Cha đẻ của máy bay tiêm kích YAK (kỳ 2)

A. Yakovlev (1906 – 1989) là nhà sáng chế máy bay huyền thoại của Liên Xô trước kia. Loại máy bay tiêm kích YAK nổi tiếng thế giới một thời, từng là biểu tượng cho sức mạnh của không quân Xôviết, đã được sản xuất tới 36.000 chiếc, chiếm 2/3 tổng số máy bay tiêm kích của Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc. Do những công trạng nổi bật, năm 1946, Yakovlev đã được phong quân hàm thượng tướng. Trong cuộc đời, ông đã vinh dự hai lần được phong danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, 1 Giải thưởng Lênin, 8 Huân chương Lênin, nhiều huân chương của nước ngoài và 1 Giải thưởng Vàng của Hiệp hội hàng không quốc tế...

Kì 2: Vị bộ trưởng trẻ nhất

Giữa những năm 30 thế kỷ trước, ngành công nghiệp hàng không của Liên Xô đã có những thành tựu rực rỡ. Cục Thiết kế do Tupolev lãnh đạo đã thiết kế được máy bay tầm xa nổi tiếng thế giới, lập kỷ lục chặng bay dài từ Mátxcơva đến nước Mỹ.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Yakovlev (20/3/2006), Bưu chính Nga phát hành 5 tem kỷ niệm và 1 tem có chân dung ông.


Tuy nhiên, nước Đức với ngành công nghiệp và kỹ thuật phát triển nhất thời đó nhanh chóng cho ra đời máy bay tiêm kích kiểu mới. Trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, con đại bàng đỏ của Liên Xô đã từng đọ sức với con diều hâu đen của Đức. Máy bay tiêm kích I -15 và I -16 được coi là niềm kiêu hãnh của Liên Xô, có tốc độ trung bình 360 km/giờ và 460 km/giờ, trang bị súng 12,7 mm. Máy bay tiêm kích Bf -109 của Đức có tốc độ cao nhất lên tới 570 km/giờ, trang bị pháo 20 mm. Tốc độ và hỏa lực của máy bay Đức đều vượt xa máy bay Liên Xô. Sau khi về nước, nhiều phi công Liên Xô đã đặt câu hỏi với các chuyên gia hàng không của nước này: “Tại sao máy bay của phát xít lại tốt hơn của chúng ta?”.

Thế yếu bất lợi trong cuộc chiến trên bầu trời tại Tây Ban Nha làm Xtalin rất khổ tâm. Ông quyết định đưa ra một loạt giải pháp, nhanh chóng nghiên cứu chế tạo máy bay tác chiến tiên tiến. Lúc đó, Cục Thiết kế Bolikarov trở nên già cỗi, không thể đảm nhiệm sứ mệnh vượt qua Đức. Xtalin nhận thấy rằng, đặt niềm hy vọng nghiên cứu chế tạo máy bay tiêm kích cho một cục thiết kế là việc quá nguy hiểm. Ông đã quyết định thay đổi tình trạng độc quyền của Cục Thiết kế này, để cho các tập thể thiết kế máy bay cạnh tranh bình đẳng. Ông chú ý đề bạt những nhà thiết kế máy bay trẻ tài giỏi, cho họ đảm nhiệm sứ mệnh chế tạo máy bay tốt hơn máy bay tiêm kích của Đức.

Năm 1939, Yakovlev thiết kế thành công một máy bay trinh sát có tốc độ 560 km/giờ, xấp xỉ tốc độ máy bay Bf-109 của Đức. Ngày 27/4, Yakovlev được mời đến Điện Cremli. Xtalin, Molotov và Vlosilov tiếp ông. Lúc đó, Xtalin cũng quyết định sản xuất hàng loạt loại máy bay này, được sử dụng làm máy bay ném bom chiến thuật ở mặt trận.

Máy bay tiêm kích Bf-109 của Đức từng là mục tiêu để người Liên Xô vượt qua.


Đây là lần đầu tiên Yakovlev được mời lên gặp Xtalin. Về nhà, ông rất xúc động mãi không ngủ được. Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, ông thấy mẹ đang khóc vì hạnh phúc. Thì ra, Đài Phát thanh Mátxcơva sáng sớm vừa công bố trước cả nước quyết định của Nhà nước: Tặng thưởng cho Yakovlev Huân chương Lênin, một chiếc xe ô tô con và 10 vạn rúp.

Ít lâu sau, Yakovlev lại được đón tiếp tại Cremli. Lần này, chỉ có một mình Xtalin tiếp. Ông hỏi han về tình hình phát triển của máy bay tiêm kích. Điều mà Xtalin quan tâm nhất là làm thế nào để vượt qua máy bay Bf -109 của Đức. Ông hy vọng Yakovlev có thể chế tạo được máy bay tiêm kích kiểu mới. Yakovlev nói với Xtalin: “Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thiết kế máy bay tiêm kích, nhưng đối với tôi, đây là một vinh hạnh lớn”.

Ngày hôm sau, Xtalin lại gọi Yakovlev đến, hỏi ông có thể nghiên cứu chế tạo được máy bay tiêm kích xong trước năm mới không. Yakovlev băn khoăn: “Trước đây tôi chưa từng thiết kế máy bay tiêm kích, thiếu kinh nghiệm về phương diện này, trong khi người Mỹ nghiên cứu ra được một loại máy bay tiêm kích ít nhất phải mất hai năm”. Xtalin ngắt lời “Chẳng lẽ đồng chí lại là người Mỹ hay sao? Hãy chứng tỏ tài năng của kỹ sư trẻ nước Nga!”.

Yakovlev đã làm việc hết sức mình. Cuối năm 1939, chiếc máy bay tiêm kích do ông thiết kế đã cơ bản hình thành, có tốc độ 570 km/giờ, trang bị pháo 20 mm, có thể sánh ngang máy bay Bf-109 của Đức. Theo thông lệ thời đó, máy bay mang tên viết tắt theo họ của nhà sáng chế, được gọi là “Yak-1”. Đó là loại máy bay tốt nhất của quân đội Liên Xô trước cuộc Chiến tranh vệ quốc.

Thành quả công tác của Yakovlev khiến Xtalin rất hài lòng. Tháng 1/1940, với sự đề xuất của chính Xtalin, Yakovlev được bổ nhiệm chức Phó Tổng giám đốc ngành Công nghiệp hàng không, phụ trách công tác nghiên cứu khoa học và chế thử máy bay. Khi ấy, Yakovlev mới 33 tuổi, trở thành lãnh đạo tương đương cấp bộ trưởng của Liên Xô.

Nguyễn Hữu Thụy (Tổng hợp)

Cha đẻ của máy bay tiêm kích YAK (kỳ cuối)
Cha đẻ của máy bay tiêm kích YAK (kỳ cuối)

Ngày 22/6/1941, nước Đức ngang nhiên xé bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, phát động cuộc tiến công quân sự toàn diện đối với Liên Xô. Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân Đức, Liên Xô buộc phải di chuyển nhà máy chế tạo máy bay sang phía đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN