Chân dung “dũng sĩ diệt khổng lồ” trên đường chín đoạn - P1

Trưởng nhóm luật sư của đoàn Philippines trong vụ kiện Trung Quốc liên quan vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, không ai khác chính là “dũng sĩ diệt khổng lồ” Paul Reichler, người từng đại diện cho Nicaragua đánh bại nước Mỹ trong một vụ kiện hồi giữa thập niên 1980.

Trưởng trạng sư của Philippines ông Paul Reichler.


Tháng 6/1986, vị luật sư trẻ mới bước vào tuổi 38 Paul Reichler đã "đánh bại" nước Mỹ trong một vụ kiện có tính chất quyết định, chứng minh ngay cả các nước lớn cũng không được phép vi phạm luật quốc tế. Chiến thắng đó được luật sư Paul Reichler mang về cho Nicaragua, một nước nghèo ở Mỹ Latinh khi quốc gia này theo đuổi vụ kiện chính quyền Mỹ cấp quỹ cho các phần tử nổi loạn chống chính phủ cánh tả sở tại.

Gần 3 thập kỷ sau chiến thắng vang dội đó, một lần nữa, “dũng sĩ diệt khổng lồ” lại đứng lên bảo vệ một quốc gia nhỏ khác trong cuộc chiến chống một siêu cường đang lên và trên thực tế là đối tác thương mại lớn thứ ba của quốc gia này. Từ ngày 7-13/7 vừa qua, ông dẫn đầu đội quân hùng hậu của Philippines trước Tòa Trọng Tài Thường trực (PCA) ở La Haye (The Hague - Hà Lan) trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Hồi tháng 2/2014, khi trả lời vấn đề này, ông Reichler từng nói: “Tôi sẽ chỉ nói đơn giản rằng, toàn bộ đội ngũ tham gia vụ kiện tin rằng Philippines có một vụ kiện mạnh, cả về thẩm quyền và về lợi thế”.

Con đường “dũng sĩ”

Paul Reichler, công dân Mỹ, hiện là một đối tác tại công ty luật FoleyHoag (Mỹ) có lịch sử 70 năm hoạt động, và là đồng chủ tịch của ngành trọng tài và tranh chấp quốc tế. Ông còn được biết đến với vai trò là người “đại diện cho các nước nhỏ chống nước lớn”.

Tên tuổi của Reichler nổi lên vào năm 1984, chỉ 11 năm sau khi ông hoàn thành tấm bằng tiến sĩ luật với học lực khá tại trường Đại học Luật Harvard danh giá (1973). Vào thời điểm đó, trước Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), ông đại diện cho chính phủ Nicaragua trong một vụ kiện mang tính lịch sử, chống lại nước Mỹ.

Trong vụ kiện này, Nicaragua cáo buộc chính phủ Mỹ cấp vốn cho lực lượng phản cách mạng để lật đổ chính quyền Sandinista, đồng thời cho rằng Mỹ đã đặt mìn ở các cảng và vùng nước thuộc quốc gia này.

ICJ đã đứng về phía Nicaragua bởi ngoài những điểm khác, Mỹ đã vi phạm “nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực”, một trong 7 nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Theo đó, tòa ra phán quyết yêu cầu Mỹ bồi thường cho Nicaragua 370,2 triệu USD. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối thực hiện phán quyết của tòa.

Phó Thẩm phán Cấp cao Antonio Carpio của Tòa Tối cao Philippines, một thành viên của đoàn Philippines tham gia vụ kiện Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn cho biết, trước việc Mỹ từ chối thực thi phán quyết của ICJ, Nicaragua đã đệ đơn lên Liên hợp quốc yêu cầu Mỹ phải tuân thủ phán quyết, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Kết quả là, diễn biến của vụ việc đi đến một giai đoạn “khiến nước Mỹ trả giá rất đắt trên phương diện danh tiếng”.

“Mỹ tuyên bố là quốc gia tiêu biểu, là quốc gia số một bênh vực nhà nước pháp quyền, thế nhưng nước Mỹ lại ngang nhiên vi phạm luật quốc tế. Thế giới [vào thời điểm đó] nói với Mỹ rằng, ‘Nước Mỹ vi phạm luật quốc tế’”. Trước áp lực quốc tế, Mỹ đã đi đến quyết định “trao cho Nicaragua 500 triệu USD trong gói hỗ trợ kinh tế”. Về phía Nicaragua, Tổng thống yêu cầu quốc hội nước này “hủy bỏ luật yêu cầu Mỹ bồi thường thiệt hại”. “Cuối cùng đã có một sự đồng thuận, theo cách giữ thể diện cho nước Mỹ”, ông Carpio nói.

Và tác giả của tất cả những diễn biến trong vụ kiện Nicaragua – Mỹ, không ai khác chính là luật sư Paul Reichler. Vào những năm 1980, vai trò của ông Reichler trong vụ kiện Nicaragua – Mỹ xuất hiện với những lời tán dương trong các bài báo chân dung nhân vật.

Tháng 12/1984, tờ Bưu điện Washington đánh giá chính luật sư Paul Reichler là một trong những người đóng góp vào chiến thắng đầu tiên của Nicaragua bởi tòa ICJ đã đưa ra phán quyết có thẩm quyền với vụ kiện Nicaragua – Mỹ.

“Chiến thắng mở đầu của Nicaragua trước nước Mỹ tại Tòa Thế giới (ICJ) được dàn dựng bởi một vị luật sư ở Washington không tên tuổi, người đã bỏ việc tại hai công ty luật danh giá khi ông nhất quyết đại diện cho chính phủ Sandinista”, tờ Washington Post viết.

Tháng 2/1988, tờ Thời báo New York đưa tin, ngay từ những ngày đầu của chính phủ Sandinista, ông Reichler đã đảm nhận vai trò là “một trạng sư cho chính phủ Nicaragua”. Tháng 6/1988, tờ báo này tiếp tục đưa tin, trong vòng 9 năm kể từ khi [Mặt trận Giải phóng Dân tộc] Sandinista nắm quyền [ở Nicaragua], trong số nhiều luật sư Mỹ đến làm việc, chưa có ai “nhận được sự tin tưởng hoàn toàn như ông Reichler, vị luật sư tốt nghiệp Đại học Luật Harvard”.

Trong một cuộc phỏng vấn, luật sư Paul Reichler từng nói: “Có một chuyện tôi coi như là một vấn đề nguyên tắc: Vấn đề đó là cuộc chiến tranh Mỹ hỗ trợ tài chính và chỉ đạo chống Nicaragua thông qua lực lượng phản cách mạng… Đối với tôi, trên tất thảy, với vai trò là một công dân Mỹ, cuộc chiến này phải chấm dứt. Cuộc chiến tranh này bất hợp pháp, vô đạo đức và đi ngược lại những lợi ích cao nhất của đất nước tôi”.

“Tôi nghĩ rằng việc chính quyền Tổng thống Reagan trắng trợn vi phạm luật quốc tế như những gì đang làm ở Nicaragua không chỉ sai trái trong chính hành động này mà còn đi ngược lại những lợi ích cao nhất của nước Mỹ. Nó phí phạm uy quyền đạo đức của chúng ta trong vai trò một lãnh đạo thế giới, và với việc làm suy yếu hệ thống luật quốc tế, hành động này khuyến khích các quốc gia khác coi thường luật pháp mà không bị trừng phạt”, ông nói.

XEM TIẾP PHẦN 2 TẠI ĐÂY

Anh Minh (Theo Rappler)
Chân dung “dũng sĩ diệt khổng lồ” trên đường chín đoạn - P2
Chân dung “dũng sĩ diệt khổng lồ” trên đường chín đoạn - P2

Cùng với việc làm trưởng nhóm luật sư của đoàn Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, Paul Reichler được đánh giá đã tạo ra tô đậm phong cách “dũng sĩ diệt khổng lồ” trong công pháp quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN