10 thiết bị tình báo hàng đầu thời Chiến tranh Lạnh

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hoạt động gián điệp nở rộ hơn bao giờ hết và các nước đối thủ tập trung mọi khả năng có thể để phát triển các thiết bị tình báo tiên tiến nhất. Dưới đây là 10 thiết bị hàng đầu trong hoạt động tình báo thời kỳ Chiến tranh Lạnh được nhà văn trinh thám Jeremy Duns (Anh) giới thiệu.

1. Micro hình quả ôliu

Trong những năm 1960, Hal Lipset – một thám tử tư nhân người Mỹ - bỗng trở nên nổi tiếng khi công bố trước Thượng viện Mỹ một chiếc mirco nhỏ xíu, giấu trong một quả ôliu giả dùng làm thiết bị nghe trộm. Ăngten thu sóng là một que tăm nhét trong một chai rượu Martini. Mặc dù phạm vi bắt sóng của thiết bị này khá hẹp, khoảng hơn 10 m, nhưng màn trình diễn của Lipset cũng đủ để Quốc hội Mỹ siết chặt luật chống ghi âm trộm.

2. Súng bắn thuốc độc

Tại một phiên điều trần về hoạt động tình báo trước Thượng viện năm 1975, Giám đốc CIA William Colby đã giới thiệu một khẩu súng đặc biệt do chính các nhân viên CIA thiết kế. Được trang bị ống ngắm, chiếc súng này có thể bắn chính xác ở khoảng cách tới 75 m, với một viên đạn chứa độc dược chiết xuất từ động vật. Colby nói rằng khẩu súng này cũng như các vũ khí tương tự chưa bao giờ được sử dụng, nhưng ông ta không thể loại trừ hoàn toàn mọi khả năng phải dùng đến chúng.

3. Khuy quần la bàn

Trong Thế chiến thứ II, Lực lượng Đặc nhiệm Anh, hay còn gọi là “đội quân bí mật của Churchill” (cố Thủ tướng Anh) đã chế tạo ra một loạt thiết bị hiện đại. Một trong số được biết đến nhiều nhất là những chiếc khuy quần từ tính, được sử dụng cho các binh sỹ nếu lạc đường hoặc bị bắt làm tù binh. Khi cắt hai chiếc khuy này ra và đặt lên nhau, chúng sẽ trở thành một chiếc la bàn.

4. Vali bẫy

Một phát minh nữa của Lực lượng Đặc nhiệm Anh là chiếc vali dùng để chứa các tài liệu quan trọng, nhưng có thể biến thành một chiếc bẫy sát thương nếu kẻ thù không biết mở nó đúng cách. Chỉ có một cách an toàn để mở chiếc vali này là ấn khóa bên phải xuống, đồng thời đẩy sang phải. Những cách còn lại đều sẽ kích hoạt ngòi nổ.

5. Chuột mìn

Vali bẫy chưa đủ, “Đội quân của Churchill” còn chế tạo ra một thiết bị lạ lùng để chống lại quân phát xít Đức: Chuột mìn. Năm 1941, các kỹ sư Anh có ý định nhét thiết bị gây nổ vào da chuột nhằm cho nổ tung các bình đun nước nóng của quân Đức. Nhưng sau đó ý tưởng này bị lộ và chuột nổ không bao giờ được ra đời.

6. Súng hình hộp thuốc lá

Năm 1954, điệp viên Nicolai Khokhlov của Liên Xô được cử tới Frankfurt (Đức) để ám sát một nhà lãnh đạo chống cộng. Tuy nhiên, Khokhlov đã đảo ngũ và đầu hàng Mỹ. Người Mỹ đã không bỏ phí cơ hội để công bố với báo chí thế giới về một thiết bị ám sát tối tân của KGB. Đó là một hộp đựng thuốc lá mạ vàng bên trong là một khẩu súng bắn đạn chứa chất kịch độc xyanua.

7. Bật lửa mật mã

Năm 1960, Cơ quan Tình báo Anh (MI5) phá vỡ một đường dây tình báo của KGB với mắt xích chính là hai vợ chồng người Mỹ Morris và Lona Cohen. Cặp đôi này sống trong một ngôi nhà ở Ruislip dưới vỏ bọc là chủ của một tiệm sách cũ tên là Peter và Helen Kroger. Nhưng khi các nhân viên MI5 lục soát ngôi nhà, họ phát hiện một loạt thiết bị tình báo cá nhân, trong đó có chiếc bật lửa do hãng Ronson sản xuất, bên trong che giấu các mẩu giấy viết mật mã. Chúng được làm từ chất liệu nitơ xenluloza và tẩm ôxít kẽm nên rất dễ cháy, nhờ đó có thể hủy tang chứng.

8. Máy ảnh ví

Các điệp viên tình báo khi tiếp cận được hồ sơ tài liệu quan trọng của đối phương luôn gặp khó khăn khi muốn sao chép chúng. Nếu không thể đưa tài liệu ra ngoài vì canh gác quá nghiêm ngặt, một cách phổ biến là chụp ảnh trộm. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, KGB đã chế tạo được một vài loại máy ảnh ngụy trang, một trong số đó là chiếc máy ảnh trông không khác một cái ví da bình thường.

9. Ô chứa thuốc độc

Ngày 7/9/1978, khi nhà văn bất đồng chính kiến Georgi Markov của Bungari đang rảo bước trên một con phố gần cầu Waterloo ở Luân Đôn (Anh) thì bỗng cảm thấy bắp chân đau nhói như có một chiếc kim châm. Một người đàn ông phía sau vội nói lời xin lỗi trước khi biến mất trên chiếc taxi đã chờ sẵn. Markov chết 4 ngày sau đó và thủ phạm không bao giờ bị bắt. Về sau, người ta phát hiện Markov đã bị ám sát bởi một thiết bị tình báo có thể coi là nổi tiếng nhất trong thực tế. Đó là chiếc ô chứa thuốc độc mà các đặc vụ của Bungari đặt hàng từ Cơ quan Tình báo Nga (KGB). Các kỹ sư KGB đã biến cán của một chiếc ô bình thường thành một khẩu súng giảm thanh, có thể bắn ra một viên đạn nhỏ chứa một liều rixin đủ để giết một người khỏe nhất

10. “Rệp” đá

Ngày nay dù công nghệ phát triển đến mức nào, các điệp viên vẫn thường xuyên sử dụng những cách truyền thống để ngụy trang “rệp” (thiết bị nghe, đọc trộm). Năm 2006, truyền hình Nga đưa tin nói rằng họ đã quay được cảnh nhân viên Sứ quán Anh ở Mátxcơva đang nhận tin thông qua một “con rệp” được ngụy trang như một viên đá đặt ngoài phố. Tuy nhiên, chính phủ Anh bác bỏ điều này.


Vũ Hội
(Tổng hợp)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN