Cái chết Đen: Nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhân loại - Kỳ 1

Bùng phát trong một khoảng thời gian ngắn, đại dịch Cái chết Đen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trong thế kỷ 14, tương đương với 60% toàn bộ dân số châu Âu, khiến nó trở thành một trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất đeo bám nhân loại dai dẳng.

LÂY THEO CẤP SỐ NHÂN

Cái chết Đen lây lan ở châu Âu trong những năm từ 1346 - 1353. Tuy nhiên, cái tên nghe rợn tóc gáy này chỉ xuất hiện vài thế kỷ sau đó. Cái chết Đen (atra mors) trên thực tế là một cụm từ cổ trong tiếng Hy Lạp và được sử dụng trong tiếng Latin cổ điển. Nó vốn được dùng trong thơ ca để biểu thị sự đen tối và sợ hãi liên quan đến cái chết chứ không chỉ riêng một loại bệnh nào.

Bức ảnh “Vũ điệu tử thần” khắc họa Cái chết Đen.

Lần đầu tiên cụm từ “atra mors” được sử dụng để ám chỉ dịch bệnh này là vào năm 1631 trong một cuốn sách về lịch sử Đan Mạch của J.I. Pontanus. Cái tên sau đó được sử dụng rộng rãi ở vùng Bắc Âu và tiếp đến là Đức, dần dần nó được gắn liền với đại dịch chết chóc này. Ở Anh, mãi đến năm 1823 thì đại dịch trung cổ mới lần đầu tiên được gọi là Cái chết Đen.

Biểu hiện của bệnh là hạch nổi khắp cơ thể. Khi những mạch máu trong các hạch bị vỡ, máu khô lại và biến thành những cục màu đen cản trở sự lưu thông máu. Hiện tượng chảy máu trong cũng xuất hiện ở các cơ quan nội tạng như gan, phổi và dẫn đến tử vong. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp và dịch đường hô hấp.

Các ghi chép lịch sử và cả thư từ thời kỳ đó đã khắc họa nỗi khiếp sợ do dịch bệnh này gây ra. Người ta không thể làm gì khác ngoài việc đem các thi thể đi chôn. Ở mỗi một nhà thờ, họ đào những hố sâu tới mặt nước ngầm. Những người nghèo bị chết trong đêm sẽ được bọc lại nhanh chóng và quăng xuống hố. Sáng hôm sau khi hàng loạt thi thể đã được chất đống bên trong hố, người ta phủ một lớp đất bên trên các thi thể sau đó lại đặt các thi thể khác lên rồi lại xúc đất đổ vào, cứ như thể đang làm một chiếc bánh kẹp lasagne với nhiều lớp patê và pho mát.

Những người chết được chôn tập thể xuống hố sâu.

Cái chết Đen là một loại bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra và lây lan thông qua các loài gặm nhấm sinh sống thành từng bầy với số lượng lớn. Một khu vực như vậy được gọi là “ổ dịch”. Dịch bệnh ở người xuất hiện khi những động vật gặm nhấm trong nơi ở của người, thường là chuột đen, bắt đầu nhiễm bệnh. Chuột đen rất thích sống gần người và đó chính là mối hiểm họa bởi các loài chuột nâu hay chuột xám lại hay tránh xa con người, sống trong ống cống hay nhà kho.

Thông thường, sẽ mất từ 10 - 14 ngày trước khi dịch bệnh giết chết gần như toàn bộ bầy chuột bị nhiễm bệnh, khiến vô số những con bọ chét không thể bám hết vào vật chủ mới vốn là những con chuột khác trong bầy (cũng sẽ sớm chết không lâu sau đó). Sau 3 ngày “rỗng bụng”, những con bọ chét khát máu này sẽ chuyển sang cắn người. Từ vết cắn, vi khuẩn lây nhiễm đến hạch bạch huyết, khiến nó sưng lên thành chứng sưng bạch hạch gây căng cứng và đau đớn, chủ yếu nổi lên ở bẹn, nách hoặc cổ.

Thời gian ủ bệnh từ lúc bị cắn là 3 - 5 ngày trước khi bệnh nhân bị ốm, và có tới 80% số ca nhiễm bệnh tử vong trong 3 - 5 ngày tiếp theo. Do đó, từ khi có chuột nhiễm bệnh xuất hiện trong một cộng đồng người thì trung bình sau khoảng 23 ngày sẽ có người đầu tiên trong cộng đồng đó tử vong.

Ví dụ, khi một người lạ có tên Andrew Hobson chết do bệnh dịch hạch khi đến Penrith (Anh) vào năm 1597, ca nhiễm bệnh tiếp theo xuất hiện 22 ngày sau đó, tương ứng với giai đoạn đầu tiên của quá trình bùng phát bệnh dịch. Và tất nhiên Hobson không phải là người duy nhất từ một thị trấn hay khu vực bị dịch hạch hoành hành đi đến nhiều cộng đồng khác nhau trong vùng mang theo những con bọ chét nhiễm bệnh trên quần áo và hành lý của mình. Sự lây lan kiểu này gọi là lây lan theo “cấp số nhân” hay “di căn”. Bởi vậy, bệnh dịch hạch sớm nổ ra ở những trung tâm đô thị hay vùng nông thôn khác, từ đó nó lại lan truyền đến những ngôi làng và thị trấn của những vùng xung quanh theo mức độ tương tự.

Để bùng phát, bệnh dịch hạch phải lan truyền đến các bầy chuột khác trong vùng và lây nhiễm cho người dân theo cách tương tự. Phải mất một khoảng thời gian tương đối thì người ta mới nhận ra một dịch bệnh khủng khiếp đang bùng phát trong khu vực của họ và được ghi chép lại trong sử sách. Khoảng thời gian đó không cố định, ở vùng nông thôn là khoảng 40 ngày; còn ở hầu hết các thị trấn với vài nghìn dân thì từ 6 - 7 tuần; ở các thành phố từ 10.000 dân trở lên thì khoảng 7 tuần và ở một số ít đô thị lớn với trên 100.000 dân thì mất đến 8 tuần.

Vi khuẩn dịch hạch có thể được mạch máu đưa từ hạch tới phổi và gây ra một thể dịch hạch khác lây nhiễm từ người sang người qua những giọt nước bọt khi ho. Tuy nhiên, trái ngược với quan niệm của nhiều người, dịch hạch thể phổi không dễ mắc phải, chỉ lây lan một cách tình cờ theo từng lúc, do đó chỉ chiếm một phần nhỏ số các ca nhiễm bệnh.

Như vậy rõ ràng là chấy rận ở người không góp phần gây ra sự lây lan của dịch bệnh, ít nhất là ở mức không đáng kể. Mạch máu của người không bị vi khuẩn dịch hạch từ các bạch hạch xâm chiếm, do đó bệnh nhân tử vong mà trong máu có rất ít vi khuẩn, không đủ để khiến các ký sinh trùng hút máu trên cơ thể người bị lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Một đơn vị máu của những con chuột nhiễm bệnh chứa lượng vi khuẩn cao gấp 500 - 1.000 lần so với một đơn vị máu tương ứng ở người nhiễm bệnh.

Huy Lê (Tổng hợp)
Cái chết Đen: Nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhân loại - Kỳ cuối
Cái chết Đen: Nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhân loại - Kỳ cuối

Napoleon không thể chinh phục nước Nga, Hitler cũng vậy nhưng Cái chết Đen thì ngược lại. Nó xâm nhập thành bang Novgorod từ cuối mùa thu năm 1351 rồi đến thị trấn Pskov ngay trước khi khí lạnh của mùa đông xuất hiện và kìm hãm dịch bệnh. Do đó dịch bệnh không bùng phát mạnh cho đến đầu mùa xuân năm 1352.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN