Cái giá phải trả cho ước mơ 'chiến binh thánh chiến'-Kỳ cuối

SỰ TRỞ VỀ KHÔNG DỄ DÀNG

Một vấn đề nan giải hiện nay đối với các quốc gia Phương Tây và Trung Đông, nơi làn sóng “xuất khẩu” chiến binh đang nở rộ, là phải xác định liệu một chiến binh thánh chiến khi trở về nhà có truyền bá các lý tưởng và bạo lực mà IS đại diện hay không? Liệu họ có thực sự là một mối đe dọa an ninh hay đơn giản chỉ là những người đã chọn sai con đường để thực hành niềm tin tôn giáo?

Trong những tuần gần đây, riêng Pháp đã bắt giữ 154 người quay trở về từ chiến trường Trung Đông và giới chức an ninh Pháp cho biết đang phải giám sát khoảng 3.000 người khác có liên quan. Lực lượng an ninh Anh thì bắt giữ 165 người sau khi đã có khoảng 600 công dân nước này tới Syria tham chiến. Con số này của Đức là 30 trong số 180 chiến binh trở về được xếp hạng đặc biệt nguy hiểm, theo các báo cáo của chính phủ.

Imen Triki, luật sư đại diện cho những chiến binh người Tunisia đã trở về, cho biết đa số các trường hợp là họ trốn chạy IS. Lý do là họ thấy chán nản vì phát hiện thực tế quá khác so với vẻ ngoài hào nhoáng của những video chất lượng HD được tung lên mạng mô tả cuộc sống của các chiến binh thánh chiến. Triki nói: “Chúng tôi có thể nói rằng khoảng 65-70% trường hợp gia nhập IS mong muốn được quay trở về vì họ thấy tình hình khác xa so với những gì họ trông đợi”.

Cái giá phải trả cho ước mơ trở thành “chiến binh thánh chiến” là những năm tháng trốn chạy hoặc phải ngồi tù.


Tuy nhiên, thường không có cách để chứng minh điều này. Sau các cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 1 tại Paris và vùng phụ cận, chính phủ Pháp dường như sẽ có một cái nhìn khác về bất kỳ ai có liên hệ với mạng lưới Al-Qaeda hay IS. “Họ cần phải bị trừng phạt”, Bộ trưởng Tư pháp Christian Taubira tuyên bố, song “họ cũng có thể là những nhân chứng, những người có thể khuyên can người khác” ngừng ý định gia nhập IS.

Luật sư người Pháp Martin Pradel cho biết khách hàng của ông là một trong 10 người đàn ông từng rời thành phố Strasbourg đi Syria hồi cuối năm 2014 sau khi thấy các hình ảnh về nạn nhân được cho là đã bị vũ khí hóa học của chính quyền Damascus giết hại. Theo lời vị luật sư, anh này đã lên kế hoạch cầm vũ khí để chống lại Tổng thống Bashar al-Assad nhân danh những người dân thường Syria, những người mà anh ta cho rằng đã bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi.

Nhưng khi 10 người này tới Syria, họ lại đi vào vùng lãnh thổ do ISIL (tức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant, tên gọi khác của IS trước đây) kiểm soát và bị nghi ngờ là những tên gián điệp hoặc là kẻ thù. Sau khi bị giam trong vòng 2 tuần, họ bị chuyển đi và tiếp tục ngồi tù thêm 3 tuần nữa. Trong quãng thời gian này, 2 người trong số họ đã bỏ mạng trong một vụ phục kích.

Họ quyết định từ bỏ ý định “nhân đạo” ban đầu, lần lượt từng người một để không gây chú ý. Luật sư Pradel kể tiếp: “Họ rời đi trong đêm tối, chạy qua các cánh đồng, luồn lách qua đường biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, họ đầu hàng chính quyền Ankara. Do không có chứng minh thư, khách hàng của tôi được đưa tới đại sứ quán Pháp để xin giấy tờ quá cảnh tạm thời. Về Pháp, anh ta bị giám sát trong vòng 3 tháng và sau đó bị bắt giữ. Anh này hiện vẫn ngồi trong tù cùng với những người đi cùng”.

Chính phủ Pháp cáo buộc những người đàn ông Strasbourg này điều hành một mạng lưới tuyển mộ các phần tử cực đoan và đặc biệt nghi ngờ bất kỳ ai tuyên bố đã từ bỏ IS.

Bốn người Pháp sống tại Toulouse cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Luật sư Pierre Dunac của Imad Jjebali, một trong 4 nhân vật kể trên, cho biết những người này lao tới Syria với hy vọng giúp đỡ những người dân đang chịu thảm cảnh chiến tranh. Nhưng họ cũng bị IS bắt giữ khi đi qua lãnh thổ do chúng kiểm soát và bị giam giữ ở nơi nào đó gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vì không tuân theo mệnh lệnh của chúng.

Họ chờ đợi “Vương quốc Hồi giáo” xét xử số phận của mình. Rồi một ngày, Dunac nói, những kẻ cai ngục đưa trả họ giấy tờ và mở cửa ngục. Vô cùng ngạc nhiên và không hiểu vì sao, họ chạy vội để tìm đường thoát khỏi Syria. Giống như nhóm người ở Strasbourg, 4 người này đầu hàng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó được trục xuất về Pháp. Giới chức an ninh Pháp đã chờ sẵn và tất cả bị tống vào tù và đang phải đối mặt với các cáo buộc khủng bố.

Không như Pháp, thay vì bắt giữ, chính quyền Tunisia giám sát chặt chẽ 400 người dân từng tới chiến trường Syria và Iraq tham chiến. Ghaith nay là một người tự do nhưng không hề có cách sinh hoạt hay cư xử như một người tự do đúng nghĩa. Cổ của anh vẫn còn vết sẹo nơi các chiến binh đồng nghiệp đã kỷ niệm như một sự nhắc nhở về cuộc sống mà anh từng háo hức khi bước vào song sau đó biến thành lòng căm thù trước khi trốn chạy. “Đó không phải là một cuộc cách mạng hay Thánh chiến. Đó là một cuộc tàn sát”, Ghaith nói.


Thái Nguyễn

Cái giá phải trả cho ước mơ 'chiến binh thánh chiến'-Kỳ 2
Cái giá phải trả cho ước mơ 'chiến binh thánh chiến'-Kỳ 2

Trở lại với câu chuyện của Ghaith, anh này tới Syria tham gia thánh chiến hòng tìm kiếm cái mà anh tin rằng sẽ là “phần thưởng để đến thiên đàng sau khi chết”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN