Thầy trò

Thầy Hùng dân phố, mới được điều về trường. Trẻ, đẹp trai, dạy giỏi, công tác phong trào tốt. Không thiếu người nhiễu sự xì xầm: “Mác” ấy mà lên núi chắc có gì bất túc, bị “đày” rồi… “Đày” hay không, lũ học trò (và các bà các cô) xóm núi không quan tâm.


1.

Trường nằm trên một ngọn đồi, bươn qua cái dốc mới lên được. Tấm bảng mộc to chăng ngang cổng ghi rõ: “Trường trung học cơ sở X ”. Vào trong: sân trường bé tẹo, dãy nhà cấp 4 sơ sài, vừa vặn cho 3 phòng học cộng một phòng giám hiệu. Phòng ấy thêm chức năng nội trú: làm nơi ở cùng chỗ nấu ăn cho thầy hiệu trưởng kiêm luôn chân bảo vệ trường. Vẻn vẹn 4 giáo viên (tính luôn thầy hiệu trưởng) dạy “ôm show” tất tật mọi lớp, mọi môn. Lớp không nhiều: hai lớp sáu, một lớp 7, một lớp 8 và... một lớp 9. Lớp càng lên trên càng ít học sinh. Lớp 9, năm nay có đầu tiên, vét hết được 15 em. Vậy đã giỏi: vùng “biên địa” lấy đâu ra học sinh cho nhiều; theo xong cái tiểu học là may, ở nhà đi rẫy, chữ nghĩa có no bụng được đâu. Chính quyền khản cổ tuyên truyền mang ánh sáng văn hóa đến thôn buôn, dân cứ một mực lấy cái… nồi gạo làm gốc!

Thầy Hùng là một trong số 4 thầy cô đại biểu cho cái nỗ lực “ánh sáng văn hóa” ấy.

Minh họa: Trần Thắng

2.

Thầy Hùng dân phố, mới được điều về trường. Trẻ, đẹp trai, dạy giỏi, công tác phong trào tốt. Không thiếu người nhiễu sự xì xầm: “Mác” ấy mà lên núi chắc có gì bất túc, bị “đày” rồi… “Đày” hay không, lũ học trò (và các bà các cô) xóm núi không quan tâm. Thầy Hùng xuất hiện hệt ngôi sao sáng xua tan bớt buồn tẻ, ảm đạm nơi ngôi trường hoang sơ mà - mỗi hoàng hôn - bóng tối đen đặc luôn hung hãn đổ trùm, như chực nuốt nghiến vào bụng đêm từng quầng leo lét, vàng vọt của những ngọn đèn dầu! Học chuyên khoa Lý; nhưng về trường, thầy Hùng ôm dạy tất tật mọi bộ môn tự nhiên: Toán, Lý, Hóa và cả… Sinh vật. Chưa hết, thầy còn kiêm luôn công tác Đoàn Đội, làm Tổng phụ trách. Hát hay, đàn giỏi, quản trò có duyên, thầy nhanh chóng qui tụ quanh mình một nhóm “fan” luôn xem thầy như thần tượng!

Trong số các “fan thầy Hùng”, tôi là “fan” cuồng nhiệt nhất.

Dễ hiểu, tôi mau chóng thành học trò cưng của thầy, được “truyền lửa” tất tật mọi nỗi đam mê: từ đàn địch hát hò tới bộ môn Vật lí! “Thường con gái học vật lí không giỏi; nhưng em có “tư duy suy lí” tốt. Thầy tin…“ Câu “dẫn đường” của thầy không thừa. Càng không sai. Tôi học giỏi vật lí, nuôi ước mơ sẽ trở thành cô giáo, dạy Vật lí, như thầy…

3.

Bạn bè, đồng nghiệp thường bảo: mày “duy lí” quá; cái ấy có lợi cho chuyên môn, nhưng không ổn trong xử thế đối nhân…. Nhiều chuyện! Với tao, lẽ phải là lẽ phải, không lôi thôi…, Tôi cười khẩy. Tôi, dân khoa học; tôi tin vào lẽ phải khoa học: rạch ròi phân minh, không có chuyện nhập nhằng phải - trái, đúng - sai! Tôi giờ là cô giáo Vật lí. Tôi đã đạt được ước mơ. Trái đất tròn: tôi về nhận công tác đúng ngôi trường ngày xưa, và thành đồng nghiệp của thầy Hùng. Mừng. Trường sở giờ khang trang: hạ tầng không còn chút dấu tích gì gợi nhớ thời gian khó khi xưa. Thầy Hùng lên hiệu phó chuyên môn, già đi, bệ vệ hơn. Mừng em tốt nghiệp, trở lại trường…. vẫn nụ cười tươi; nhưng cái bắt tay của thầy dường hơi lạnh. Thầy Hùng thận trọng cầm tấm bằng đỏ của tôi săm soi kĩ, như muốn xác minh xem liệu nó có chắc là đồ thật hay không…

4.

Nhớ ngày còn là “cục cưng” của thầy nơi ngôi trường nghèo xóm núi, thầy Hùng từng đùa, hứa sẽ… “truyền y bát” cho tôi! Lời hứa đó ứng nghiệm. Tôi thật sự trở thành bản sao của thầy Hùng lúc mới về trường: trẻ, đa năng, chuyên môn vững, nhiệt tình. Làm gì cũng lăn xả, cháy rực!

Giống thầy, tôi cũng có một “cộng đồng fan” - giờ đông đảo, bề thế, hơn - do trường sở ngày một đông đúc, “chính qui”. Phải thôi: Hội giảng chuyên môn Huyện, Tỉnh, tôi không giải nhất cũng nhì. Công tác Đoàn Đội, ngoại khóa do tôi phụ trách bao giờ cũng ấn tượng. Lên lớp, học sinh trầm trồ. Đầu năm, lớp nào cũng ngong ngóng mong tôi về làm chủ nhiệm! Quí mến, nể phục; đó là những gì (đa số) học sinh và đồng nghiệp dành cho tôi - hơi nhiều và hơi nhanh với cô giáo trẻ mới về trường…

Vài người không chia sẻ. Không đáng ngạc nhiên. Cái ngạc nhiên là trong số ấy có cả… thầy Hùng!

5.

Từ lúc về trường, tôi vẫn cư xử với thầy Hùng như bát nước đầy. Lễ Tết, ngày Nhà giáo tôi luôn nhớ quà cáp, hoa tươi thăm viếng, chúc tụng thầy. Duy nhất một chuyện tôi không “lùi bước” trước thầy; ấy là chuyên môn! Với tôi, đụng vào chuyên môn thì - xin lỗi nhé, thầy trò có chỗ, chân lí mới tối thượng! Có lần “đụng trận” bị thua lí, thầy Hùng nóng mắt gọi tôi “ngựa non háu đá”: Em đừng tưởng mới bước về trường, lập ba cái thành tích lẻ tẻ đã có quyền lên mặt ta đây. Nên nhớ; tôi vẫn là thầy em, là cấp trên của em. Tôi nâng em lên được thì cũng dìm xuống được… Tôi đứng sững, nước mắt chảy dài. Tôi có làm gì, nói gì sai đâu? Chị đồng nghiệp cùng tổ mắt trước mắt sau thì thầm: Mày nói không sai; nhưng sai ở chỗ dám… chỉ cái sai của sếp! Làm sếp lu mờ, “tội chết” đó em ạ…

Trong tôi, thần tượng đã đổ vỡ.

6.

Không khó để hiểu ra câu thành ngữ ví von của chị đồng nghiệp; càng không lâu la để biết mùi bị “dìm hàng”. Tôi bị dìm; nhẹ nhàng thôi nhưng chết sặc. Càng ngoi lên, quẫy đạp càng bị dìm! Thời lượng giảng dạy chuyên môn của tôi bị cắt tàn bạo, tuần còn 4 tiết (trong khi tôi rất thèm dạy chuyên môn). Đang dạy các lớp cuối cấp (vì tôi là giáo viên giỏi, uy tín chuyên môn cao), tôi bị hất phăng sang đầu cấp, đánh mất luôn cái trách nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi chuẩn bị đi thi Huyện, Tỉnh! Chưa hết; tôi còn bị điều đi làm công tác Đoàn Đội, phong trào cùng nghìn lẻ một chuyện linh tinh chẳng dính líu chi đến tấm bằng Cử nhân sư phạm Vật lí của tôi. Tất tật những chuyện này đều thuộc “quyền sinh quyền sát” của hiệu phó chuyên môn. Phản đối, khiếu nại, thầy Hùng cứ ừ ừ, trường thiếu nhân sự, bố trí khó khăn quá, em thông cảm, từ từ nha…

Không ai biết rõ tôi bằng thầy Hùng.

…Hình như đã khá lâu tôi không chào thầy Hùng. Thầy cũng vậy: trao đổi công việc cùng tôi thầy cứ… ngó lên trời hoặc nhìn mông vào một nơi đâu đó, rất xa. Bề ngoài, mọi thứ dường vẫn vẹn nguyên không có gì đổi thay nhưng - với tôi - tất cả đang dần nguội lạnh. Tôi không còn thấy yêu nghề; cái nghề đã có lúc tôi từng nghĩ rằng tôi sẽ gắn bó sống chết. Tôi đang chuẩn bị cho một nỗ lực chuyển trường. Đi đâu cũng được; miễn không phải giáp mặt thầy Hùng. Tôi cũng bắt đầu manh nha nghĩ đến khả năng thôi việc, tìm nghề mưu sinh khác…

7.

Thầy Hùng bệnh. Ung thư phổi. Giai đoạn cuối.

Tôi đang hoàn tất hồ sơ xin chuyển công tác lên một trường vùng sâu. Đùng cái, mọi sự thành vô nghĩa. Thầy hiệu trưởng yêu cầu tôi ở lại, đề nghị tôi tạm quyền chức danh hiệu phó chuyên môn trước khi có quyết định bổ nhiệm chính thức. Hỏi: sao lại em mà không ai khác? Đáp: theo ý thầy Hùng…

…Tôi đến thăm thầy Hùng vào một chiều đông, mưa gió mù trời. Thầy Hùng nằm mỏng đét, dán chặt xuống giường. Cơ thể đàn ông từng nặng sáu mươi lăm kí lô giờ chỉ còn như hình nhân cắt bằng giấy trắng, xung quanh lằng nhằng đủ thứ kim tiêm, dây nhợ. Ngực thầy thoi thóp từng cơn yếu ớt. Bác sĩ bảo: đã phải dùng morphine liều cao, không thôi đêm bệnh nhân không cách nào chợp mắt! Tôi ứa nước mắt…

Thầy Hùng chợt mở mắt, chớp chớp nhìn tôi. Mặt thầy rạng lên, đôi môi khô cố nhách một nụ cười:

- Em ư? Thầy biết, thể nào em cũng tới…
Y Nguyên
Hứng gió sông khuya
Hứng gió sông khuya

1. Thị trấn nhỏ, nghèo thiu thắt. Thị trấn buồn, buồn đến nỗi mà mấy cọng gió sông thổi phà phà qua mặt mà cũng hửi được hơi hám mùi buồn. Con sông Cái chảy ngang qua thị trấn, xui khiến sao tẻ thành ba nhánh sông. Thị trấn nằm giữa ngã ba nhánh sông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN