Che Guevara - người anh hùng huyền thoại - Phần 3

Phần 3: Đôi bàn tay và cuốn nhật ký


Các hồ sơ mật được tiết lộ sau này cho thấy từ khi cuộc xâm lược vào bãi biển Giron (Cuba) thất bại, CIA đã có kế hoạch ám sát Che và các nhà lãnh đạo khác của Cuba trong kế hoạch mật được mệnh danh là "Dự án Cuba". Sau khi Che lặng lẽ rút khỏi hoạt động công khai năm 1965, các cơ quan tình báo Mỹ càng kiên quyết thực hiện mục tiêu này và đã ra sức lùng sục tung tích ông. Một lực lượng đặc biệt được thiết lập với sự tham gia của các nhân viên CIA người gốc Cuba với nhiệm vụ phải thủ tiêu Che nhằm dập tắt nguy cơ bùng phát ngọn lửa cách mạng ở ngay sân sau của Mỹ.


Che ở Bôlivia, giữa những cuộc hành quân.

Cùng với kế hoạch theo dõi Che, CIA cũng hơn một lần tung tin ông đã chết cùng những xuyên tạc về lí do ông không còn xuất hiện nữa. Chính vì thế, chỉ một ngày ngay sau khi Che bị bắt tại vùng rừng núi Bôlivia hôm 8/10/1967, Che đã bị sát hại một cách hèn hạ và kẻ thù đã cắt hai bàn tay ông. Một nhân viên CIA còn cắt một lọn tóc và lấy đi một số kỉ vật của ông (cuối năm 2007 y đã đem bán đấu giá với giá hơn 100 ngàn USD, trong khi lọn tóc của cố Tổng thống Mỹ Lincon trước đây chỉ đấu giá được 25.000 USD)...Vì sao chế độ độc tài Barientos quyết định cắt đôi bàn tay Che? Câu trả lời là vì chúng muốn chứng minh với thế giới rằng Che đã chết thực sự, rằng nguy cơ đối với chế độ của họ đã hết. Hai chuyên viên pháp y Áchentina đã được cử đến để đối chiếu vân tay của Che, mặc dù vân tay Che lúc này rất khó nhận dạng bởi những vết chai sạn sau những tháng năm hoạt động trên vùng rừng núi chiến khu. Có tin Barrientos còn định ra lệnh cắt đầu Che để gửi sang Cuba nhằm chứng minh Che đã chết. Tuy nhiên, đây chỉ là một giai thoại, giống như tin nói rằng Cuba đã biết được Che bị bắt ngay sau khi sự việc xảy ra, và đã có một kế hoạch táo bạo nhằm giải cứu người anh hùng, song không được thực hiện vì có sự ngăn cản. Những người đưa ra giả thuyết này không phải không có lí, bởi lẽ Cuba có một cơ quan tình báo cực kì hiệu quả, và vì đối với Cuba, Che là một lãnh tụ thân thiết, mà nếu nhận được lệnh, chắc chắn sẽ có rất nhiều người tình nguyện tham gia sứ mạng giải cứu Che, bất chấp mọi gian lao và nguy hiểm.

Che và Fidel sau khi cách mạng thành công.

Tuy nhiên, đó là những tin không chính thức. Chỉ có một sự thật được xác nhận là sau khi Che hy sinh, chế độ Bôlivia tung tin xác ông đã bị hoả thiêu và tro cốt ông được rải trong rừng. Một số người cho rằng đã có lệnh đốt xác Che, song việc này đã không được thực hiện vì luật pháp nước này không cho phép hoả táng. Và có một sự thật nữa, đó là CIA và chế độ Bôlivia đã thu được cuốn nhật kí của Che và khuôn thạch cao gương mặt Che, trong khi xác ông cùng một số đồng đội khác đã được chôn bí mật gần đầu đường băng sân bay ở Vallegrande, và bị phủ trong sự im lặng trong suốt ba mươi năm. Tuy nhiên, từ sau giờ phút di hài của Chê bị chôn vùi, đã bắt đầu cuộc hành trình ly kì của đôi bàn tay Che và cuốn nhật kí. Ai cũng biết, với Cuba, những kỷ vật ấy có ý nghĩa như thế nào cả về tinh thần và tình cảm. Và còn một điều quan trọng nữa là với việc có được nguyên bản cuốn nhật kí, người ta sẽ tránh được sự xuyên tạc mà kẻ thù của Che rất muốn thực hiện nhằm phá tan huyền thoại về ông. Cuốn nhật kí đã đến được Cuba dưới dạng phim chụp và các chuyên gia phải mất rất nhiều thời gian để đọc, do nét chữ đặc biệt của Che- nguyên là một bác sĩ. Ngày 27/7/1968, khi Cuba công bố về sự hiện diện của cuốn nhật kí này, phía đối phương vẫn bác bỏ. Và họ chỉ thừa nhận khi Cuba công bố toàn bộ nội dung, kèm ảnh những bút tích của Che.


Hình ảnh Che sau khi hy sinh


Câu chuyện về cuốn Nhật kí giờ đây không còn ai tranh cãi nữa. Câu chuyện về khuôn mặt Che bằng thạch cao cũng không được nhắc đến nhiều. Điều tranh cãi nhiều nhất là đôi tay Che. Và có lẽ không ai ngờ rằng người thực hiện việc đánh cắp cuốn nhật kí và đôi bàn tay Che cùng với khuôn thạch cao gương mặt của Che để gửi sang Cuba, tổ quốc thứ hai của ông lại chính là Antonio Arguedas, Bộ trưởng Nội vụ Bôlivia, một người được CIA đào tạo- người mà theo hiến pháp là nhân vật cao cấp thứ hai ở Bôlivia sau Tổng thống. Việc Cuba công bố có được cuốn nhật kí đã trở thành bê bối lớn trên chính trường Bolivia, đến nỗi Tổng thống Barrientos phải công bố tình trạng đặc biệt, giải tán Quốc hội, giải tán Chính phủ và thiết lập một chính phủ gồm toàn bộ các quân nhân. Sau sự kiện này, Arguedas phải sang cư trú chính trị tại Chilê. Ông này sau đó đã sang Mexico rồi sang sinh sống tại Cuba phần lớn những năm 70, trước khi về sống ở Bôlivia. Ông bị chết trong một vụ nổ bom bí ẩn tháng 2/2000 với lời giải thích ông này "tham gia các hoạt động khủng bố". Bản thân Tổng thống Barrientos cũng bị chết trong một tai nạn máy bay bí ẩn năm 1969.


Đối với đôi tay của Che, một số nguồn tin cho biết chúng đã được Arguedas chuyển cho người thân tín và được giấu trong vali ngoại giao để chuyển sang Mátxcơva và từ đó sang Cuba vào ngày 6/1/1970, và được lưu giữ tại một nơi trang trọng. Mặc dù vậy, vẫn có không ít người vẫn cố tình cho rằng đôi tay Che vẫn ở đâu đó, và nhà làm phim Hà Lan Peter De Kock đã làm cả một tác phẩm về đề tài "Đôi bàn tay Che". Có người cho là đôi tay đã được chôn cùng với Che. Có kẻ bảo chúng được đưa sang Mỹ. Thực hư thế nào? Sẽ đến một ngày nào đó, có ai đó sẽ phải kể đến cùng, với sự chuẩn xác chính thức về điều này. Và bí mật này chỉ người Mỹ và người Cuba nắm rõ nhất. Và trong khi chờ đợi sự thật lên tiếng, người ta có thể còn nhớ lại câu thơ của cố thi sĩ cách mạng Chilê Pablo Neruda, "Chúng chặt bàn tay anh, nhưng anh vẫn đánh chúng bằng đôi bàn tay ấy".


Bùi Ngọc Hải (Tổng hợp)


Phần 4: Trở về 

Che Guevara - người anh hùng huyền thoại - Kỳ 2
Che Guevara - người anh hùng huyền thoại - Kỳ 2

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Che để lại rất nhiều tấm ảnh, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tác phẩm "Người du kích anh hùng" (Guerrillero heroico) do nhà nhiếp ảnh Cuba Alberto Korda ghi lại đầu tháng 3 năm 1960...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN