05:11 06/05/2011

Truyền thuyết Yakuza- Kỳ 2: Cơ cấu của yakuza và những tập tục quái đản

Cũng giống như tổ chức mafia, cơ cấu quyền lực của yakuza được xây dựng theo hình tháp. Đứng đầu là một thủ lĩnh và tiếp theo là các thuộc hạ trung thành được phân ra thành nhiều cấp khác nhau.

Cũng giống như tổ chức mafia, cơ cấu quyền lực của yakuza được xây dựng theo hình tháp. Đứng đầu là một thủ lĩnh và tiếp theo là các thuộc hạ trung thành được phân ra thành nhiều cấp khác nhau.

Cấu trúc của một tổ chức mafia thì tương đối đơn giản. Ông chủ điều hành gia đình với sự trợ thủ của các phó tướng và các cố vấn. Ở cấp dưới, các đội trưởng cai quản đám thuộc hạ. Những đám thuộc hạ lại có những tay chân (những tên chưa được chính thức tuyển vào tổ chức mafia) để thực thi các mệnh lệnh. Hệ thống yakuza cũng tương tự như vậy nhưng phức tạp hơn. Nguyên tắc cốt lõi của cấu trúc yakuza là mối quan hệ cha - con. Khi một người được tuyển vào tổ chức yakuza, người đó phải chấp nhận mối quan hệ này, phải hứa trung thành và phục tùng vô điều kiện ông chủ của mình. Các ông chủ, giống như bất kỳ một ông bố tốt nào, đều phải có trách nhiệm bảo vệ và đưa các lời khuyên bảo cho các đứa con của mình.

Thanh kiếm katana.


Cơ cấu lãnh đạo trong tổ chức yakuza cũng phức tạp hơn rất nhiều so với cơ cấu lãnh đạo của tổ chức mafia. Đứng ngay dưới thủ lĩnh tối cao là cố vấn cao cấp và thủ lĩnh. Nhân vật số hai là thủ lĩnh vùng chịu trách nhiệm cai quản nhiều băng nhóm; người này được sự trợ thủ của những người chịu trách nhiệm điều hành một vài băng nhóm. Thấp hơn thủ lĩnh vùng là những người quản lý những băng nhóm nhỏ và các nhân vật này thường có một người giúp việc cho mình.

Một người muốn được gia nhập tổ chức mafia nói trên bắt buộc phải tham gia một buổi lễ mà ở đó, người này sẽ phải trích máu từ ngón tay trỏ và nhỏ máu lên bức hình của một vị thánh. Bức hình sau đó sẽ được đốt cháy trên bàn tay của người xin gia nhập trong khi anh ta thề trung thành với gia đình tội phạm. Trong lễ kết nạp của yakuza, máu được tượng trưng bởi sake (rượu vang đỏ). Thủ lĩnh và người xin gia nhập ngồi đối diện với nhau trong khi rượu của họ được chuẩn bị. Sake được trộn với muối và vảy cá, sau đó được rót cẩn thận vào các chén. Chén của thủ lĩnh được rót đầy tới miệng, cho phù hợp với đẳng cấp của người đó; người xin gia nhập được rót ít hơn. Họ uống một chút, rồi đổi chén cho nhau và người này lại uống cạn chén rượu của người kia. Khi đó, người xin gia nhập đã chứng tỏ được sự tận tụy của mình cho gia đình ông chủ. Kể từ thời khắc đó, vợ và các con của ngưòi gia nhập đều phải có bổn phận đối với gia đình ông chủ của mình.

Rượu sakê.


Nếu một thành viên yakuza làm ông chủ không hài lòng, hình phạt mà người đó phải nhận là bị chặt đứt đốt cuối của ngón tay út; nếu tái phạm lần hai thì bị chặt đứt đốt thứ hai của ngón tay đó. Thêm một lần mang trọng tội nữa thì hình phạt sẽ được áp dụng tương tự với ngón tay áp út. Một thành viên tự giác biết mình có tội sẽ phải tự chặt đứt đốt tay khi được đưa cho một con dao và một sợi dây để băng bó vết thương. Lúc này, lời nói là không cần thiết. Nguồn gốc của tập tục này có từ thời kỳ samurai. Việc chặt đứt một phần của ngón tay út sẽ khiến việc cầm kiếm không còn được chắc như khi các ngón có đủ các đốt. Thanh kiếm dài của samurai được cầm đúng thì ngón tay út là ngón khỏe nhất. Ngón tay đeo nhẫn là ngón khỏe thứ hai, rồi đến ngón giữa, rồi ngón trỏ. Với một bàn tay bị tật nguyền, thành viên đó sẽ phải dựa nhiều hơn vào sự che chở của thủ lĩnh. Ngày nay, tập tục này chỉ còn mang tính tượng trưng, nhưng nó là một điểm mốc đối với một thành viên mắc tội.

Giống như các tổ chức mafia, yakuza trong những năm gần đây phải hạ thấp tiêu chuẩn để tuyển mộ thêm thành viên mới. Điều này khiến một số thành viên của tổ chức này cảm nhận rằng họ không còn được tổ chức tốt và có thế lực như trước đây. Thời xưa, việc tuyển chọn được ưu tiên đối với các tay cờ bạc hay những tên hành nghề chôm chỉa trên đường phố. Nhưng ngày nay, một người chỉ cần có tư tưởng nổi loạn và sẵn sàng phạm tội vì một ông chủ thì đã đủ điều kiện để được đứng trong hàng ngũ của yakuza. Hầu hết các thành viên mới hiện nay của yakuza đều xuất thân từ các băng mê tốc độ.

Việc hạ thấp các tiêu chí này của yakuza khiến Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật sử dụng thuật ngữ “những kẻ ưa bạo lực” để chỉ yakuza, đánh đồng tổ chức này với các nhóm tội phạm khác. Những thành viên coi yakuza là hậu duệ của các samurai trước đây phản đối cách gọi này và coi nó là một nỗi sỉ nhục.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đón đọc kỳ 3: Các “bố già” yakuza