05:11 06/05/2017

Tự học ở nhà, xu hướng giáo dục mới nhiều bậc cha mẹ quan tâm

Tự học ở nhà (homeschooling) là một xu hướng giáo dục mới, đang từng bước được các phụ huynh và học sinh quan tâm, tìm hiểu và áp dụng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều trăn trở với phương thức giáo dục mới này.

Một hướng đi


Chị Keziah Hương (Royal City, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong số những phụ huynh đang áp dụng việc dạy tại nhà. Chị Hương có 4 con, trong đó 3 con gái đầu của chị đã áp dụng khá thành công phương pháp homeschooling tại Hà Nội ngay từ bậc mẫu giáo. Chị đồng thời là quản trị của diễn đàn “Homeschooling Viet Nam” hoạt động khá hiệu quả trên mạng xã hội facebook.

Ông Đỗ Quốc Anh (ở giữa) - một người cha ở TP Hồ Chí Minh cho hai con trai nghỉ học bậc phổ thông để tự học ở nhà đang dành được sự quan tâm của giới chuyên môn, nhiều bậc phụ huynh. Ảnh: FB Nhân vật.

Điều mà nhiều bậc phụ huynh lo ngại và cho rằng là hạn chế nhất của homeschooling là việc hạn chế giao tiếp của trẻ. Nhưng chị Hương cho biết, khi con gái thứ hai của chị Hương vào lớp 1 được 1 tháng, cô giáo chủ nhiệm đã nhận xét bé hòa nhập khá tốt và tiến bộ nhiều.

“Cô giáo nhận xét, con tự tin đọc bài, hay giơ tay phát biểu, rất mạnh dạn học. Làm việc nhóm cũng không có gì khó khăn với con vì trước đó con được thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể trong thời gian homeschooling. Mặc dù có một nhóm cha mẹ hỗ trợ nhau trong việc homeschooling, nhưng cũng chưa dám dạy con tại nhà hoàn toàn khi con vào lớp 1 mà chỉ một phần nào đó để bù đắp những thứ trường học không có”, chị Hương nói.


Còn chị Nguyễn Thị Hoa (Khu đô thị Mỹ Đình) là một giảng viên đại học có 2 con học homeschooling cho rằng: “Trước đây mình cũng rất lo ngại về việc dạy con ở nhà , nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thì thấy những rủi ro không nhiều và ở mức chấp nhận được. Có nhiều ý kiến lo ngại là trẻ học ở nhà sẽ khó hòa nhập cộng đồng, nhưng nếu mình dành thời gian đưa con tham gia các hoạt động với những đứa trẻ cũng học với hình thức tự học ở nhà thì khắc phục được những lo ngại này”.


Thậm chí, homechooling còn được nhiều bậc phụ huynh áp dụng song song với nhà trường ở một số môn học. Dẫn chứng về điều này, ông Ngô Văn Minh, Giáo viên dạy Toán, trường Archimedes Academy (Hà Nội) cho biết: “Tôi biết, có phụ huynh chia sẻ, con học lớp 6, tiết văn trên nhà trường học rất kém và rất sợ. Nhưng khi học Homeschooling với văn học Mỹ thì phụ huynh bất ngờ vì con rất thích văn mà hoặc bằng tiếng Anh. Đây là điều khó lý giải. Bình thường toán, khoa học khá dễ dàng về đánh giá, đo lường. Nhưng văn học có sự cảm thụ và đặc thù nhưng học sinh này lại thích học. Vì vậy đây hẳn là lựa chọn của phụ huynh, học sinh”.


Điều các phụ huynh áp dụng hình thức này đang gặp phải là: Hình thức này cũng có bất cập từ phía khách quan là Việt Nam chưa công nhận homeschooling như một phương pháp giáo dục tồn tại song hành với giáo dục ở nhà trường nên rất nhiều cha mà bẹ e ngại. Nếu không đến trường, trẻ sẽ không được chứng nhận là đã hoàn thành chương trình học nào.


Xu hướng giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới?


Ông Ngô Văn Minh, Giáo viên dạy Toán, trường Archimedes Academy cho rằng: “Học tại nhà là dạng học tập cao cấp, dù không phù hợp với đại trà nhưng phù hợp với một nhóm trẻ em đặc trưng với các gia đình có đủ điều kiện, năng lực và thời gian. Nếu Homeshooling được thừa nhận tại Việt Nam thì nó sẽ mở ra một kênh học mới cho nhiều gia đình.


“Homeschooling là môi trường học có tương tác, có thầy cô, có trường, lớp và bạn bè, chỉ khác là giao tiếp với nhau qua môi trường imternet và nhóm phụ huynh có thể đóng vai trò những người trợ lý, trợ giảng và đồng hành với học sinh. Theo tôi, vì Việt Nam chưa thừa nhận nên chưa có cơ sở giáo dục nào hỗ trợ về mặt đánh giá, đo lường”, ông Ngô Văn Minh nói.


Trong quá trình giảng dạy của mình, ông Ngô Văn Minh cho biết: “Sẽ có hai đối tượng học sinh sẽ hoàn thiện hơn khi được áp dụng hình thức Homeschooling: Học sinh có khả năng đặc biệt và không phù hợp với môi trường học đồng nhất; Học sinh có khiếm khuyết khi hòa nhập. Nếu lựa chọn thì đây là hình thức học rất tốt cho những học sinh này. Đồng thời, xu hướng Homeschooling sẽ làm phong phú môi trường học tập của Việt Nam hiện nay”.


Còn theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT cho biết: “Homeschooling - tức học phổ thông tại gia - đang được bàn luận như cách thức ứng phó với sự tồi tệ của môi trường giáo dục. Theo tôi vấn đề chẳng phải thế. Homeschooling ở Anh, ở Úc - không bao giờ đặt mục tiêu là để ứng phó với sự tồi tệ của nền giáo dục. Chẳng qua là thêm một lựa chọn. Một lựa chọn cách dạy và học. Một lựa chọn sách giáo khoa. Một lựa chọn trong nhiều lựa chọn hướng tới cùng một cái đích: có học vấn phổ thông, và cuối cùng thể hiện bằng các tri thức - kỹ năng người học cần có, cùng tấm bằng tốt nghiệp”.


TS Lê Trường Tùng cho rằng: “Một trong các góp ý của tôi cho chương trình giáo dục phổ thông mới là cho phép học tại gia (Homeschooling). Còn ông bố bà mẹ nào áp dụng hay không thì lại là việc khác. Việc cho phép Homeschooling trong chương trình giáo dục phổ thông mới - tách giữa học bắt buộc trong nhà trường và thi/kiểm tra để có chứng nhận tốt nghiệp - sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề đang đặt ra: hệ thống trường lớp, xã hội hóa, các bộ sách giáo khoa, môn bắt buộc và tự chọn, thi cử...”.


Trước ý kiến có nên hay không nên áp dụng hình thức này không, ông Ngô Văn Minh cho rằng: “Không nên nhìn bối cảnh giáo dục chung để hạn chế sự hòa nhập của xu thế. Ngành giáo dục nếu có điều kiện nghiên cứu hãy mạnh dạn làm và điều chỉnh dần. Cái cần là có môi trường để thử nghiệm. Nếu được thừa nhận ở Việt Nam thì việc quản lý sẽ thành công hơn. Khi đó, việc học tập của học sinh theo hướng Homeschooling sẽ có đánh giá, đo lường, kiểm chứng và chắc chắn sẽ được thừa nhận”.


Ông Ngô Văn Minh chỉ ra: “Học sinh không đến trường học mà học Homeschooling ở nhà. Định kỳ, sẽ được phép tham gia quá trình đo lường, đánh giá ở tại cơ cở giáo dục. Cơ sở có thể gắn vào một số trường tiêu biểu hoặc tự bản thân các cơ quan quản lý tạo ra các cơ sở đó. Song song với hệ thống hệ thống bình thường, thời gian là là thước đo kiểm nghiệm hình thức này có tốt hay không tốt. Từ đó, các trường ở các cấp tiếp theo hay các trường ĐH Việt Nam có tiếp nhận hay không”.


Một số chuyên gia cho rằng, hiện tại công nghệ phát triển tốt. Công nghệ thông tin giúp cho học sinh không có khoảng cách địa lý nữa. Những học sinh có điều kiện ở thành phố được tiếp cận chương trình nước ngoài. Cũng chương trình như thế nhưng là chương trình Việt Nam, học sinh ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa nếu có tư chất, có khả năng tài chính sẽ tham gia. Điều này giúp phá rào cản về mặt địa lý, tri thức, giữa thành thị nông thôn. Chương trình bình đẳng ở mọi miền.



Lê Vân (Báo Tin Tức )