…Và tôi kể lại

Một ngôi chùa âm u tĩnh mịch tọa lạc trên một ngọn đồi trông ra biển. Dưới chân đồi, sóng vỗ ì oạp ầm ì xen lẫn với tiếng chuông chùa vang xa vào những buổi chiều. Xa xa, bóng những con thuyền nhẹ nhàng nhởn nhơ trên sóng như những chiếc lá bập bênh.

1.

Ni cô trụ trì ngôi chùa, tuổi ngoài tứ tuần. Khuôn mặt hằn lên vẻ suy tư không dấu được nét thanh tú của một thời xuân sắc, đôi mắt dài ánh lên những tia nhìn có sóng dường như chưa dứt được bụi trần.

Hôm nay, ni cô có việc xuống núi, con đường như một lằn chỉ dọc tà áo mỏng in một vệt dài giữa triền đồi mơn mởn xanh. Bóng ni cô khuất dần hòa vào màu xanh của cây trái. Dưới chân đồi là làng chài. Những mái nhà ẩn hiện trong những vườn dừa thân cao vun vút vươn ra chiều gió. Nơi đó, mỗi lần nhìn xuống, ni cô lại cố xua đi một nỗi ám ảnh dai dẳng đeo bám, quá khứ cứ thỉnh thoảng len về quấn quýt níu kéo lấy tâm trí thanh tịnh thường ngày. Ngày đó đã hơn hai mươi năm…

2.

Hôm nay, Lựu đi làm đồng sớm hơn mọi ngày. Cánh đồng làng đang thì trổ bông tỏa lên mùi hương dìu dịu, ngai ngái. Lựu thấp thỏm, rạo rực một niềm vui phấp phỏng nôn nao như một cô gái lần đầu đến chỗ hẹn với người yêu. Đã mấy ngày hôm nay, cái điều mong chờ đó cũng đã đến. Toàn thân Lựu thấy khác đi nhiều lắm. Cho đến hôm nay thì đã rõ rồi, rõ mồn một, đang từng ngày từng giờ như một chồi non vừa bước vào những ngày đầu xuân. Nó cứ lớn dần lên, nhu nhú rồi sẽ căng phồng lên như muốn mở tung cái khuôn khổ chật hẹp của quần áo cũ. Cả nhà chưa ai biết. Mà nhà Lựu giờ đây cũng chỉ còn một bà mẹ chồng mắt đã lòa, tai đã ngễnh ngãng thì làm sao có thể chia sẻ được trọn vẹn niềm vui lớn lao này của Lựu. Chỉ có cánh đồng vào buổi sáng ban mai khi mặt trời phả hơi ấm đầu tiên vào không gian bao la rộng lớn mới chia sẻ được với Lựu…

Minh họa: Trần Thắng

Lựu dậy thật sớm, thoăn thoắt trên cánh đồng làng còn đẫm sương đêm. Khi đó, cánh đồng làng im lắng dịu dàng như một lời tỏ tình còn chưa kịp nói. Cũng là khi Lựu cảm nhận được sâu xa và thiêng liêng nhất hình ảnh của người chồng đang còn ở xa, rất xa. Và Lựu thẩm thỉ thầm thì với đứa con đang hình hài như nói với chính mình, với tình yêu của mình và với anh ấy: Giọt máu của anh, nó đang trộn lẫn và đập cùng nhịp đập của dòng máu em mang. Anh có nghe thấy gì không? Những giọt nước mắt lăn rỉ rả trên khuôn mặt mềm mại mà tươi rói như một bông hoa nở hết mình của Lựu. Giọt nước mắt hạnh phúc hay hờn tủi nhớ nhung? Tấm vai nhỏ mảnh mai của Lựu rung lên thổn thức.

- A…cái Lựu nó đang “nhống chờ” này.

- Chắc hồi đêm lại nằm mơ thấy anh ấy chứ gì? Này, cứ chờ đi, anh ấy về thì tha hồ mà…đẻ nhé.

Tiếng của những người bạn cất lên làm Lựu bừng tỉnh. Lựu thấy mình bớt cô đơn hơn. Những giọt nước mắt tan nhanh như những giọt sương sớm. Hôm nay, Lựu sẽ không về nhà trước khi trời tối. Lựu sợ sự cô đơn trong ngôi nhà thiếu vắng đàn ông và Lựu sợ sự lạnh lùng của giường chiếu. Lựu chỉ muốn sự sôi động ấm áp luôn hiện hữu trong căn nhà của Lựu.

Nhưng điều đó đã không còn khi cách đây mấy tháng vào cái hôm anh ấy ra đi trong sự ngậm ngùi đến mềm người của Lựu.

Hôm nhận được thư anh cũng là ngày Lựu biết mình đã khác. Thư anh viết không dài nhưng những con chữ thì như nhưng sợi dây quấn lấy hồn Lựu, tíu tít nhảy múa và in hằn trong tâm trí Lựu.

Còn giờ này, anh đã biết gì chưa? Lựu cũng đã gửi thư đi cho anh ấy cùng với một kỷ vật của một người vợ. Lựu hình dung, khi nhận được thư Lựu anh sẽ reo lên và lặng lẽ tìm một góc yên tĩnh để đọc thư với một tâm trạng vui sướng như cái hôm anh báo tin cho Lựu biết ngày hai đứa làm lễ cưới. Nghĩ đến đó, Lựu nhắm mắt lại rồi để cho cảm xúc của mình lịm đi trong nỗi nhớ chập chờn.

3.

Lựu vừa thiếp đi sau một ngày làm đồng mệt mỏi thì một bàn tay nhỏ xíu luồn vào lằn áo ngực của Lựu. Lại là bé Na đòi bú, bé Na giờ đã hơn một tuổi. Nó mang cái sức sống mạnh mẽ của cha trong cái thân thể tròn hỏn tủn tỉn của bé. Khi nào cũng chỉ chực đòi bú, khóc oe oe rồi lại cười ỏn ẻn cả ngày. Lựu đi làm về chưa kịp thay áo thì nó đã trườn ngay từ tay bà nội sang mà ê a đòi mẹ. Giờ đây, đã có bé Na, Lựu không còn cảm giác trống rỗng cô quạnh và hụt hẫng như cái ngày anh ấy ra đi nữa. Bé Na như một quả non mới mọc trên giàn bầu đầu mùa. Nhưng rồi niềm vui đó đã không trọn vẹn khi bé lên năm tuổi, bà nội bé qua đời.

Từ ngày bà nội mất, bé Na ít ở nhà hơn. Khi mẹ đi làm rồi, nó hay sang nhà chú Lân ở bên cạnh để chơi với em nó. Chú Lân là em ruột của cha. Chú cũng hay sang nhà bé. Chú làm ở nông trường cách nhà mười cây số. Chú hay sang nhà bé Na khi thì thắp hương, khi thì làm một số việc nặng giúp mẹ. Nhà nó giờ đây tịch mịch và trống vắng lắm, vì vậy, mỗi khi chú Lân sang nhà là nó thấy ấm ên. Nỗi trống vắng và sợ hãi mỗi khi mẹ vắng nhà bỗng tan biến mất. Nó hay hỏi mẹ về chú Lân như những lần nó hỏi mẹ về cha. Mẹ cũng chỉ ậm ờ. Có những khi, lâu không thấy chú Lân qua nhà là nó là nó lại chạy sang nhà chú và nắm lấy bàn tay to kệch của chú trong bàn tay nhỏ xíu của bé rồi dắt đi như một chú bé chăn trâu dắt đi một con trâu to bước đủng đỉnh. Những lúc đó, nó không biết sự bối rối mỗi lần mẹ bước ra từ căn buồng kín bắt gặp ánh mắt nửa như lảng tránh nửa như níu kéo của chú nó.

Khi bé Na lên sáu tuổi và đã biết ê a đánh vần những lá thư cũ kỹ mà mỗi lần lấy ra là mẹ lại khóc thút thít. Đã lâu lắm, mẹ không nhận được lá thư nào của cha. Hình ảnh người cha trong tâm trí bé Na cũng mờ mờ như hình ảnh bà nội dõi cặp mắt hiền từ trên bàn thờ nhìn bé.

Dạo này chú Lân về nhà thường xuyên và hay sang nhà bé Na hơn. Chú và mẹ cũng không còn giữ kẽ như trước nữa. Chú và mẹ cũng không còn bối rối mỗi lần nhìn nhau nữa. Nó linh cảm có điều gì khác lạ giữa hai người nhưng sự hồn nhiên của con trẻ chẳng làm bé bận tâm. Bé Na càng ngày càng quấn quýt với chú Lân hơn.

4.

Hai năm sau, khi bé Na đã lên tám tuổi thì ở làng người ta hồ hởi tưng bừng và phấn khởi một cách khác thường.

Vào một ngày cũng khác thường, ở trường học của bé có rất nhiều cờ đỏ tung bay và loa thì đọc oang oang, nhạc mở tưng bừng hết cỡ. Trong tâm thức bé Na, bé chỉ hiểu đó là ngày vui, ngày hội lớn mà người lớn gọi là kỷ niệm một năm ngày giải phóng. Bé Na chạy ù về nhà và sà vào lòng mẹ. Nó nói với mẹ rất nhiều, cái niềm vui con trẻ đọng trong đôi mắt trong trẻo như hai giọt sương nhìn mẹ. Nhưng nó thấy mẹ thoáng vui rồi lại trĩu nặng đôi mắt xuống như buồn hơn trước đó.

Nó biết, dạo này mẹ có mang em bé, mẹ hay vui buồn và nóng giận bất chợt vô cớ. Nó không hiểu được tại sao mẹ lại không vui như mọi người và bản thân nó. Nó chạy đi tìm chú Lân…

Nó chạy ra cổng. Bỗng nó đứng sững lại, một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, khuôn mặt vuông vức, rắn rỏi và đôi mắt thì trìu mến đang đứng sững trước mặt nó. Người đàn ông đứng sững giây lát rồi bất chợt cúi xuống ôm chầm lấy nó, nó í ới gọi mẹ. Mẹ Lựu chạy ra ngõ, người đàn ông buông bé Na ra, nó lọt thỏm giữa hai người lớn. Hai người đứng sững sờ nhìn nhau. Khi bé Na chạy lại bên mẹ thì bất chợt mẹ nó ngồi gục xuống khóc nức nở. Còn người đàn ông thì đứng như trời trồng giữa một cảnh tượng chưa bao giờ bất ngờ hơn thế.

5.

Mấy ngày hôm nay, làng chài yên lắng bỗng đón nhận một điều gây xáo trộn.

Con người ở đây vốn chỉ quen với những câu chuyện về cá, lưới thuyền và biển thì hôm nay họ có thêm một đề tài để mà bàn tán. Đó là chuyện một người điên. Chị ta mới đến đây từ một vùng quê khác, khi thì chị ta gào khóc và khi thì lại gào thét. Khi chị nhặt được cái gì gòn gọn đều ôm vào lòng rồi lại quăng đi như bị mất một cái gì đó. Trẻ con trong làng được một phen tha hồ trêu chọc, còn người lớn thì nhìn chị xót xa ái ngại. Nhìn khuôn mặt chị ta, dịu dàng mềm mại và mỏng manh đến thế… làm sao đến nông nỗi này? Trời nỡ đày đọa một người như thế sao?

Người ta bèn họp nhau lại, dựng cho chị một mái lều để chị khỏi ngủ bờ, ngủ bụi. Rồi đến khi thấy chị ta thỉnh thoảng ngồi im lặng nhìn ra phía biển xa xa, lặng lẽ bất động hàng giờ liền thì người đoán lờ mờ về một điều gì trắc ẩn nơi chị. Thế là người ta gần gũi với chị, trẻ con không trêu đùa với chị nữa, thảng hoặc, chị có lên cơn thì người ta dỗ dành chị. Và khi thấy chị rất yêu thích trẻ con thì người ta bèn lập ra một cái nhà trẻ cho chị trông nom chúng. Rồi ký ức về một người điên không còn hiện hữu trong tâm trí người dân làng chài nữa. Người ta gọi chị bằng một cái tên thân mật: chị Tâm.

6.

Trong một lần hướng dẫn đoàn giáo sinh sư phạm đi thực tập. Tôi tình cờ nghe được câu chuyện của một nữ sinh. Cô kể rằng: Ba cô dẫn cô đi từ ngày cô mới lên tám tuổi. Trước đó, cô chỉ nhớ lờ mờ về một người mẹ và một người chú. Rồi ba cô trở về dẫn cô đi trong đêm, đến một tỉnh miền Tây Nam Bộ, nơi có đồng đội của ba ngày trước để lập nghiệp và sinh sống với một lời thề: không bao giờ được nhắc và tìm gặp lại mẹ. Cô giữ lời thề cho đến ngay cả sau ngày ba cô mất.

Vừa rồi, có một người làng vào đây công tác có kể về mẹ cô, nay là một ni cô ở một ngôi chùa ven biển miền Trung. Ở đó, người ta bắt gặp một nhà sư nữ thỉnh thoảng ngồi nhìn ra biển và khản giọng gọi tên con. Cô nữ sinh kể cho tôi nghe chuyện và nhờ tôi một lời khuyên. Tôi hứa với cô là sẽ giúp cô tìm lại mẹ và tôi kể lại chuyện này.

Vĩ thanh

Trước khi viết truyện ngắn này, tôi đã tìm gặp được mẹ cô gái tại một ngôi chùa cách nhà tôi chỉ hơn hai mươi cây số, trong dịp tôi nghỉ hè về thăm quê cách đây hơn hai mươi năm. Sau đó, mẹ con cô gặp nhau và họ đã về sống chung với nhau khi cô con gái trở thành cô giáo và thành lập gia đình.

Tôi xin phép họ viết truyện ngắn này từ câu chuyên thật của họ, họ đồng ý và đề nghị tôi thay tên nhân vật trong đời thật khi đưa vào truyện. Tất nhiên là tôi đã đồng ý. Trước khi gửi đăng báo, hai người có đọc và họ đã cảm ơn vì tôi đã nói thay điều họ muốn tâm sự.

Phan Xuân Hậu
Bà cố ở bến cù lao
Bà cố ở bến cù lao

Con đò cập bến cây gạo đầu xóm thì trời cũng vừa xẩm tối. Giờ này ở quê, không phải là lúc ngột ngạt của xe cộ, đèn đường mà là lúa má, ngô lạc thơm mát trên con đường gió sông vi vút.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN