Bí mật đằng sau cái chết của Martin Luther King (kỳ 3)

Kỳ 3: Truy lùng kẻ thủ ác

Ngay sau khi Martin Luther King trúng đạn, ông đã được các cộng sự chạy tới sơ cứu trước khi đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng trong số những người có mặt đầu tiên để sơ cứu và gọi xe cấp cứu lại có cả một số nhân viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Theo những tài liệu được giải mật sau này thì sở dĩ một số nhân viên FBI có mặt lúc đó là bởi họ đang có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của King và chính họ đã chứng kiến toàn bộ vụ việc từ một tòa nhà đối diện (cũng chính là tòa nhà nơi tên sát thủ nhằm bắn nhà lãnh đạo da màu). Tuy nhiên điều gây thắc mắc cho dư luận là nhóm FBI này lại chỉ chạy sang để hỗ trợ cấp cứu cho King chứ không truy bắt ngay kẻ thủ ác giúp hắn có thời gian thoát thân.

M.L.King (giữa) và hai cộng sự đứng ở hành lang khách sạn Lorraine, một ngày trước khi ông bị ám sát.

Ngay sau đó, một cuộc điều tra quy mô lớn nhằm truy tìm thủ phạm sát hại King đã được tiến hành do đích thân Giám đốc cảnh sát thành phố Memphis, ông Frank Holloman, chỉ đạo. Cảnh sát đã thu được tại hiện trường vỏ đạn của loại súng trường “Remington” và vài giờ sau đó họ đã tìm thấy khẩu súng này (có cả ống ngắm) được vứt trong một thùng rác cách khách sạn Lorraine, nơi King bị sát hại, vài quãng phố. Kết quả khám nghiệm hiện trường khẳng định, thủ phạm đã bắn King từ cửa sổ phòng tắm ở cuối hành lang của tòa nhà cho thuê đối diện với khách sạn Lorraine.

Trong khi đó, các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy một người đàn ông da trắng, tóc vàng, khoảng 30 tuổi rời khỏi tòa nhà đó một cách vội vã với một bao da khá dài chỉ ít phút sau khi xảy ra vụ án mạng. Sau đó, tên này được xác định đã lên một chiếc xe ô tô con cùng với ba người đàn ông khác. Lời khai của chủ tòa nhà cho thuê cũng xác nhận người đàn ông trên đã tới thuê phòng từ chiều hôm trước nhưng khi cảnh sát kiểm tra tên tuổi của hắn thì đó là một cái tên giả. Tuy nhiên, với những lời khai của các nhân chứng, cảnh sát đã phác họa được chân dung của kẻ được cho là đã ra tay sát hại King và từ những nhận dạng này họ cũng tìm ra được những dữ liệu thân nhân để khẳng định kẻ tình nghi này là James Earl Ray, từng có tiền án về tội trộm cắp.

Lệnh truy nã James Earl Ray của FBI.

Mặc dù đã có đầy đủ hồ sơ, dữ liệu về kẻ tình nghi nhưng trong suốt hai tháng sau đó cảnh sát vẫn không thể tìm ra được tung tích của hắn. Lệnh truy nã Ray cũng đã được FBI gửi tới nhiều nước trên thế giới và bất ngờ vào cuối tháng 6/1968 FBI nhận được thông tin rằng tên này đã bị cảnh sát Anh bắt giữ tại sân bay Heathrow ở Luân Đôn khi hắn chuẩn bị rời đó bằng một hộ chiếu Canađa giả dưới cái tên Ramon George Sneyd. Thì ra trong suốt thời gian sau khi xảy ra vụ ám sát King cho tới khi bị bắt, Ray đã lang thang qua nhiều nước từ Canađa, Bồ Đào Nha cho tới Nam Phi để tìm cách lẩn trốn sự truy bắt của cơ quan chức năng. Và lần này hắn đang có ý định sang Rodesia, một nước thuộc địa của Anh ở phía nam châu Phi (nay là Dămbia). Ngay lập tức, một nhóm nhân viên FBI được cử tới Anh để làm thủ tục dẫn độ Ray về Mỹ xét xử với tội danh giết người.

Ray bị dẫn độ từ Anh về Mỹ.

Trong thời gian bị tạm giam tại một nhà tù ở bang Tennessee trước khi bị đưa ra xét xử, cùng với “lời khuyên” của luật sư rằng nếu nhận tội hắn sẽ không phải lĩnh mức án tử hình, Ray đã thừa nhận là thủ phạm của vụ ám sát King với lý do hắn “căm thù những người da đen”. Ray cũng quả quyết rằng hắn đã hành động một mình trong vụ án này. Vào ngày 10/3/1969, vụ án sát hại mục sư Martin Luther King đã được đưa ra xét xử. Trước những lời nhận tội của thủ phạm và những bằng chứng do cơ quan điều tra đưa ra, tòa đã kết án Ray 99 năm tù về tội giết người. Ngay sau khi nghe lời tuyên án của tòa, Ray đã đổ gục xuống sàn nhà. Dường như hắn cảm thấy phẫn uất và oan ức trước bản án. Ray đã gào lên rằng hắn đã bị luật sư và cơ quan điều tra lừa dối và rằng hắn không phải thủ phạm chính của vụ giết hại King. Những lời kêu gào tuyệt vọng của kẻ vừa bị kết án lúc đó có vẻ như không được ai để tâm, trừ một người…

Minh Hương (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 4: Nghi vấn từ lời phản cung

Bí mật đằng sau cái chết của Martin Luther King (kỳ cuối)
Bí mật đằng sau cái chết của Martin Luther King (kỳ cuối)

Trong suốt nhiều năm sau vụ ám sát nhà lãnh đạo phong trào dân quyền da màu Martin Luther King làm chấn động dư luận nước Mỹ, Loyd Jowers vẫn giữ thái độ im lặng và không bao giờ thừa nhận vai trò của mình trong vụ án này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN