05:09 10/05/2012

Tu bổ đê chuẩn bị “đón” mưa bão

Trước mùa mưa bão, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão của Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT Hà Nội) đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra tình hình an toàn đê điều và tu bổ hệ thống đê.

Trước mùa mưa bão, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão của Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT Hà Nội) đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra tình hình an toàn đê điều và tu bổ hệ thống đê. Rất nhiều vi phạm Luật Đê điều đã được phát hiện. Vấn đề cấp bách hiện nay là cùng với các phương án sẵn sàng “đón” mùa mưa bão, Hà Nội cần kịp thời xử lý những vi phạm này, nếu không, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường.

 

Tồn tại nhiều điểm nóng


Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão của Hà Nội cho biết, từ khi Hà Nội hợp nhất đến nay, có 1.616 vụ phi phạm. Trong đó, quý I/2012 xảy ra 74 vụ vi phạm.


Các hành vi vi phạm phổ biến là lấn chiếm hành lang đê làm quán, làm lều trên chỉ giới đê; sản xuất kinh doanh vật liệu; đổ đất và phế thải ra lòng sông. Nghiêm trọng hơn là các hình thức: khai thác cát trái phép trên sông, đổ đất để tôn cao và lấn chiếm các bãi sông, triền sông nằm trong hành lang thoát lũ, chất vật liệu xây dựng khối lượng lớn trên triền sông; xe quá tải đi trên đê làm hỏng mặt đê… Những hành vi này đã tồn tại từ nhiều năm trước, đến năm nay xuất hiện nhiều hơn. Vi phạm xảy ra ở nhiều nơi: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Gia Lâm, Tây Hồ.


 

Tại khu vực sông Nhuệ gần cầu Hà Đông, nhiều công trình nhà cửa san sát xây dựng lấn chiếm ép đê và đổ phế thải đất đá ra sông.

 

Hiện nay, Hà Nội có 7 điểm vi phạm nghiêm trọng. Điển hình là các vi phạm như: Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm (huyện Từ Liêm) san lấp đất tôn cao bãi sông để tạo mặt bằng xây dựng trong hành lang bảo vệ đê. Công ty cổ phần thương mại Nam Thăng Long (huyện Từ Liêm) xây dựng các hạng mục xây dựng không phép trên bãi sông. Vi phạm đổ phế thải ở ngoài bãi sông khu vực cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ) với khối lượng lớn, trong thời gian dài. Vi phạm tiếp theo là đổ phế thải và tôn cao mặt bằng ở gầm cầu Thanh Trì để làm chỗ gửi xe (quận Hoàng Mai) cao hơn khu vực bãi sông từ 1 - 1,2 m... Những hành vi này ảnh hưởng rất lớn đến việc thoát lũ của sông Hồng.

 

Nhiều giải pháp quyết liệt


Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, nhiệm vụ phòng chống lụt bão năm 2012 của Hà Nội là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê trên địa bàn thành phố và các công trình thủy lợi và hồ đập trong mùa bão.


Trong số các khâu công tác chuẩn bị đối phó với mùa mưa bão 2012, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã kiểm tra các công trình đê điều trước mùa lũ, xác định được các trọng điểm, các điểm xung yếu, xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, điểm xung yếu và toàn tuyến đê điều trên địa bàn Hà Nội.


“Có 4 điểm xung yếu ở các tuyến đê đã được xác định và chuẩn bị phương án sẵn sàng “ứng chiến” như dự trữ vật tư tại các khu vực đó, thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tại các trọng điểm, tiến hành kiểm tra các trọng điểm thường xuyên, lường trước các tình huống sự cố sẽ xảy ra để có các phương án dự phòng kịp thời huy động xử lý. Phương án này đã được báo cáo lên Bộ NN&PTNT”, ông Đỗ Đức Thịnh cho biết.


Công tác tu bổ đê điều trước mùa mưa lũ đang được Sở NN&PTNT chỉ đạo tất cả các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh. Đến thời điểm này, hệ thống đê trên địa bàn Hà Nội là 469,9 km gồm đê cấp I đến cấp IV. Để tu bổ cho đê điều “đón” mùa mưa bão năm 2012, vốn của thành phố Hà Nội cấp gần 200 tỷ đồng và khoảng hơn 20 tỷ đồng do Bộ NN&PTNT cấp để đảm bảo đến ngày 30/5/2012 sẽ hoàn thành tu bổ tất cả các hạng mục.


Bên cạnh đó, cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp với chính quyền cơ sở đã thống kê, nắm chắc hồ sơ về từng trường hợp vi phạm để xử lý. Đối với vi phạm đổ phế thải ở ngoài bãi sông khu vực cầu Nhật Tân, Chi cục đã có văn bản đề nghị quận Tây Hồ xử lý việc này, tập trung giải quyết trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực. Đối với các vi phạm còn lại, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác định mức độ vi phạm và tính chất vi phạm để yêu cầu các đơn vị giải tỏa hoặc khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Riêng vấn đề đổ phế thải dưới gầm cầu Thanh Trì, chính quyền địa phương chưa có ý kiến gì và các đơn vị vẫn bất chấp ý kiến của cơ quan quản lý đê điều, ngang nhiên vi phạm. Về tình trạng các lò gạch thủ công ven đê tại huyện Phú Xuyên, chính quyền địa phương tới nay vẫn chưa có kế hoạch ngăn chặn tích cực để chấm dứt sự tồn tại của các lò gạch vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa có khả năng làm sụt lún triền đê, gây ảnh hưởng tới an toàn đê điều.


Để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể xảy ra trong thời gian tới, theo ông Đỗ Đức Thịnh, cần tập trung nhiều biện pháp. Trước hết, tập trung xây dựng hệ thống đường hành lang ven đê để hình thành một ranh giới để người dân không lấn chiếm được nữa. Đồng thời, sớm quy hoạch bãi sông, bến sông quy định rõ khu vực được khai thác cát, khu vực tập kết vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở sớm quy hoạch các bãi sông với mục đích sử dụng phù hợp cho việc thoát lũ, tránh lãng phí đất, người dân lại lấn chiếm hoặc đổ phế thải. Một vấn đề quan trọng khác là cần dành kinh phí thích đáng để thực hiện việc di dời những gia đình, công trình, doanh nghiệp nằm trong chỉ giới thoát lũ, còn khu vực nội thành cần sớm cắm được mốc chỉ giới thoát lũ.

 

Bài và ảnh: Mạnh Minh