5 vũ khí tốt nhất của Nga

Theo tạp chí National Interest, Mỹ cung cấp vũ khí cho hầu hết khách hàng trên toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ không bán vũ khí cho  một số quốc gia do các quan ngại về chính trị và chiến lược. Với các nước này, Nga chính là sự thay thế tin cậy các sản phẩm của Mỹ. Mua vũ khí Nga là lựa chọn rẻ hơn đối với các cường quốc đang phát triển hay các nước nhỏ bị buộc phải xây dựng ngành công nghiệp vũ khí của mình.


Hơn nữa, nhiều khách hàng mua vũ khí Nga không cần tới vũ khí có khả năng loại bỏ các hệ thống tiên tiến của Mỹ. Các quốc gia như Ukraine và Gruzia cùng một loạt các nhân tố phi chính phủ trên khắp châu Á và Trung Đông đã làm già cỗi hoặc khiến cho kho vũ khí của họ bị cạn kiệt. Đối thủ của họ chỉ cần sở hữu vũ khí tốt hơn, chứ không phải tốt nhất.


Bên cạnh Trung Quốc, các cường quốc đang nổi lên khác như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, và Iran đang hướng tới mua vũ khí Nga. Ngay cả các quốc gia thân phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, và Hàn Quốc từng xem xét mua vũ khí Nga. National Interest đã nêu tên 5 loại vũ khí tốt nhất Nga có thể bán trên toàn thế giới.

 

Chiến đấu cơ Sukhoi Su-27


Dù bản hiện đại hóa của Su-27 là Su-35, vượt trội hơn chiếc Flanker nguyên bản trên nhiều lĩnh vực, mẫu máy bay cổ từ thời Chiến tranh Lạnh này vẫn là cỗ máy tin cậy tại Nga và nhiều nước khác.


Được trang bị cho Không quân Xô Viết năm 1985, chiến đấu cơ tên gọi Flanker này có thể đạt tốc độ hơn 2.500 km/h, trội hơn F/A-18 và F-16. Nga, Belarus, Ukraine, Kazakhstan, và Uzbekistan được thừa hưởng phi đội Su-27 thời Liên Xô. Ấn Độ và Trung Quốc đều sở hữu quyền chế tạo Su-27, trong khi Indonesia và Việt Nam cũng sử dụng Flanker.


Su-27 nổi trội nhờ tính linh hoạt. Ngoài thế hệ 4++ Su-35, Su-27 có thể đáp ứng một loạt vai trò đặc biệt. Biến thể dùng cho Hải quân Su-33 có thể hạ cánh trên tàu sân bay trong khi Su-34 thực hiện nhiệm vụ ném bom.


Chiến đấu cơ Su-27 có thể đạt tốc độ hơn 2.500 km/h, trội hơn F/A-18 và F-16.


Với một loạt các vai trò chiến đấu và quá trình phục vụ, Su-27 hứa hẹn vẫn là loại máy bay chủ lực của không quân nhiều nước trong những năm tới, kể cả khi các thiết kế mới và đắt hơn xuất hiện.

 

Sukhoi Su-35


Su-35 có lẽ là máy bay chiến đấu khủng khiếp nhất của Nga và sẽ duy trì vị thế đó cho tới khi Moskva đưa vào phiên chế T-50 PAK FA. Bản nâng cấp của chiếc Su-27 Flanker những năm cuối thời Chiến tranh lạnh, chiếc Super Flanker này có thể đối địch với hầu hết các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của Mỹ. Một số quan chức không quân Mỹ thậm chí còn cho rằng Su-35 có thể là mối đe dọa với máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 Joint Strike Fighter (JSF).


Bán kính chiến đấu 1.600 km khiến Su-35 trở thành công cụ hiệu quả cho bất cứ đội quân nào muốn vươn sức mạnh ra xa. Bề mặt Super Flanker tráng một lớp Vật liệu Hấp thụ sóng Radar (RAM), nên máy bay có một số tính chất tàng hình của chiến đấu cơ thế hệ 5 trên nền tảng tin cậy của thế hệ thứ 4. Một loạt các vũ khí không-đối-đất và không-đối-không trang bị cho Su-35 giúp nó có thể thực hiện nhiều sứ mệnh.


Tất cả những phẩm chất trên khiến phiên ban thế hệ 4++ nâng cấp của Sukhoi được nhiều khách hàng tiềm năng quan tâm, đáng chú ý trong số này là Trung Quốc. Khả năng không thua kém các chiến đấu cơ Mỹ khi chiến đấu có thể đặc biệt hữu ích cho Bắc Kinh khi nổ ra xung đột với Mỹ.


Mặc dù chưa chính thức bán song Moskva vẫn nóng lòng tìm kiếm khách hàng cho Super Flanker. Ngoài Trung Quốc, Nga nhắm tới các khách hàng tiềm năng khác là Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, và Brazil.

 

Tăng T-90


Tăng T-90 là thiết kế của nhà máy Uralvagonzavod (UVZ) với kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm thời Liên Xô, trong quân đội Nga cũng như quân đội nhiều nước trên thế giới.


Là phiên bản nâng cấp của T-72 Liên Xô, T-90 là mẫu xe tin cậy. Dù nó  nhỏ hơn tăng M1A1 Abrams của Mỹ và bắt đầu cho thấy sự cũ kĩ, T-90 vẫn rất hữu ích trong hầu hết các chiến trường Nga sẽ phải chiến đấu. Quân đội Ukraine và Gruzia thậm chí còn sở hữu các phiên bản cũ hơn. Đối với nhiều nhà nhập khẩu tiềm tàng, T-90 là lựa chọn hợp lý hơn so với các mẫu xe mới hơn khác của Nga và phương Tây.


T-90 của UVZ trang bị pháo nòng trơn 125mm có thể bắn đạn chống tăng và tên lửa điều khiển. T-90 nhẹ hơn nhiều đối thủ cùng loại của phương Tây, song lớp vỏ giáp vẫn đủ dày để phá hủy tên lửa chống tăng khi tiếp xúc. Những thuộc tính này làm cho T-90 hấp dẫn nhiều khách hàng tiềm năng. Ngoài Nga, Azerbaijan và Turkmenistan kế thừa các xe tăng T-90 thời Liên Xô, quân đội Ấn Độ cũng sử dụng xe tăng này. Thực tế, Delhi có kế hoạch sở hữu 1.657 chiếc T-90, trong đó khoảng 1.000 chiếc được chế tạo trong nước. Các quốc gia khác như Síp, Peru, Venezuela đều từng xem xét hoặc đang mua T-90.

 

Xe tăng T14 Armata lần đầu được giới thiệu trong lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng 9/5/2015 ở Nga.


Tăng T-14 Armata


Do UVZ, nhà sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực lớn nhất thế giới, thiết kế, T-14 Armata trình làng lần đầu tiên vào đầu năm nay và là mẫu tăng hoàn toàn mới đầu tiên của Nga kể từ thời Xô Viết. Armata khiến nhiều quan chức phương Tây lo ngại vì khả năng và ấn tượng của nó song bị những người khác chê bai sau khi một chiếc T-14  chết máy trong cuộc diễn tập cho Lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm 2015 ở Moskva. Nếu Nga có thể xử lý tất cả các vấn đề cơ khí trước khi đưa vào sử dụng, Armata sẽ là công cụ mạnh trong kho vũ khí của Điện Kremlin và có thể là của nhiềm đội quân khác.


Thiết kế của Armata lấy cảm hứng từ tăng Merkava của Israel, vốn là vũ khí tin cậy đã tham chiến trong thời gian dài ở Gaza và Lebanon. Armata kết hợp một tháp pháo hoàn toàn tự động với pháo 125mm. Tháp pháo không người lái làm giảm rủi ro cho người điều khiển trước các hiểm họa chiến trường và hỏa lực đối phương. Thiết kế bọc thép mới giống với nhiều mẫu thiết kế thành công của phương Tây hơn các thiết kế của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.


Trong tương lai, có thể không chỉ có quân đội Nga sử dụng T-14. Trung Quốc và Ấn Độ đang muốn nâng cấp lực lượng xe tăng của mình, trong đó chủ yếu là các mẫu tăng cũ từ Liên Xô. UVZ cũng đang tán tỉnh các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây.

 

Hệ thống tên lửa phòng không S-400.


Hệ thống phòng không S-400


S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không nhiều khả năng trong tương lai sẽ được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Quân đội Nga lần đầu tiên giới thiệu S-400 vào năm 2007. Với tầm bắn 400km, S-400 có thể bảo vệ một khu vực rộng lớn trước sức mạnh trên không của kẻ thù. Năm 2012, Nga đưa 4 tổ hợp S-400 tới Kaliningrad, tỉnh biệt lập giáp Ba Lan và Litva. Hành động triển khai này khiến cho một khu vực hoạt động trên không rộng lớn của NATO nằm trong tầm ngắm của Nga. Các cường quốc phương Tây rút cục có thể phải đối phó với S-400 ngoài chiến trường Á-Âu nếu Moskva tìm kiếm các đối tác để bán hệ thống này nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí Nga.


Trung Quốc đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400 khi ký thỏa thuận với Nga đầu năm nay sau nhiều năm đàm phán. Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Belarus đã bày tỏ quan tâm tới hệ thống này. Một số quan chức Nga thậm chí còn ngỏ ý muốn bán S-400 cho Iran.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)
Những vũ khí lạ lùng ít người biết
Những vũ khí lạ lùng ít người biết

Trong lịch sử, có rất nhiều ví dụ về sự sáng tạo không thể tin được của con người và lĩnh vực thiết kế vũ khí cũng không ngoại lệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN