Triền hoa sim tím

Hương không khi nào rời xa miền quê này cả, ngay cả khi thanh niên trong làng đã xuống thành phố làm ăn hết. Ngay cả khi mẹ đã giục mấy lần:

- Con gái bây giờ đi ra ngoài cho dễ kiếm tấm chồng tử tế mà lại được đi đây đi đó. Cứ chui rúc ở nhà làm gì cho tối tăm đầu óc.

Thì Hương vẫn nhất quyết ở lại quê, mở một hiệu may ở đầu làng, ngay dưới gốc cây đa xum xuê cội rễ. Ở đó, chiều nào cô cũng thấy những người già trong làng ngồi khâu áo cho con cháu. Tiếng điếu cày vang lên trong khoảnh khắc ánh mặt trời chiếu đỏ xuống thửa ruộng nhấp nhô gốc rạ, gợi lên một cảm giác bình yên đến lạ. Tiếng lục lạc của đàn trâu thong thả trở về sau một ngày lang thang khắp trên cánh rừng rộng lớn cùng lũ trẻ con tinh nghịch. Hương nhớ có một thời, vào mùa hoa sim nở tím như thế này, bao giờ anh cũng hái hoa kết thành vòng đội lên đầu Hương và bảo:

- Em xinh như công chúa ấy.

Hương cười hạnh phúc suốt những năm tháng ấu thơ khờ khạo. Lúc lớn lên mới nhận ra rằng đã yêu anh tự bao giờ mà không nhận ra trái tim mình thổn thức. Để rồi khi anh đã trở thành thầy giáo, Hương là cô học trò thì tình yêu mãi chỉ dám giấu kín trong lòng như một thứ tình cảm thiêng liêng không thể san sẻ được, ngay cả với anh.

Anh hơn Hương sáu tuổi. Cái ngày Hương bé xíu, tóc đuôi gà, thi thoảng còn lấy sáp màu bôi lên má cho hồng để làm công chúa thật xinh, thì anh đã lên cấp hai, đã đeo khăn quàng đỏ đến trường. Đến khi Hương thành cô thiếu nữ, mặc áo dài trắng, tết tóc hai bên thì anh đã về trường huyện dạy sau bốn năm học đại học xa nhà. Ngày đầu tiên gặp Hương ở trường, anh dúi tay vào trán, bảo:

- Cô bé lớn thế này rồi cơ à? Có còn thích làm công chúa nữa không?

Hương đỏ bừng mặt, ấp úng bảo:

- Thưa anh… Thưa thầy…

Anh phá lên cười:

- Khi nào ra khỏi cổng trường thì chúng ta lại là anh em nhé! Được không cô bé?

Hương cúi mặt, nghe trong tim mình chộn rộn một niềm vui khó tả, đó phải chăng là chút xao xuyến đầu đời của người con gái… Từ khi anh về trường dạy, Hương dường như yêu thích môn văn hơn sau mỗi giờ giảng của anh. Giọng anh ấm, đôi mắt như lúc nào cũng đang cười hiền hậu và những bài giảng về cuộc đời của anh mới giản dị làm sao. Trong cuốn nhật ký mà đến tận bây giờ Hương vẫn giữ, có một dòng chữ viết bằng mực tím đã nhòe “Thầy ơi! Có khi nào thầy hiểu…?”.

Sau những buổi trên lớp, anh giản dị trở về với những công việc đồng áng hàng ngày. Đôi lúc cũng theo lũ trẻ chăn trâu ngồi thổi sáo trên cánh rừng bạt ngàn hoa sim tím. Cô bé Hương năm nào không còn chơi trò đội hoa làm công chúa, chỉ dám đứng từ xa nhìn trộm anh mà chẳng dám giáp mặt lần nào. Nhà anh ngay cạnh nhà Hương, thi thoảng vào những hôm mát trời, trăng quê sáng vằng vặc, hương hoa cau thơm ngát cả khoảng sân chênh vênh gió, anh lại sang nhà ngồi chơi cùng bố mẹ Hương. Những lúc ấy, ngồi trong buồng học bài mà những con chữ cứ vuột trôi khỏi đầu cô trò nhỏ. Từng lời nói của anh ngấm vào tâm hồn Hương, nuôi dưỡng những ý nghĩ tốt đẹp đầu đời

Nhiều lúc Hương tự hỏi, tại sao anh không chọn một nghề nghiệp khác, là kỹ sư, là công an hay bất kể công việc gì đi nữa mà lại là thầy giáo, lại về đúng trường huyện, lại đứng trên bục giảng hàng ngày để Hương trở thành cô trò nhỏ. Cái ranh giới của tình thầy trò quá lớn, nó giống như một dòng sông ngăn đôi hai bờ thương nhớ. Người đứng ở bên này muốn sang bờ bên kia mà không tìm được một con đò. Lại không dám băng mình qua dòng nước xoáy. Chỉ dám đứng bên này thương nhớ bên kia…

Ngày anh dẫn người yêu về ra mắt cả xóm, ai cũng mừng vui cho thầy giáo trẻ, chỉ có một người buồn. Trăng hôm đó rất tròn, hương cau hôm đó rất thơm, bên cửa sổ có một người con gái ngồi buồn bên trang sách. Anh hàng xóm nhà bên có nàng công chúa của riêng mình, đối với anh có lẽ Hương mãi chỉ là một cô trò nhỏ mà thôi. Hương tự trách mình tại sao không chịu hiểu?

Ngày anh lấy vợ cũng là ngày Hương học xong cấp III. Con gái trong làng đến tuổi ấy mà không đi học ở đâu là lấy chồng được rồi, nhưng cả nhà giục mãi mà nhất định Hương không chịu lấy ai trong số những trai làng đến hỏi. Vì Hương vẫn còn yêu anh lắm… Dù anh đã có một mái ấm gia đình.


Lại đến mùa hoa sim nở tím. Trong chiếc quán nhỏ dưới gốc đa làng, Hương vẫn thường thả hồn theo màu hoa thương nhớ ấy. Tím làm gì cho tái tê lòng? Tím làm gì để mà càng nhung nhớ…

Chiều nào anh cũng về qua đây, đôi lúc ngẩng lên bắt gặp ánh mắt anh, Hương lại vội vàng cúi xuống, để đêm về lại thao thức nhớ khôn nguôi. Những tình cảm đầu đời sao mà khó quên đến thế. Suốt gần chục năm qua, những đứa con gái trong làng đã lấy chồng, con bồng con bế, thi thoảng còn dắt con đến quán Hương may quần áo cho chồng. Đứa tốt số, lấy được chồng giàu như được đổi đời, đứa chẳng ra gì cũng kiếm được tấm chồng mà dựa dẫm. Còn Hương, vẫn quanh quẩn một mình dưới gốc đa đầu làng. Biết bao đêm mẹ phải khóc thầm cho số phận hẩm hiu của đứa con gái vừa xinh vừa nết na, thùy mị, còn bố thì đã quen lắm với những tiếng thở dài nặng nhọc. Đôi lúc Hương cũng muốn lãng quên mọi thứ để sống tốt hơn. Đôi lúc cũng muốn nhận lời một người con trai nào đó để được yêu, được làm vợ để rồi sinh ra những đứa con. Nhưng màu tím hoa sim sao cứ làm người ta nhói buốt, sao cứ mãi soi vào những nỗi nhớ thẳm sâu, nơi có tiếng cười của cô bé vừa được ai kết cho vòng hoa sim tím làm công chúa…

Hôm nay là chủ nhật, anh đến cửa hàng may một bộ quần áo để lên lớp. Anh cười bảo:

- Sao em không chịu lấy chồng vậy cô bé? Cứ muốn làm công chúa mãi sao?

Hương cười chua chát bảo:

- Tại hoàng tử của em đã lấy vợ rồi.

Anh phá lên cười bảo: “Sao mà em vẫn còn mơ mộng vậy?”. Hương nhìn sang rừng hoa sim tím, thấy cay xè mắt. Lòng thì tự hỏi sao khi nào anh cũng coi Hương như một cô bé con, sao không khi nào anh cảm nhận được tình yêu của Hương dành cho anh? Câu hỏi ấy cứ xoáy sâu vào vùng nhức nhối. Biết bao mùa sim tím đã đi qua…

Mẹ đi cắt duyên âm cho Hương. Thầy bói bảo số Hương nặng số, nếu không thờ cúng thì cứ ở vậy suốt đời. Mẹ lại quay đi lau nước mắt. Dưới chiếc gối mà ngày nào Hương cũng ôm ngủ là một túi sổ sách, là gương lược và cái kéo. Những thứ mẹ đã dặn “là vật bất ly thân”, không được cho ai động vào. Hương làm theo lời mẹ, hàng ngày vẫn mang gương ra soi, chỉ thấy nhan sắc mình tàn đi mà nỗi nhớ thương thì không vơi cạn. Biết bao giờ trái tim mới có chỗ dành cho một người đàn ông khác…

Tóc Hương rất dài, cô tự nhủ bao giờ dùng chiếc kéo kia cắt ngắn mái tóc thì sẽ quên hết mọi chuyện, sẽ là một cuộc đời hoàn toàn mới. Mỗi ngày, mỗi sợi tóc ra đi nhưng hình ảnh rừng hoa sim tím vẫn cứ vời vợi trong đôi mắt, trên mái tóc đen dài. Mỗi sớm mai, nhìn anh đèo con đến lớp, Hương lại tự dặn mình “Phải quên đi thôi. Đừng nhớ nhung những gì không thể”. Bởi Hương hiểu ra rằng, mối tình đơn phương ấy chỉ mang lại nỗi buồn, sự héo hon chờ đợi những điều viển vông, không khi nào có thật. Dặn mãi mà sao lòng vẫn cứ mơ… bên gốc cây đa già, chiều nào cũng có một người qua đó.


Anh bỏ vợ. Không! Người ta lại bảo là người vợ đã bỏ anh đi theo người đàn ông khác. Nghe nói người đàn ông ấy vẫn thường tìm lên đây hỏi mua gỗ xà cừ, gỗ tràm của những hộ dân trồng rừng theo dự án. Mỗi sáng anh vẫn chở con đến trường, nhưng đôi mắt buồn hơn, tránh không ngẩng lên mỗi khi đi qua quán may dưới gốc đa già. Hương càng không thể quên anh.

Thi thoảng nửa đêm giật mình thức giấc, mẹ lại hỏi:

- Con vẫn giữ gương lược và chiếc kéo mẹ đưa đấy chứ?

Hương gật đầu, mẹ lại thở dài bảo:

- Sao mãi chẳng thấy hiệu nghiệm gì cả, hay để mai mẹ đi xin lễ khác.

Hương vùng dậy, chạy vội ra hiên, cố cắn chặt môi để không bật thành tiếng khóc. Đêm nay không có trăng, khắp nơi là xứ sở của bóng đêm, của cánh dơi đập loạn xạ và của lòng người không biết đâu là lối thoát. Hương muốn được chạy qua hàng rào dâm bụt, bởi phía bên kia là anh, là tình yêu mà bấy lâu nay cô giấu kín nhưng sao không thể cất nổi đôi chân nhỏ bé và những nhịp đập mềm yếu của trái tim mình. Tại sao?

Ở đâu đó trong bóng đêm bỗng vẳng lên tiếng trẻ con khóc đòi mẹ và tiếng vỗ về của một người đàn ông nghe sao xót xa. Hương quay vào giường, nằm kề bên mẹ, cô thủ thỉ:

- Nếu con yêu một người đàn ông đã có vợ rồi thì…

Hương nghe rất rõ tiếng giật mình nhưng không biết là của mẹ hay của chính cô nữa. Đêm ấy mẹ lại thức dậy, ra ban thờ thắp hương và khấn lầm rầm. Sáng hôm sau mẹ lên chùa từ rất sớm, dặn mọi người là đến chiều mới về. Nhìn mắt mẹ thâm quầng, lòng Hương càng thêm rối bời, thương xót. Hương may nốt những đường chỉ cuối cùng trên chiếc áo mà anh hẹn lấy trước ngày khai giảng. Trên cánh đồng, người nông dân đang cặm cụi với những đường bừa cuối cùng để bắt đầu gieo lúa cho vụ mới. Thanh niên trong làng đã kéo nhau xuống thành phố kiếm kế sinh nhai, ở trong làng chỉ còn lại người già và trẻ con. Còn lại Hương, một cô gái lỡ thì và anh, một người đàn ông bị vợ bỏ. Hương bật bản nhạc không lời từ chiếc đài quay băng đã cũ, nghe buồn xa vắng. Hương càng nhớ anh hơn…

Lần đầu tiên Hương chợt nhận ra rằng tình yêu vốn chẳng có một khoảng cách nào, ranh giới nào. Những người không dám lao sang bờ bên kia của dòng sông ngay cả trong mùa nước cạn như cô thì sẽ chẳng khi nào có được tình yêu hết. Cái suy nghĩ ấy khiến Hương bật khóc, không hiểu vì đau khổ hay là niềm hạnh phúc vừa chớm đến. Ngoài kia nắng đã lên cao, rừng sim vào cuối mùa hoa đã không còn ngăn ngắt tím. Thay vào đó những chùm quả non đang dần lớn lên trong sự trù phú của ánh nắng mặt trời và gió trung du. Hương đóng cửa quán, cầm chiếc áo mới may trên tay đi về phía con đường làng. Hôm nay Hương quyết định đi tìm anh, đi tìm tình yêu trong trái tim mà bấy lâu nay cô lẩn trốn. Khi tình yêu đã lên tiếng thì nó sẽ không khi nào phải hối hận cho dù tình yêu đó có được đáp trả hay không

. Cho dù hôm nay, sau tất cả những bộc bạch của Hương, rất có thể anh sẽ trả lời rằng trong trái tim anh không có chỗ nào dành cho Hương hết, thì cô vẫn cứ thấy thanh thản hơn để bước đi một con đường khác. Hương nghĩ, rồi vội vã sải những bước chân rất dài, gió hôm nay rất thơm, nắng hôm nay rất đẹp, Hương thấy lòng vui như cái ngày được anh kết hoa sim đội lên đầu làm cô công chúa nhỏ.

Truyện ngắn của Tạ Đức An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN