Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 - Kỳ 2

Trên thực tế, đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy những công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Tư đang có tác động lớn tới các doanh nghiệp trong tất cả các nền công nghiệp.

Về lĩnh vực cung cấp, nhiều nền công nghiệp đang chứng kiến sự xuất hiện của những công nghệ giúp tạo ra những phương thức hoàn toàn mới nhằm phục vụ cho những nhu cầu hiện nay, đồng thời tạo đột phá quan trọng trong những chuỗi giá trị công nghiệp hiện nay. Sự đột phá cũng đang xuất hiện từ những nhà cạnh tranh linh hoạt và sáng tạo, những người được hưởng lợi từ việc tiếp cận các phương tiện số toàn cầu để tiến hành nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán hàng và phân phối. Thuận lợi đó giúp họ cải thiện chất lượng, tốc độ và giá cả cho phù hợp với giá trị của hàng hóa được phân phối, từ đó có thể cạnh tranh và đánh bại các đối thủ lớn khác với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Những thay đổi lớn về nhu cầu cũng đang diễn ra khi tính minh bạch ngày một cao, sự tham gia của người tiêu dùng và những hành vi mới của người tiêu dùng (ngày càng được xây dựng trên cơ sở tiếp cận mạng lưới và dữ liệu di động) buộc các công ty phải điều chỉnh phương thức thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm và dịch vụ của mình.

Một thiết bị không người lái trên cánh đồng gần thị trấn Raglan, New Zealand. Ảnh: Reuters

Một xu thế quan trọng là sự phát triển của các thiết bị dựa trên công nghệ, kết nối cung và cầu, phá vỡ kết cấu công nghiệp hiện nay, giống như những thiết bị mà chúng ta đã thấy trong nền kinh tế “chia sẻ” hoặc “theo nhu cầu”. Những thiết bị công nghệ này, chẳng hạn như điện thoại thông minh, giúp kết nối con người với tài sản và dữ liệu, từ đó tạo nên những phương thức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ hoàn toàn mới. Thêm vào đó, chúng còn hạ thấp rào cản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tạo ra của cải, thay đổi cả môi trường riêng tư cũng như nghề nghiệp của người lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động dựa trên những thiết bị như vậy đang gia tăng theo cấp số nhân và tham gia vào nhiều dịch vụ mới như giặt, mua sắm, đỗ xe, dịch vụ mát-xa, du lịch…

Tóm lại, có 4 tác động chính mà cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Tư mang lại đối với doanh nghiệp, đó là những tác động đối với sự mong đợi của người tiêu dùng, gia tăng sản xuất, đối với sự sáng tạo và với các hình thức tổ chức.

Sự dịch chuyển tất yếu từ số hóa đơn giản (cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Ba) sang sự sáng tạo dựa trên sự kết hợp giữa các công nghệ (cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Tư) đang buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại cách thức hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy, các lãnh đạo và giám đốc điều hành doanh nghiệp cần nắm chắc sự thay đổi môi trường, thử thách nhận định của các bộ phận và không ngừng sáng tạo.

Khi chính phủ sở hữu sức mạnh công nghệ

Khi thế giới vật lý, số và sinh học đang tiếp tục xích lại gần nhau hơn thì công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điểu khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách thức tiếp cận hiện nay của họ đối với sự tham gia của công chúng và quy trình đưa ra quyết định khi vai trò trung tâm của họ trong việc thực thi chính sách suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.

Xét cho cùng, khả năng các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội có thể thích ứng sẽ quyết định sự tồn tại của họ. Nếu chứng minh được khả năng có thể bắt kịp một thế giới với những thay đổi đột phá, cải thiện cơ cấu để đạt mức minh bạch và hiệu quả để cho phép họ duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình, họ sẽ tồn tại. Ngược lại, nếu không thể cải thiện, họ sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề.

Điều này đặc biệt đúng trong hệ thống điều hành. Các hệ thống chính sách công và quy trình ra quyết định hiện nay được phát triển cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Hai khi các nhà hoạch định chính sách có thời gian để nghiên cứu một vấn đề cụ thể và đưa ra cách ứng phó cần thiết hoặc khuôn khổ quy định phù hợp. Toàn bộ quá trình này được vận hành trơn tru và có hệ thống, theo mô hình chặt chẽ từ cao xuống thấp.

Tuy nhiên, một cách thức như vậy hiện nay không còn khả thi. Trước tốc độ thay đổi nhanh chóng và tác động sâu rộng của cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4, các nhà lập pháp và điều hành đang bị thử thách ở một mức độ chưa từng có tiền lệ và phần lớn trong số đó chưa cho thấy khả năng ứng phó tốt.

Vậy làm thế nào họ có thể vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công chúng nói chung lại vừa tiếp tục hỗ trợ cho sáng tạo và phát triển công nghệ? Câu trả lời là: Họ có thể xây dựng một sự quản lý “năng động” giống như việc khu vực tư nhân đang ngày càng có ứng phó linh hoạt trước sự phát triển của phần mềm và hoạt động của các doanh nghiệp nói chung. Điều này có nghĩa là các nhà lập pháp phải không ngừng thích nghi với môi trường mới và biến đổi nhanh chóng, đồng thời phải trau dồi bản thân để thực sự hiểu rõ họ đang điều hành cái gì. Để làm được vậy, các chính phủ và cơ quan lập pháp cần có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và công dân của mình.


Nguyễn Thái (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư - Kỳ cuối
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư - Kỳ cuối

Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế, tác động tới cả bản chất và khả năng xảy ra xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của sự sáng tạo về công nghệ, và ngày nay cũng không phải ngoại lệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN