australia, Anh, tới mức tại Anh, số sinh viên Trung Quốc học toàn thời gian sau đại học đã gần bằng với người dân sở tại.

Số lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài cũng tăng lên chóng mặt trong những năm gần đây và có tác động lớn tới kinh tế của nước sở tại. Người dân Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành những người chi tiêu mạnh tay nhất cho du lịch. Trung Quốc hiện nằm trong tốp ba nước có số du khách tới Nam Cực nhiều nhất và làn sóng này mới chỉ đang bắt đầu. Công ty môi giới CLSA có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) dự đoán, từ nay tới năm 2020, số lượng người xuất cảnh khỏi Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, đạt 200 triệu người.

Trong một cuốn sách, nhà sử học Odd Arne Westad viết: Những người Trung Quốc ở nước ngoài “đã và đang là chất keo kết dính mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới, cả trong lúc bình lặng hay quan hệ có sóng gió”. Điều này lý giải tại sao Bắc Kinh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các cư dân nước này ở ngoài nước. Với số lượng khoảng 48 triệu người, gấp đôi số lượng người Ấn Độ ở nước ngoài, người Trung Quốc có một ưu thế số đông để vươn lên dẫn đầu tại các khu vực họ sinh sống và làm việc, dù là ở Thung lũng Silicon hay các hành lang công nghệ cao ở Đông Nam Á. Chính vì vậy, dường như chính Bắc Kinh không có ý định tìm cách ngăn chặn làn sóng học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập.

Trở lại câu chuyện của Trung Quốc nhiều thập kỷ trước, Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nhớ lại, trong một cuộc gặp với Đặng Tiểu Bình, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter có hỏi về chính sách thắt chặt di cư của Bắc Kinh, ông Đặng trả lời: “Được thôi, chúng tôi sẽ để cho họ đi. Ngài có chuẩn bị để nhận 10 triệu người dân Trung Quốc không?”. Có lẽ ông Đặng chưa tưởng tượng ra số lượng người dân nước này sẽ ra nước ngoài khi Bắc Kinh thực hiện cải cách, bởi con số này nay đã gấp 10 lần và sẽ không chỉ dừng ở đó.

Thái Nguyễn
Người Trung Quốc tẩy chay hàng nội
Người Trung Quốc tẩy chay hàng nội

Quá hoảng sợ trước các thông tin thực phẩm nhiễm độc và bị làm giả tràn lan trong nước, người tiêu dùng Trung Quốc không còn tin tưởng vào hàng nội và bắt đầu tẩy chay sản phẩm trong nước để tự bảo vệ mình. Họ tẩy chay hàng nội bằng hai hình thức: tự cung tự cấp hoặc chuyển sang mua đồ ngoại nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN