Chiến dịch trừ khử thủ lĩnh Hezbollah của CIA và Mossad-Kỳ cuối

Chiến dịch tại Damascus năm 2008 là minh chứng cho lý thuyết về quyền phòng vệ mà các cơ quan tình báo Mỹ áp dụng kể từ sau vụ 11/9. Trước đó, chính quyền Mỹ thường có cái nhìn bi quan về các chiến dịch ám sát do Israel tiến hành. Nước này còn chỉ trích nỗ lực bất thành của Israel hồi năm 1997 trong việc bỏ tù lãnh đạo Hamas, Khaled Meshal, ở Amman, Jordan. Vụ việc kết thúc với việc các điệp viên của Mossad bị bắt giữ và chính quyền Tổng thống Clinton buộc Israel phải cung cấp thuốc giải độc để cứu sống Meshal.

Một căn cứ của Lính thủy đánh bộ Mỹ gần sân bay Beirut tan hoang sau vụ đánh bom hồi tháng 10/1983.


Vụ ám sát Mughniyah, hơn một thập kỷ sau đó, cho thấy sự lưỡng lự của Mỹ đã giảm khi CIA đã mạnh dạn triển khai những công cụ giết người của mình ra tận những khu vực nằm ngoài vùng chiến sự tại Pakistan, Yemen và Somalia. Tại đây, CIA và quân đội Mỹ đã tích cực sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt các phần tử Al-Qaeda và đồng minh của chúng.

Theo lời một cựu quan chức Mỹ, chính quyền Bush đã dựa trên chính lập luận về quyền tự phòng vệ quốc gia như trên để thủ tiêu Mughniyah và tuyên bố rằng tên này là một mục tiêu hợp pháp vì đã chủ động lên kế hoạch chống lại Mỹ và lực lượng Mỹ ở Iraq, và rằng Mughniyah thành một mối đe dọa tiềm tàng, là đối tượng mà Mỹ đã không thể bắt giữ được. Lý lẽ đó cũng giúp CIA tránh việc vi phạm các điều luật về hoạt động ám sát được chính quyền Mỹ đưa ra hồi năm 1981.

Chính quyền Bush xem Hezbollah, đặc biệt là Mughniyah, là một mối đe dọa đối với Mỹ. Năm 2008, vài tháng sau khi Mughniyah chết, Bộ trưởng An ninh Nội địa Michael Chertoff từng tuyên bố Hezbollah là mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Không rõ lần đầu tiên CIA biết được Mughniyah sống tại Damascus là từ bao giờ nhưng theo một cựu quan chức CIA, chính người Israel đã tiếp cận CIA để đưa ra đề xuất tiến hành một chiến dịch chung nhằm thủ tiêu viên thủ lĩnh của Hezbollah này tại Syria. Lý do đó là CIA điều hành các cơ sở ngầm ở Damascus và duy trì hoạt động tốt hơn so với Mossad. Chiến dịch nhằm tiêu diệt Mughniyah được đưa ra vào thời điểm khi CIA và Mossad đang hợp tác rất chặt chẽ để ngăn cản tham vọng hạt nhân của Syria và Iran. CIA đã giúp Mossad xác minh thông tin rằng Syria đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, sau đó Israel đã tiến hành một vụ không kích phá hủy cơ sở này vào năm 2007.

Sau khi Mughniyah được xác định là đang ở Damascus, tình báo Mỹ và Israel bắt đầu xây dựng một hồ sơ ghi lại thói quen sinh hoạt của tên này để lựa chọn thời điểm và vị trí tấn công phù hợp nhất. Phía Mossad đề nghị nên ra tay khi Mughniyah đi bộ vào buổi tối khi không có tay chân hộ tống. Còn các đặc vụ của CIA, với kinh nghiệm tạo vỏ bọc tốt, đảm bảo cung cấp một ngôi nhà an toàn ở khu vực gần nơi Mughniyah ở.

Việc lên kế hoạch cho chiến dịch diễn ra hết sức tỉ mỉ. Israel đề xuất nên đặt quả bom vào một túi treo đằng sau yên xe đạp hoặc xe máy, nhưng sau đó bị bác bỏ vì lo ngại rằng chất nổ có thể không phát ra theo hướng mong muốn. Trước đó, quả bom đã được CIA thử nghiệm nhiều lần và được thiết kế để hạn chế tầm sát thương vì vị trí nơi Mughniyah bị giết ở gần một trường nữ sinh.

Một sĩ quan CIA tiết lộ quả bom trên đã được thử nghiệm tại Harvey Point, một cơ sở của CIA ở Bắc Carolina, nơi sau này CIA đã xây dựng một bản sao nơi ở của Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan để tập luyện cho chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố. Việc này để đảm bảo quả bom không gây ra thương vong cho dân thường. Họ ước tính quả bom sử dụng để trừ khử Mughniyah có tầm sát thương khoảng 6m và thực tế đã không có người dân nào bị thương sau vụ nổ.

Về phía mình, tình báo Israel có trách nhiệm sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác nhận đúng nhân thân của Mughniyah sau khi tên này bước ra khỏi nhà hàng gần nơi ở trước khi ra quyết định kích nổ quả bom.    

Sau vụ tấn công, thủ lĩnh Hezbollah, Nasrallah, cáo buộc Israel đứng đằng sau vụ việc và thề rằng sẽ gây chiến với Nhà nước Do Thái ở mọi nơi và mọi thời điểm. Tuy nhiên, trong một thông cáo đưa ra năm 2008 sau cái chết của Mughniyah, văn phòng Thủ tướng Israel Ehud Olmert khẳng định: “Israel bác bỏ cáo buộc của các nhóm khủng bố về sự liên quan tới vụ việc. Chúng tôi không có bình luận gì”. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi không có Mughniyah. Đây là một tên giết người máu lạnh, một kẻ giết người hàng loạt và tên khủng bố chịu trách nhiệm về cái chết của rất nhiều người vô tội”. Còn theo lời một sĩ quan tình báo Mỹ nói: “Chúng tôi làm việc phải làm”.

Imad Mughniyah được xem là một trong những tên khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Tên này bị cáo buộc lên kế hoạch cho nhiều vụ tấn công khủng bố nhằm vào Israel và Mỹ trên danh nghĩa của Hezbollah. Mughniyah nằm trong danh sách những tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất của FBI với khoản tiền thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ và kết tội tên này. Cho tới khi bị trừ khử năm 2008, Mughniyah được xem là kẻ đã giết hại hàng trăm người Mỹ. Năm 1983: Đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Beirut, giết hại 63 người, trong đó có 8 nhân viên CIA. Năm 1983: Đánh bom doanh trại Lính thủy đánh bộ Mỹ. Năm 1984: Tra tấn và giết hại Trưởng bộ phận CIA tại LibanWilliam F. Buckley. Năm 1985: Không tặc chuyến bay số hiệu TWA 847 ngay sau khi máy bay cất cánh từ Athens, Hy Lạp và giết hại thợ lặn của Hải quân Mỹ Robert Stethem, là một hành khách trên chuyến bay. Năm 1988: Bắt cóc và giết hại Đại tá William Higgins. Năm 1992: Đánh bom liều chết vào Đại sứ quán Israel tại Argentina làm 4 thường dân Israel và 25 người Argentina thiệt mạng. Năm 1996: Tấn công một trung tâm cộng đồng Do Thái tại Argentina khiến 85 người chết. Năm 1996: Lên kế hoạch đánh bom tháp Khobar, Saudi Arabia, khiến 19 quân nhân Mỹ thiệt mạng.



Thái Nguyễn
Chiến dịch trừ khử thủ lĩnh Hezbollah của CIA và Mossad-Kỳ 1
Chiến dịch trừ khử thủ lĩnh Hezbollah của CIA và Mossad-Kỳ 1

CIA và Mossad từng thảo một âm mưu tinh vi nhằm trừ khử chỉ huy Imad Mughniyeh của Phong trào Hồi giáo Hezbollah trong vụ đánh bom xe hồi năm 2008 tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN