02:10 23/02/2011

Từ 1/3: Tăng giá điện thêm 15,28%

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc giá bán điện bình quân năm 2011 tăng thêm 15,28% so với giá bình quân của năm 2010. Việc tăng giá được thực hiện từ ngày 1/3. Dự kiến trong tuần này, các bộ, ngành sẽ hoàn tất việc tính toán để Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chính thức.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc giá bán điện bình quân năm 2011 tăng thêm 15,28% so với giá bình quân của năm 2010. Việc tăng giá được thực hiện từ ngày 1/3.


Dự kiến trong tuần này, các bộ, ngành sẽ hoàn tất việc tính toán để Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chính thức. Giá điện tăng đương nhiên tác động làm tăng giá thành sản phẩm, nhưng mức tăng này còn phục thuộc vào việc sắp xếp quản lý, sản xuất, tiết kiệm điện và nâng cao hiệu quả sử dụng điện.

Theo công bố của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng với báo chí, mức tăng 15,28% thấp hơn mức đề xuất được đưa ra trong 3 phương án giá điện của Bộ Công Thương trước đó, lần lượt ở mức tăng 18% (tương đương 1.271 đồng/kWh); tăng 26,3% (tương đương 1.360 đồng/kWh); tăng 30,3% (tương đương 1.403 đồng/kWh). Với mức tăng này, giá điện bình quân của năm 2010 (1.077 đồng/kWh) sẽ tăng thêm 165 đồng, lên mức bình quân 1.242 đồng/kWh.

Công nhân Công ty Điện lực Hà Nội lắp công tơ đến các hộ gia đình. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


“Biểu giá điện cụ thể cho sản xuất, sinh hoạt và kinh doanh sẽ phải tính toán để làm sao không ảnh hưởng đến người nghèo, vừa đảm bảo mức tăng bình quân thêm 165 đồng/kWh. Dự kiến trong tuần này việc tính toán sẽ hoàn tất và Thủ tướng sẽ quyết định phê duyệt chính thức”, ông Vượng nói.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV) Phạm Mạnh Thắng, Luật Điện lực đã quy định hàng năm giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh để phản ánh đúng chi phí của ngành điện. Giá điện đáng ra phải được điều chỉnh ngay từ đầu năm nhưng do thời điểm đầu năm chưa thích hợp nên Chính phủ lùi lại để hạn chế đến mức thấp nhất tác động tới lạm phát, sản xuất và đời sống người dân. Về nguyên tắc, phương án giá điện được Bộ Công Thương tính toán trên cơ sở đồng bộ với việc giá than, giá dầu khí điều chỉnh theo thị trường.

Nâng cấp đường dây tải điện tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Theo ông Thắng, năm 2010, giá điện bình quân của Việt Nam là 1.060 đồng/kWh. Nếu theo tỷ giá đầu năm thì tương đương với 5,3 cent/kWh. Nhưng theo tỷ giá VND/USD mới từ ngày 11/2, giá điện bình quân năm 2010 dưới 5 cent/kWh. Ngay mức giá 5,3 cent/kWh của năm 2010 đã là mức thấp nhất trong khu vực ASEAN. Lào là nước có giá điện thấp thứ hai trong khu vực thì cũng đã là 5,8 cent/kWh, trong khi nguồn điện của Lào dựa 100% vào thủy điện nên giá rất rẻ.

Trong khi đó, hệ thống điện của Việt Nam được huy động từ các nguồn khác nhau, từ nhiệt điện chạy than, khí, nhiệt điện chạy dầu và thủy điện nên giá điện đáng lẽ ra phải cao hơn nhiều. Hiện thủy điện chỉ còn chiếm chưa đầy 30% trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam và giá điện hoàn toàn phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào. Vì vậy nếu Chính phủ quyết định giá than, giá dầu khí điều chỉnh tăng thì giá điện cũng phải tăng tương ứng, nếu không ngành điện sẽ luôn luôn “lỗ nặng”, ông Thắng khẳng định.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, giá điện tăng chắc chắn sẽ tác động làm tăng giá thành sản phẩm và giảm lợi nhuận của các ngành sử dụng điện. Giá điện lần này tăng 15,28% sẽ tác động làm CPI tăng trực tiếp của vòng 1 về lý thuyết khoảng 0,38%. Nếu tính tác động đến các vòng tiếp theo và cả các yếu tố tâm lý kỳ vọng thì có thể tỷ lệ tăng chung khoảng 0,76%. Tuy nhiên, việc tăng giá thành, giảm lợi nhuận bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc quản lý, sắp xếp sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của từng đơn vị trong nền kinh tế. Đối với các hộ nghèo theo tiêu chí mới, Nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ đối với 50 kWh đầu tiên của điện sinh hoạt.

Ý KIẾN

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan:
“Chia sẻ với người tiêu dùng”
Doanh nghiệp đã phải chịu rất nhiều áp lực từ tỉ giá tăng và sắp tới sẽ là giá điện, xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng. Chi phí tiền điện một tháng của toàn bộ hệ thống nhà máy sản xuất, kinh doanh của chúng tôi vào khoảng 1,5 tỷ đồng. Với mức tăng giá điện như vậy có nghĩa mỗi tháng chúng tôi sẽ phải chi thêm gần 200 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, công ty đang xem xét lại toàn bộ chi phí sản xuất, giá thành để kiến nghị một mặt bằng giá mới nhằm thật sự chia sẻ với người tiêu dùng, không để người tiêu dùng bị sốc và quay lưng lại với sản phẩm”.

Anh Nguyễn Hữu Toan, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thiên Ấn:"Tránh gây sốc cho người tiêu dùng"
Giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các chi phí đầu vào của những doanh nghiệp chế biến gỗ. Ví dụ, trước đây khi cưa xẻ một khối gỗ tròn, tiền công chỉ khoảng 500.000 đồng, nhưng sang tháng 3, trước giá điện mới, dự kiến giá sẽ tăng lên khoảng 550.000 đồng/khối; keo để đánh bóng gỗ từ 100.000 đồng/kg cũng sẽ tăng lên tương ứng từ 120.000 – 130.000 đồng/kg… Tất cả những quy trình của doanh nghiệp chúng tôi đều có dính dáng đến điện và điều chắc chắn không thể tránh khỏi là giá thành sản phẩm sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng đã ký với đối tác trước đó, chúng tôi sẽ vẫn giữ giá như thỏa thuận, chấp nhận lợi nhuận giảm hoặc lỗ chứ không bất tín với khách hàng. Để tránh gây sốc cho người tiêu dùng và phát triển thị trường, chúng tôi chỉ tăng các sản phẩm bán ra ở mức trung bình 5% và dự kiến sẽ áp dụng vào đầu tháng 5/2011 này.



Nhóm PV KT-XH thực hiện