CIA và đặc nhiệm Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố

12 năm sau các cuộc tấn công chưa từng có của mạng lưới al-Qaeda, một cựu quan chức cấp cao Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã rất xúc động tuyên bố với báo giới rằng chương trình “Sáng kiến triển khai toàn cầu” (GDI) của cơ quan tình báo này là một thất bại hoàn toàn.

CIA cài cắm điệp viên tại nhiều nước.

Hơn 10 đồng nghiệp cũng ủng hộ quan điểm cựu lãnh đạo của họ. Những quan chức giấu tên này thừa nhận trong thời gian đó, CIA đã hầu như không đạt được kết quả trong việc cài điệp viên vào các cơ sở của mạng lưới khủng bố trên thế giới, điều mà sáng kiến của ban lãnh đạo CIA mong muốn. Trong khi đó, theo một số thông tin, việc thực thi GDI lãng phí tới 3 tỷ USD.


Kỳ 1: Ý định của Washington


Sau sự kiện 11/9/2001, CIA, được các nhà làm luật Mỹ chấp thuận, bắt đầu cài cắm điệp viên tại nhiều nước, để thâm nhập vào các cơ sở al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác, cũng như tuyển mộ các thành viên mới. CIA muốn cài cắm tai mắt của mình ở mọi nơi, thậm chí là những nơi xa xôi và hẻo lánh nhất, mà các điệp viên của họ có thể biết gì đó về các cuộc tấn công sắp tới tại Mỹ và các đồng minh nước này. Để làm điều đó, chương trình GDI được khởi động và các chuyên gia được huấn luyện để phái ra nước ngoài tiến hành hoạt động tình báo bất hợp pháp.


Trước thời điểm 11/9/2001, phần lớn nhân viên CIA làm việc tại các đại sứ quán, phái bộ thương mại và các tổ chức liên bang khác của Mỹ ở nước ngoài. Các điệp viên này có vỏ bọc chính thức. Chính vì thế nếu hoạt động tình báo của họ bị phát giác, cùng lắm là họ sẽ bị trừng phạt như những “nhà ngoại giao” và trục xuất về nước.


Trước chương trình GDI, một số nhân viên CIA đã tham gia vào các hoạt động tình báo thu thập thông tin cần thiết ở vai trò bất hợp pháp. Hoạt động của họ được tài trợ theo chương trình “Không vỏ bọc chính thức” (NOK). Các điệp viên này hoạt động với vỏ bọc sâu, nghĩa là có hộ chiếu công dân nước sở tại hay giấy tờ công dân nước thứ 3 và không duy trì liên hệ công khai với các phái bộ chính thức của Mỹ. Mọi chỉ thị cần thiết họ nhận theo đường dây bí mật và cũng bằng cách đó chuyển thông tin họ thu thập được.

Valerie Plame, một điệp viên NOK của CIA.


Sau sự kiện kinh hoàng 11/9 , Tổng thống Mỹ George W. Bush đã quyết định tăng 50% số điệp viên CIA ở nước ngoài. Quốc hội ủng hộ quyết định này của Nhà Trắng. Và rốt cuộc, ban lãnh đạo CIA đã thay đổi cách tiếp cận truyền thống, hướng tới các tổ chức vỏ bọc và nhận thêm ngân quĩ để hình thành hệ thống các công ty phi chính phủ.


CIA thành lập tại nhiều nước khác nhau một loạt công ty trá hình. Một phần lớn các tổ chức này xuất hiện giai đoạn 2002 - 2004 . Bề ngoài chúng không có bất cứ quan hệ nào với chính quyền Mỹ. Phần lớn các công ty này khoác lên mình vỏ bọc thực hiện các hoạt động thương mại hay công ty dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp địa phương. Theo một số thông tin báo giới, việc hình thành các công ty như vậy tiêu tốn hàng trăm triệu USD.


Hơn 10 công ty như vậy đã được thành lập tại một loạt nước châu Âu. Mục tiêu chính của nhân viên các công ty này là chui sâu vào các tổ chức Hồi giáo ở châu Âu. Tuy nhiên CIA đã không thể thực thi ý tưởng đó. Các công ty bình phong này quá xa rời các khu vực Hồi giáo ở châu Âu. Đại diện bán hàng hay nhân viên tư vấn kinh doanh không thể tiếp cận cách thành viên al-Qaeda và những tổ chức cực đoan khác. Thêm vào đó, các công ty này có quá nhiều nhân viên, và như vậy lãnh đạo CIA lo ngại rằng hành động sai lầm của một trong các điệp viên có thể dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ mạng lưới tình báo.


Một trong những quan chức cấp cao CIA cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu hiệu quả của các công ty bình phong ở châu Âu là “chúng được hình thành với kỳ vọng rằng hệ thống ‘Thực địa kỳ diệu’ sẽ đem lại kết quả: chúng tôi hình thành công ty và những kẻ khủng bố sẽ tự tới”.


Các điệp viên CIA, hoạt động không có vỏ bọc, theo những nhiệm vụ đề ra và hành động theo các cách thức khác. Họ tự thu xếp nơi ăn ở tại các trường đại học nước ngoài, viện nghiên cứu và các tổ chức khác không cấm công dân nước ngoài làm việc và sau đó nỗ lực thu thập thông tin về các mắt xích khủng bố. Thân phận của các điệp viên bất hợp pháp này không thể so sánh với các điệp viên có vỏ bọc chính thức. Do hành động phi pháp, gây tổn hại cho các quốc gia họ hoạt động, các điệp viên này có thể bị bắt, bị xét xử theo luật pháp sở tại vì tội làm gián điệp và có thể bị bỏ tù.


Vào thời điểm hiện nay, theo lời một số đại diện CIA, số lượng các điệp viên ngầm của CIA vào khoảng 5.000. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm hoạt động, các trở ngại quan liêu khác nhau, ngoại ngữ kém cùng các khó khăn khác về hành chính và nghiệp vụ, chỉ một số lượng nhỏ điệp viên ngầm, kể cả những người đã có vỏ bọc chắc chắn, có thể tuyển mộ người cung cấp thông tin đáng giá.


Như đã nói, GDI của CIA không đem lại cho các điệp viên cơ quan này khả năng thu thập thông tin có giá về các kế hoạch và trại huấn luyện khủng bố. Chương trình đã thất bại và trong tài khóa năm nay GDI bị cắt nguồn tài chính.


Đại diện chính thức của CIA Todd Ibits đã từ chối bình luận về hoạt động của các điệp viên NOK, việc cung cấp tài chính và những vấn đề tồn tại. Ibits nói: “Cơ quan quản lý không công khai thảo luận các phương pháp che đậy được sử dụng. CIA luôn nằm dưới quyền kiểm soát của các ủy ban tình báo quốc hội, thành viên các ủy ban này được thông báo đầy đủ về hoạt động nhằm loại bỏ những nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ. Và dù ngân sách của CIA vẫn hoàn toàn được giữ bí mật, việc cắt giảm ngân sách ảnh hưởng tới không chỉ các cơ quan liên bang mà cả CIA”.


Duy Trinh

Đón đọc kỳ cuối: Đối thủ chính của CIA

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN