Công nghiệp quốc phòng Mỹ: Giai đoạn toàn cầu hóa

Khi các phát minh công nghệ đã trở nên thương mại hóa hơn, chúng cũng đồng thời được toàn cầu hóa. Trong lĩnh vực tư nhân, một sản phẩm như iPhone chẳng hạn cũng thường chứa đựng công nghệ của cả mạng lưới các nhà cung cấp toàn cầu.

Tương tự như vậy, một số hệ thống vũ khí, như máy bay tiêm kích F-35, cũng là sản phẩm của sự hợp tác quốc tế. Nhưng ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã không tận dụng được xu thế này, một phần vì một số quan chức chính phủ lo ngại việc toàn cầu hóa sẽ đưa công việc ra khỏi nước Mỹ và làm giảm giá trị của các công nghệ quốc phòng chủ chốt của nước này. Những lo lắng đó là thiển cận. Một ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ mang tính toàn cầu hơn sẽ trở nên lớn mạnh hơn, nó sẽ mang lại cho nước Mỹ nhiều hơn chứ không ít đi khả năng tiếp cận với các công nghệ hàng đầu.

Hãy lấy đường đi của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ để làm ví dụ so sánh. Các công ty xe hơi Nhật Bản bắt đầu mở các nhà máy lắp ráp tại Mỹ trong những năm 1980. Tới nay, số lượng các nhà máy như vậy do các công ty nước ngoài vận hành trên đất Mỹ bằng với số lượng các nhà máy của Mỹ. Hãng Honda ngày nay xuất khẩu nhiều xe hơi từ Mỹ hơn là nhập khẩu từ Nhật Bản.

Khái niệm cái gì cấu thành một xe hơi Mỹ hay xe hơi ngoại trở nên mờ nhạt, điều đã tạo nên một ngành công nghiệp nơi các hãng xe nước ngoài sử dụng hàng nghìn nhân công Mỹ và các công ty Mỹ thì lại có được doanh thu vững chắc ở nước ngoài. Bảy trên 10 mẫu xe của Honda và Toyota có tỷ lệ bộ phận cấu thành được sản xuất tại Mỹ lớn nhất, còn nhà máy hãng BMW tại Nam Carolina trở thành nơi xuất khẩu lớn nhất xe hơi sản xuất tại Mỹ.

BAE Systems, một trong những đối tác nước ngoài lớn nhất của Lầu Năm Góc.


Con đường để toàn cầu hóa ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng tương tự như vậy. Trên chiến trường, quân đội Mỹ chiến đấu bên cạnh các đồng minh với quân lính được huấn luyện chung và chia sẻ thông tin tình báo với nhau. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn thường coi nhẹ các công nghệ và sản phẩm nước ngoài, điều đó đôi khi lại gây thiệt hại cho chính người Mỹ.

Còn nhớ, trong những năm đầu thập niên 2000, thay vì tiếp nhận loại pháo do Đức thiết kế vốn có thể đáp ứng hầu hết các yêu cầu của Mỹ, Lầu Năm Góc đã tìm cách phát triển một hệ thống pháo binh mới có tên gọi Crusader.

Sau đó, đến năm 2002, Mỹ đã chấm dứt chương trình này khi phí tổn đã vượt quá mức cho phép. Dự án đã gây lãng phí 2 tỷ USD, trong khi Lục quân Mỹ phải sử dụng phiên bản nâng cấp của một loại pháo cũ. Để có thể hưởng lợi từ các đầu tư và sáng chế của đồng minh, Lầu Năm Góc cần mở cửa với nước ngoài về công nghệ và thiết kế của mình. Mỹ không còn là nơi sở hữu mọi bước tiến trong lĩnh vực công nghệ quân sự và thực tế, việc đưa các công ty nước ngoài vào lĩnh vực này sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí phát triển, như dự án F-35 đang làm.

Thích ứng để tồn tại

Bên cạnh những thay đổi từ bên ngoài, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ còn phải đối mặt với một thách thức lớn từ bên trong: sự thắt chặt của ngân sách quốc phòng. Việc rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã dẫn tới việc cắt giảm 20% chi tiêu cho quốc phòng trong vòng 5 năm qua.

Việc giảm chi tiêu quốc phòng bản thân nó chưa tạo động lực đủ lớn để dẫn tới sự thay đổi cấu trúc của ngành công nghiệp, nhưng khi kết hợp với yếu tố thương mại hóa và toàn cầu hóa công nghệ quân sự, sự thay đổi là không thể tránh được.

Thay đổi đó sẽ bao gồm việc củng cố ngành công nghiệp, gia tăng sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp. Thực vậy, cạnh tranh giành các hợp đồng quốc phòng đang ở mức thấp lịch sử khiến Lầu Năm Góc gặp khó khăn trong việc chi tiêu tốt nhất những đồng tiền thuế của người dân. Trước đây, nếu Lầu Năm Góc thường có 2 hoặc 3 công ty để lựa chọn thực hiện các chương trình vũ khí lớn, thì nay họ chỉ có 1 tới 2 nhà cung cấp. Do vậy, năm 2012, hơn một nửa hợp đồng của Hải quân và Lục quân được trao cho các nhà cung cấp mà không có bất kỳ sự cạnh tranh nào.

Vì vậy, nếu Lầu Năm Góc tạo thuận lợi để các công ty thương mại và công ty nước ngoài gia nhập ngành công nghiệp, tính cạnh tranh sẽ tăng lên. Chẳng hạn, BAE Systems, một công ty quốc phòng của Anh và là một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho Lầu Năm Góc, đã góp phần đem đến sự đa dạng cần thiết cho các loại xe chiến đấu trong quân đội Mỹ. Tương tự như vậy, trong việc tìm kiếm một máy bay chở dầu mới cho quân đội Mỹ, hãng Airbus của châu Âu đã đưa ra một lựa chọn đáng tin cậy thay thế Boeing.

Sự cạnh tranh gia tăng cũng đảm bảo rằng Lầu Năm Góc sẽ nhận được công nghệ tốt nhất ở mức chi phí thấp nhất và sẽ giúp chứng tỏ sự cởi mở của thị trường Mỹ. Mặt khác, trong thời điểm mà ngân sách bị thắt chặt, các công ty quốc phòng Mỹ hiện nay cũng đã và đang tìm kiếm những thương vụ ngoài biên giới nước này.

Thời gian không có nhiều trong khi giới chức Washington vẫn đang cân nhắc tiến hành những cải cách trong ngành công nghiệp nhạy cảm này. Thị trường công nghiệp quốc phòng thế giới đang có bước chuyển mình nhanh chóng. Kỷ nguyên thứ nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ kéo dài hơn 150 năm, kỷ nguyên thứ 2 là 50 năm và kỷ nguyên thứ 3 chỉ đúng 20 năm.

Vì thế, Lầu Năm Góc cần đóng một vai trò tích cực hơn trong việc chiêu mộ các công ty bên ngoài với tư duy rằng tương lai của hai đối tác này phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Mỹ có cơ hội lớn khi vươn tầm nhìn ra ngoài biên giới để bước vào kỷ nguyên thứ 4 của ngành công nghiệp quốc phòng. Kể từ Thế chiến 2, những lợi thế về công nghệ đã giúp Mỹ bảo vệ được vị thế và lợi ích của mình trên khắp thế giới. Để duy trì được điều đó, thích nghi và nắm lấy các xu hướng là rất cần thiết để định hình tương lai của ngành công nghiệp này.


Thái Nguyễn (Theo FP)

Công nghiệp quốc phòng Mỹ: Vai trò của các công ty thương mại
Công nghiệp quốc phòng Mỹ: Vai trò của các công ty thương mại

Thời kỳ thứ 2 của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ được đánh dấu bởi sự xuất hiện của cái mà Tổng thống Dwight Eisenhower gọi là “tổ hợp công nghiệp quân sự” và chấm dứt cùng với Chiến tranh Lạnh khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN