40 năm ngày Giải phóng miền Nam-Phần 2: Những người góp phần làm nên lịch sử-Bài 15

Chiến dịch cuối cùng trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Ân

Dù đã bước sang tuổi 90, nhưng khi nhắc đến những trận đánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh 40 năm trước, Trung tướng Nguyễn Ân (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, thuộc quân đoàn 2) vẫn say sưa kể lại từng chi tiết, như chuyện mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.

Trung tướng Nguyễn Ân kể: “Sau giải phóng Đà Nẵng, Quân đoàn 2 nhận được lệnh của Quân ủy Trung ương tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đó tôi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Nhận lệnh cấp trên, anh em chúng tôi vô cùng phấn khởi, chuẩn bị đầy đủ xe pháo, đạn dược, lương thực sẵn sàng lên đường. Khi Sư đoàn tập kết ở đồn điền Ông Quế, chúng tôi được giao nhiệm vụ: Ngày 26/4/1975, Sư đoàn 304 phải đánh chiếm căn cứ Nước Trong, mở đường cho binh đoàn thọc sâu tiến vào giải phóng Sài Gòn”.

Trung tướng Nguyễn Ân, người mặc quân phục bên phải.


“Nhận lệnh cấp trên mà tôi lo quá. Nhận lệnh ngày 22/4, đến ngày 26/4 đã phải nổ súng. Thời gian quá gấp rút, trong khi anh em chúng tôi toàn người ngoài Bắc, không ai biết căn cứ Nước Trong ở đâu. May sao, lúc đó, lính ngụy thua trận ở Xuân Lộc, chạy về Vũng Tàu, qua chỗ đơn vị tôi đóng quân. Anh em trinh sát bắt được mấy tên tù binh, bắt chúng chỉ đường. Sau khi trinh sát kỹ tình hình, tôi cho quân ập vào đánh.

Nhờ có xe tăng yểm trợ, nên quân ta nhanh chóng chiếm được căn cứ Nước Trong. Chúng tôi tiếp tục hành quân theo đường 15. Lúc này, địch điều 2 chiến đoàn xe tăng và thiết giáp từ tổng kho Long Bình ra phản kích. Hai bên quần nhau từ ngày 27 đến trưa ngày 28/4, nhưng quân ta vẫn chưa chiếm được ngã ba đường 15. Lúc đó, anh Nguyễn Hữu An, khi đó là Tư lệnh Quân đoàn 2, xuống chỗ tôi, nói: “Ân ơi, ngày mai là ngày toàn bộ chiến dịch nổ súng, mà các cậu không mở được đường cho binh đoàn thọc sâu vào chiến đấu thì hỏng rồi!”.

Tôi nói với anh An: “Trong tay tôi còn 2 trung đoàn (trung đoàn 9 và trung đoàn 24, vì trung đoàn 66 lúc đó nhập vào binh đoàn thọc sâu), mà đã chiến đấu liên tục mấy ngày, sức đã giảm nhiều rồi. Đề nghị anh tăng cường cho tôi thêm 2 đại đội xe tăng, để chiều nay (28/4) tập trung chiếm bằng được ngã ba đường 15. Sau khi được tăng cường thêm hơn 20 chiếc xe tăng, chúng tôi tập trung đánh bật 2 chiến đoàn của địch. Đến chiều 28/4, chúng tôi đã chiếm được ngã ba đường 15, đưa binh đoàn thọc sâu tiếp tục tiến vào. Đến cầu Suông Buông, phía Nam tổng kho Long Bình thì bị tắc, vì quân địch đã phá cầu Sông Buông để chặn đường tiến quân của ta. Mặc dù khá mệt mỏi, nhưng Trung đoàn 9 và Trung đoàn 24 vẫn tiếp tục tự vượt sông, đánh vào tổng kho Long Bình, cho công binh sửa cầu để binh đoàn thọc sâu tiếp tục hành quân. Khi chúng tôi đi đến cầu Xa Lộ (Đồng Nai), Trung đoàn 15 đặc công đã đánh chiếm được cầu Xa Lộ, hỗ trợ chúng tôi nhanh chóng tiến vào Sài Gòn”.

Trên 300 chiếc xe tăng thiết giáp vượt cầu Xa Lộ vào đến Thủ Đức. Tại đây, đơn vị nhận được điện của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ Tổng chỉ huy gửi vào. Bức điện viết: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, xông thẳng tới Sài Gòn. Trong lúc này, ai còn do dự là có tội lỗi với nhân dân”.

Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc đoàn quân nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau khi bàn bạc, Trung đoàn 18 được cử ở lại Thủ Đức chiến đấu với quân địch, còn toàn bộ đội hình của binh đoàn thọc sâu và Sư đoàn 304 tiếp tục hành quân. Đến cầu Sài Gòn, gặp sự phản kháng của địch, nhưng quân địch lúc đó đã suy yếu, nên ta nhanh chóng đánh thắng. Khi xe tăng của ta vượt sang được bên kia cầu Sài Gòn, còn đang bỡ ngỡ không biết đường đến dinh Độc Lập đi thế nào, rất may lúc đó, một nữ biệt động Sài Gòn đã đến xung phong dẫn đường cho chúng tôi.

“Vào đến dinh Độc Lập, Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 đã áp giải Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh ra đài Phát thanh, đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, sau đó đưa trở lại dinh Độc Lập. Sau 7 giờ tối, chúng tôi bàn giao dinh Độc Lập cho Quân đoàn 4, tôi sang bên Bộ Nội vụ gần đó ăn bát mỳ, tắm gội, rồi nghỉ một lát. Không ngờ, do quá mệt mỏi nên vừa đặt mình xuống là ngủ ngay không biết trời đất là gì nữa. Cho đến khoảng 2-3 giờ sáng, tôi giật mình tỉnh dậy, vì nghe tiếng hô vang ngoài đường: "1/5 muôn năm, Miền Nam giải phóng rồi, không còn chiến tranh rồi, Sài Gòn bình yên rồi… Tôi xúc động và vui lắm. Lúc này, tôi nhớ đến vợ con, nhớ gia đình, nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống…”,  Trung tướng Nguyễn Ân kể lại.

Khi được hỏi, vào giải phóng Sài Gòn, điều gì khiến ông xúc động nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất? Trung tướng Nguyễn Ân chia sẻ, cho đến tận bây giờ, ông vẫn không quên được cảnh đường phố Sài Gòn hôm đó, nhân dân đứng chật 2 bên đường, chỉ chừa đủ lối cho xe đi, rất nhiều người mang cờ đỏ sao vàng ra đón đoàn. Người dân hô vang: “Hòa bình rồi, chiến tranh không xảy ra trong thành phố, hoan hô quân Giải phóng”.

“Hôm đó tôi ngồi xe jeep mui trần lấy được của địch từ tổng kho Long Bình. Người dân sờ vào tay tôi nói: Đù má, ngụy nói xạo, quân Giải phóng béo mập như vầy, đẹp trai như vầy, mà chúng bảo quân Giải phóng bám trên cành đu đủ không gẫy”, Trung tướng Nguyễn Ân vui vẻ nhớ lại.

Nói về chiến thắng lịch sử cách đây 40 năm, Trung tướng Nguyễn Ân khẳng định: “Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước là công lao của cả dân tộc. Nếu không có nhân dân ủng hộ, chúng tôi cũng không thể có được thắng lợi ấy. Và dù đã 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn luôn ghi nhớ những hình ảnh lịch sử ấy của những ngày tháng lịch sử hào hùng ấy”.


Phương Lan
(ghi)

Kỳ tới: Giọt nước mắt ngày độc lập


Tấm lòng bao la của những người mẹ
Tấm lòng bao la của những người mẹ

Mỗi khi nhắc đến những đứa con, người chồng đã hy sinh cho Tổ quốc, trái tim của những bà mẹ Việt Nam anh hùng lại nhói lên và nước mắt tuôn trào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN