Mỹ từng giúp Iraq tấn công hóa học Iran - Kỳ 1

Tiết lộ từ một đại tá về hưu


Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 1, Mỹ đã tiếp tay để Tổng thống Iraq Saddam Hussein tiến hành một trong những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất lịch sử và tạo nên bước ngoặt cho cuộc chiến. Từ đó tới nay, Mỹ ra sức phủ nhận đã vi phạm luật pháp quốc tế khi để việc này diễn ra.

Bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước Iran - IRNA công bố, ghi lại hình ảnh hai em nhỏ được cho là thiệt mạng do chất độc hóa học của Iraq vào năm 1988.


Năm 1988, trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh Iran – Iraq, thông qua hình ảnh vệ tinh, Mỹ biết rằng Iran sẽ giành được một lợi thế lớn về chiến lược khi khai thác một điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Iraq. Để giúp chính quyền của ông Hussein, giới chức tình báo Mỹ đã chuyển thông tin về vị trí đóng quân của quân đội Iran cho Iraq và biết thừa rằng quân đội của Hussein sẽ tấn công bằng vũ khí hóa học, trong đó, có chất độc thần kinh sarin.

Thông tin tình báo trên rất đầy đủ, trong đó có hình ảnh và bản đồ về sự di chuyển quân, cùng những vị trí cơ sở hậu cần, thông tin về hệ thống phòng không của Iran. Dựa trên những tin tức đó, “tiên hạ thủ vi cường”, Iraq đã sử dụng khí mù tạt, chất độc sarin với 4 đợt tấn công quy mô vào đầu năm 1988. Những cuộc tấn công này đã làm thay đổi tình thế trên chiến trường sang hướng có lợi cho Iraq, buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán. Hay nói cách khác, các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trên đã đảm bảo chiến thắng cho Iraq trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần 1 – mục tiêu theo đuổi của chính quyền Tổng thống Ronald Reagan. Đây cũng là vụ sử dụng vũ khí hóa học cuối cùng trong một loạt các vụ tấn công khác từng xảy ra trước đó mà chính quyền Mỹ biết song đã giấu kín.

Giới chức Mỹ từ lâu vẫn từ chối việc đã ngầm ủng hộ các vụ tấn công hóa học của Iraq và nhấn mạnh rằng chính phủ của ông Hussein chưa bao giờ thông báo đã sử dụng loại vũ khí này. Nhưng Đại tá đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ Rick Francona, người từng là Tùy viên quân sự Mỹ tại Baghdad trong thời gian xảy ra các vụ tấn công năm 1988 kể trên, thừa nhận: “Phía Iraq không bao giờ nói với chúng tôi rằng họ có ý định sử dụng khí độc thần kinh. Họ không cần phải nói, (vì) chúng tôi vốn đã biết”.

Binh sĩ Iran đeo mặt nạ phòng độc trong cuộc chiến với Iraq năm 1984.


Theo những tài liệu mới giải mật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các cuộc phỏng vấn với các cựu quan chức tình báo như Francona, Mỹ đã xác nhận bằng chứng về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của Iraq được bắt đầu từ năm 1983. Ở thời điểm này, Iran đã tuyên bố rằng đã có các vụ tấn công vũ khí hóa học nhắm vào lực lượng họ và đang chuẩn bị một vụ kiện lên Liên hợp quốc (LHQ).

Tuy nhiên, Tehran lại thiếu bằng chứng cho thấy Iraq có liên quan tới vụ việc mà không biết rằng rất nhiều trong số đó nằm trong những báo cáo tuyệt mật và các điện tín ngoại giao gửi cho giới chức tình báo hàng đầu tại Mỹ. Tất nhiên, CIA đã từ chối bình luận về câu chuyện này.

Trái ngược với cuộc tranh luận sôi nổi hiện nay về việc liệu Mỹ có nên can thiệp để chặn đứng các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hay không, 3 thập kỷ trước, Washington lại tỏ ra lạnh nhạt có tính toán đối với việc Baghdad sử dụng loại vũ khí bị cấm này trên quy mô lớn chống lại quân đội và người dân đối phương. Chính quyền Reagan quyết định rằng tốt hơn hết là cứ để các vụ tấn công đó tiếp diễn nếu chúng có thể xoay chuyển tình thế của cuộc chiến. Ngay cả khi chúng bị phát hiện, CIA đánh cược rằng sự tức giận và lên án của quốc tế sẽ đi vào quên lãng.

CIA nhận định Iran có thể không tìm ra bằng chứng thuyết phục về việc Iraq sử dụng vũ khí hóa học, dù CIA đang nắm trong tay các bằng chứng này. CIA cũng cho rằng Liên Xô đã từng sử dụng vũ khí hóa học tại Afghanistan và chỉ hứng chịu ít chỉ trích.

Trước đó, Mỹ đã cung cấp tin tức tình báo chiến thuật cho Iraq cùng với thời điểm giới chức Mỹ nghi ngờ Hussein sẽ sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng các cuộc phỏng vấn độc quyền với những cựu quan chức tình báo đã tiết lộ những thông tin mới về mức độ nắm bắt rất sâu của Mỹ về cách thức và thời điểm Iraq sử dụng loại vũ khí chết người trên. Điều này đồng nghĩa với một sự thừa nhận chính thức về sự đồng lõa của Mỹ đối với một trong những cuộc tấn công vũ khí hóa học khủng khiếp nhất từng được tiến hành.

Các quan chức hàng đầu của CIA, trong đó có Giám đốc William J. Casey, một người bạn thân của Tổng thống Reagan, đã nói về vị trí của các nhà máy tổng hợp vũ khí hóa học của Iraq; rằng Iraq đã nỗ lực như thế nào để sản xuất ra đủ khí mù tạt nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của quân đội. Ông cũng tiết lộ về kế hoạch Iraq sẽ mua trang  bị của Italy nhằm giúp đẩy nhanh việc sản xuất đạn pháo và bom hóa học. CIA cũng biết rằng Iraq có thể sử dụng chất độc thần kinh đối với quân đội Iran và ngay cả với chính người dân của họ.

Các quan chức cũng cảnh báo rằng Iran có thể tấn công đáp trả nhắm vào những lợi ích của Mỹ tại Trung Đông, kể cả tấn công khủng bố, nếu họ tin rằng Mỹ đồng lõa trong chiến dịch sử dụng vũ khí hóa học với Iraq. Một báo cáo tuyệt mật của CIA tháng 11/1983 viết: “Khi Iraq tiếp tục tấn công và khiến quân đội Iran phải hứng chịu đạn pháo chứa khí mù tạt, Tehran sẽ trình bằng chứng này ra LHQ và buộc tội Mỹ đồng lõa vi phạm luật pháp quốc tế”.

Cùng thời gian này, Cơ quan Tùy viên quân sự Mỹ cũng theo dõi sát các bước chuẩn bị của Iraq cho cuộc tấn công thông qua hình ảnh do thám vệ tinh, Tùy viên Francona kể lại. Các hình ảnh trên cho thấy các khẩu đội pháo sử dụng chất hóa học được di chuyển tới những vị trí đối diện với quân Iran trước mỗi đợt tấn công.

Ông Francona, một người rất am hiểu Trung Đông và ngôn ngữ Arab, từng phục vụ trong Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và cơ quan tình báo quân sự Mỹ, cho biết lần đầu tiên biết việc Iraq sử dụng vũ khí hóa học chống lại Iran là năm 1984 khi ông này đang là Tùy viên không quân tại Amman, Jordan. Thông tin mà ông đã nhìn thấy chứng tỏ rằng Iraq đã sử dụng chất thần kinh Tabun (hay còn gọi là GA) nhắm vào lực lượng Iran tại miền Nam Iraq.

Chiến tranh Iran- Iraq kéo dài từ tháng 9/1980 đến tháng 8/1988, bắt đầu khi Iraq xua quân xâm lược Iran vào ngày 22/9 sau một giai đoạn dài tranh chấp biên giới. Mặc dù Iraq tấn công mà không có lời cảnh cáo chính thức, họ đã không thể giành thắng lợi và sớm bị quân đội Iran đẩy lùi.

Cuộc chiến đã làm thay đổi tình hình chính trị ở khu vực và thậm chí là toàn cầu. LHQ đưa ra tuyên bố (không chỉ đích danh Iraq) rằng: "Các loại vũ khí hóa học đã được sử dụng trong chiến tranh" và "Cộng đồng quốc tế vẫn còn im lặng trước việc Iraq dùng vũ khí giết người hàng loạt để giết người Iran và người Kurd ở Iraq". Người ta tin rằng Mỹ đã ngăn không cho LHQ lên án Iraq vào thời điểm đó.



Thái Nguyễn


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN