7 vũ khí quái dị nhưng 'chết yểu'

Sức mạnh, lý do chủ yếu cho các cuộc cách mạng vũ khí ngày nay, và ham muốn có sức mạnh đã khiến cho nhiều quốc gia và chính phủ bỏ ra một lượng lớn tiền của để sở hữu những loại vũ khí tốt hơn các nước khác. Thậm chí họ còn đầu tư vào những ý tưởng điên rồ nhất, thường dẫn tới việc cho ra đời những loại vũ khí “ngớ ngẩn” hay "quái dị", nhưng không bao giờ được phát triển đến cùng.

Bom hạt nhân Lunar

Vào những năm 1950, Mỹ đã từng quyết định sẽ phá hủy Mặt trăng bằng bom nguyên tử để “củng cố nhuệ khí” và phô trương sức mạnh của nước này sau khi bị Liên Xô “vượt mặt” trong cuộc chạy đua không gian với việc Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ Sputnik. Dự án này của Mỹ được gọi là 119-A. Theo kế hoạch, một tên lửa mang theo thiết bị hạt nhân nhỏ sẽ được phóng từ một nơi bí mật trên Trái đất lên Mặt trăng trước khi thiết bị hạt nhân được kích hoạt phát nổ.

Mỹ từng ý định sử dụng bom hạt nhân phá hủy Mặt trăng để củng cố tinh thần.


Mỹ quyết định sử dụng bom hạt nhân thay vì bom hydro vì bom bằng hydro quá nặng so với tên lửa. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không bao giờ được thực hiện bởi vì Mỹ nhận ra rằng đưa được người lên Mặt trăng là tốt hơn rất nhiều so với việc tìm cách hủy diệt nó. Hơn nữa, các quan chức quân sự Mỹ còn lo sợ rằng cư dân Trái đất có thể bị nguy hiểm trong trường hợp tên lửa bị rơi, trong khi các nhà khoa học lo ngại Mặt trăng sẽ bị ô nhiễm bởi phóng xạ hạt nhân.

Tàu sân bay băng

Tàu sân bay băng.


Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Anh đã phát triển Dự án Habakkuk nhằm xây dựng một tàu sân bay bằng chất liệu có tên pykrete (hỗn hợp giữa nước và mùn cưa). Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, nhóm thiết kế quyết định tàu sân bay này sẽ dài 600m với thân tàu dày 12m, được trang bị hệ thống làm mát đặc biệt và có thể mang được 150 máy bay. Chất pykrete được tạo ra từ 14% mùn cưa và 86% nước, nhờ thế mà việc sửa chữa Habakkuk được kỳ vọng là sẽ dễ dàng hơn nhiều so với các tàu bằng kim loại thông thường. Ý tưởng này đã thất bại vì họ nhận ra rằng việc chế tạo con tàu này tốn quá nhiều thời gian và nguồn lực.

Dorito bay

A-12 Avenger II.


Dorito bay, còn được gọi là A-12 Avenger II, là một máy bay ném bom tàng hình hoạt động trong mọi thời tiết trên tàu sân bay thay thế cho máy bay Grumman A-6 Intruder của Hải quân Mỹ. Máy bay này được thiết kế 2 chỗ ngồi, tốc độ tối đa là 930km/giờ, tầm bay 1480km ở độ cao khoảng 12km, tải trọng 2,3 tấn (bao gồm cả vũ khí), được trang bị 2 tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, 2 tên lửa không đối đất AGM-88 HARM và một số quả bom định hướng chính xác hoặc không định hướng. Tuy nhiên, vì chi phí vượt quá con số dự toán, nên dự án chế tạo máy bay này đã bị hủy năm 1991 sau khi tốn hơn 5 tỷ USD.

“Bàn tay Tử thần” của Liên Xô

Trong các cuộc phỏng vấn với nhà thầu quốc phòng Mỹ BDM, các cựu quan chức quân sự cấp cao của Liên Xô đã thừa nhận rằng có sự tồn tại của một loại vũ khí có thể phá hủy toàn bộ Trái đất, hay còn gọi là “Dead Hand” (bàn tay tử thần) vào đầu những năm 1990. Mặc dù có những bình luận trái chiều về việc triển khai “Dead Hand” nhưng tất cả chúng ta đều biết, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã chế tạo ra một thiết bị kiểm soát kho vũ khí hạt nhân thực sự có khả năng kích hoạt tự động các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đảm bảo khả năng tấn công đáp trả thậm chí khi tất cả các hệ thống chỉ huy và kiểm soát bị phá hủy. Thiết bị này sử dụng các cảm biến địa chấn, ánh sáng, phóng xạ để phát hiện ra một vụ tấn công hạt nhân đang diễn ra và đáp trả nếu cần thiết.

Máy bay có thể cất cánh trên tất cả các tàu chiến

Salmon XFV.


Chính phủ Mỹ từng muốn có những chiếc máy bay có khả năng cất cánh từ tất cả các tàu chiến thay vì cứ phải từ tàu sân bay. Do đó, máy bay Salmon XFV được tạo ra với thiết bị hạ cánh bằng đuôi. Nhưng vì các phi công lái máy bay này không thể hạ cánh trên tàu chiến và nó chậm hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu khác hiện nay, cũng như quá phức tạp để bay, nên ý tưởng này đã bị thất bại.

“Kẻ xâm nhập từ tương lai”

B-70 Valkyrie.


Mỹ từng có tham vọng chế tạo một chiếc máy bay ném bom, được gọi là B-70 Valkyrie, mang theo được cả bom hạt nhân, có thể bay ở độ cao 24km với tốc độ gấp 3 lần tốc tốc âm thanh. Nhưng vì các tên lửa đất đối không tầm cao liên tục được cải thiện, máy bay ném bom tầm thấp cũng có nhiều sự thay đổi cùng với chi phí phát triển cao và sự ra đời của các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đã khiến chương trình B-70 Valkyrie bị dừng lại năm 1961. Cuối cùng, có 2 chiếc máy bay B-70 được sử dụng, nhưng một chiếc đã bị tan xác sau một vụ va chạm trên không vào năm 1966.

“Sấm rền” XF-84H

XF-84H.


XF-84H là mẫu máy bay thử nghiệm của Mỹ nhằm cất cánh trên tàu sân bay mà không cần máy phóng. Chiếc máy bay sử dụng động cơ tua bin phản lực kết hợp với động cơ tua bin cánh quạt đặt ở đầu mũi nhằm tăng lực đẩy cho máy bay khi cất cánh trên tàu sân bay. Tuy nhiên, điều này đã khiến máy bay tạo ra tiếng ồn rất lớn từ các động cơ (cách xa 40km vẫn có thể nghe thấy tiếng ồn). Tiếng ồn của loại máy bay này gây ra sự buồn nôn và làm thủng màng nhĩ của các nhân viên hàng không phục vụ dưới mặt đất. Những vấn đề trên đã khiến chương trình phát triển XF-84H bị hủy bỏ.


Công Thuận

5 vũ khí hiện đại hàng đầu của quân đội Nga
5 vũ khí hiện đại hàng đầu của quân đội Nga

Nga là một trong số những quốc gia có tiềm lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới hiện nay, với nhiều trang thiết bị quốc phòng hiện đại. Dưới đây là 5 sản phẩm quốc phòng hấp dẫn và mới nhất của quân đội nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN