Thầy tôi

Năm 16 tuổi, vào một đêm trăng, trên đường về nhà qua bến đò, tôi bỗng thấy dưới bến sông có bóng người đang luyện võ. Trong bóng trăng, bóng ông di chuyển chập chờn, tay chân múa lượn như hoa bay, song vỗ.


Khi ông dừng tập tôi nhận ra đó là ông già lái đò. Lạ thật. Tôi không thể tin ở mắt mình nữa, có ai ngờ ông đã 70 tuổi mà còn khỏe mạnh và giỏi võ như thế.


Từ đó, đêm nào tôi cũng trốn nhà ra bến xem ông tập quyền. Một hôm chờ mãi không thấy ông ra bãi sông, đang định bỏ về, bỗng tôi giật mình vì nghe thấy tiếng nói ở sau lưng: Cháu làm gì ở đây?


Minh họa: Trần Thắng


Tôi quay lại và rất sợ, bởi vì người hỏi tôi chính là ông lái đò. Thấy tôi lúng túng không nói được gì, ông cầm tay tôi và dẫn tôi về căn nhà nhỏ của mình ở ven sông. Trong ánh đèn đêm, ông ngắm nghía sờ nắn chân tay tôi, sau đó hỏi về bố mẹ, dòng họ nhà tôi. Trước khi tiễn tôi về, ông hỏi: Ta biết cháu xem trộm ta luyện võ từ lâu rồi, sao cháu lại ham thích vậy? Nghe tôi nói ước mong của mình, ông trầm ngâm một lúc rồi nói: Tối mai cháu ra đây, giờ thì về đi kẻo bố mẹ mong.


Sau hôm đó, ông kín đáo dạy tôi học võ và học vật, lần nào cũng vậy trước buổi tập bao giờ ông cũng bảo tôi phải đọc những quy ước ông đặt ra. Đặc biệt là câu: “Muốn thành đô vật giỏi, trước hết phải luôn luôn lấy chữ đức làm đầu”! Tôi thường phải đọc ba lần.


Một hôm tôi mạnh dạn hỏi tại sao ông bắt cháu đọc nhiều vậy? Ông ngồi im lặng trên con đò dập dềnh sóng vỗ, mắt nhìn vào màn đêm với vẻ trầm ngâm: Nghề võ là nghề dễ gây nguy hiểm cho mình và cho người. Chỉ cần một đòn đánh hiểm cũng đủ đưa một mạng người sang thế giới bên kia. Người giỏi võ nếu không tu luyện được chữ đức cho chín thì nhất định có ngày vô tình sẽ gây đau khổ cho người khác.


Vì vậy ông muốn cháu phải luôn lấy chữ đức làm trọng. Dưỡng tâm rèn đức tốt có vậy mới tránh được sự nôn nóng, hiếu thắng, đôi khi dẫn đến mất tỉnh táo gây nguy hiểm mà thường ở tuổi thanh niên hay mắc phải. Ông châm lửa hút thuốc lào rồi nói tiếp: Cháu là học trò duy nhất của ông, thấy cháu có nhiều triển vọng ông rất mừng, hãy tu luyện cho tốt để làm rạng danh cho làng võ quê ta.


Từ đó, ông mang hết sở trường, sở đoản của mình truyền cho tôi. Không phụ công thầy, tôi chăm chỉ luyện tập không kể ngày đêm. Nhiều lúc ngứa ngáy tay chân tôi cũng muốn trổ tài với các lò vật khác trong làng nhưng lại sợ nếu lại xảy ra điều gì lại làm phiền đến thầy, nên tôi không dám.


Thế rồi bốn năm trôi qua tôi trở thành một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh nhất vùng.


Đầu xuân, làng tôi theo lệ cũ lại mở hội vật, lệ vật ở làng được quy định từ bao đời nay vẫn không đổi. Khi vào hội, các đô vật phải tập trung tế lễ ông tổ nghề vật trong làng (nghe nói đó là một danh tướng đời nhà Lý, về già ông trở về quê dạy võ và dạy vật cho dân làng. Khi ông mất được làng lập miếu thờ). Sau lễ tế tổ thường là các đô vật được giật giải năm trước lên giữ giải, giải thưởng thường là tiền hoặc dải lụa hồng điều hay một đồ vật nào đó.


Năm ấy, ngày đầu tiên các đô vật trong các lò vật tranh nhau phá giải. Ngày thứ hai giải thuộc về tay đô vật người huyện bên. Ngày thứ ba, giải thuộc về đô vật người vùng biển.


Sắp đến giờ trao giải sau ba ngày thi đấu quyết liệt, người làng xôn xao vì xem chừng năm nay giải lại thuộc về nơi khác. Thật ra giải thưởng chẳng đáng là bao, nhưng danh dự đất vật xem chừng bị tổn thương, các trưởng lò vật chụm đầu bàn mưu tính kế, nhưng nát óc cũng không tìm người ra tranh giải mà nghe đâu đô vật này vừa mới tham dự giải vật quốc gia trở về. Đối thủ không vừa lại còn ông thầy của anh ta nữa, tuy tuổi xấp xỉ 50 nhưng vẫn còn tráng kiện lắm.


Cụ đô già nhìn quanh sới vật rồi nói: Chỉ còn năm phút nữa là hết giờ thi đấu, có đô nào vào tranh giải nữa không? Đến lúc này thầy mới vỗ vai tôi bảo nhỏ: Hôm nay thầy cho phép con trình làng. Cần bình tĩnh và nhớ rằng đối thủ tuy cao to nhưng lại chuyên đánh đòn thấp, chủ yếu là đòn vét, đòn kê, thế là họ đã bỏ sở trường để lâm vào sở đoản, con cần khai thác triệt để điểm yếu này. Vào sới cứ ra đòn thấp, bất ngờ đánh đòn cao thì thế nào cũng thắng. Con vào đi, thầy tin ở con.


Chỉ chờ có vậy, tôi bước vào sới trình làng xin được phá giải. Khỏi phải nói cả xới vật xôn xao đến mức nào vì cả làng chỉ biết tôi rất khỏe chứ không thấy tôi học võ ở lò võ nào. Nhưng không sao, cứ có người làng ra tranh giải là tốt rồi. Mọi người vỗ tay như pháo nổ.


Sau khi xe bài đá tay tư, đối phương lao vào tấn công dữ dội. Nhớ lời thầy, tôi bình tĩnh chống trả, bất ngờ đánh miếng gồng đôi quật đối thủ nằm dài trên sàn, vỗ vào bụng đối phương ba cái theo luật làng, tôi ung dung ngồi vào ghế dành cho người giật giải trong tiếng hò reo của dân làng. Bên tai tôi vang lên tiếng người xem hỏi nhau: “Lò vật nào đào luyện được đô giỏi thế, sao kín tiếng vậy? Thật là tuyệt vời vì đã giữ được thể diện cho đất vật”…


Tuy nhiên, cuộc so tài chưa kết thúc. Ông thầy của đô vật kia bỗng xin vào xới. Cả sới vật bỗng trở lại ồn ào, huyên náo.


Tôi vững dạ tiếp đối thủ, ông đô già quả là người từng trải. Hiệp một, hiệp hai trôi qua, hiệp ba ông dùng toàn đòn hiểm với quyết tâm hạ tôi bằng mọi giá.


Vừa tránh được cú đánh vét, tôi lại bị ông túm vào cổ xương bả vai. Mặt tôi nhăn lại vì đau. Sau khi thoát được đòn hiểm tôi lừa thế túm chặt được hai bàn tay ông, hai bàn tay cứng như thép của tôi siết chặt vào huyệt khuỷu tay của đối thủ. Sức trẻ tuổi hai mươi cộng với đòn thù dồn cả vào đó, khuôn mặt ông dần chuyển sang tím tái. Đúng lúc đó tôi luồn người kê vai đánh miếng gồng đôi sở trường hất tung ông ra sới. Bỗng có tiếng quát vang lên: Dừng tay lại thu đòn về!...


Một bóng người bay vào sới, hai cánh tay dang rộng như một con đại bàng đỡ trọn lấy ông đô già bị tôi hất tung đang chới với trên không. Tôi giật mình vì người vào sới không phải ai xa lạ mà là thầy tôi. Sau khi đỡ ông đô kia đứng lên, thoáng vẻ giận dữ hiện lên khuôn mặt, thầy tôi lạnh lùng đưa mắt nhìn tôi, thấy vậy tôi chắp tay ngỏ ý xin lỗi ông đô thua trận. Ông cười mà nói to: Không sao! Lỗi là tại tôi, mừng cho làng vật xuất hiện kỳ tài…


Mặc cho người làng níu kéo, tôi đảo mắt tìm thầy nhưng không thấy thầy đâu, tôi lách đám đông chạy ra bến đò, thấy thầy tôi ngồi đó với khuôn mặt rất buồn.


Mặc cho tôi phân trần, thầy nhìn thẳng vào mắt tôi: Con đã trưởng thành nhưng ta rất thất vọng vì con đã phạm vào điều cấm kỵ của con nhà võ. Người chiến thắng phải thể hiện chí khí, tâm đức của bậc quân tử chứ không thể điểm huyệt rồi dùng đòn hiểm đánh ngã đối phương. Cách xử sự của con hôm nay là tư cách của kẻ tiểu nhân, từ nay tình thầy trò ta chấm dứt! Con về đi… Nói xong, thầy tôi quay mặt đi. Trên mắt ông thoáng hiện lên giọt lệ buồn.


Từ đấy tôi không dám tham gia một giải vật nào nữa, mặc dù nhiều nơi tới mời. Gần một năm sau thầy tôi mất. Trước khi qua đời, ông cho người tìm tôi và bảo tôi lại gần giường bệnh nói trong hơi thở yếu ớt: Chắc con giận ta lắm phải không? Ta để ý thời gian qua con tiến bộ rất nhiều về cả đức và tài. Ta cho phép con được tham gia các hội đấu vật nhưng luôn phải ghi nhớ tâm đức là gốc rễ của đạo làm người, người không có đức khác chi cây không rễ. Có tài mà không có đức cũng chỉ là đồ vô dụng, bỏ đi… Con phải luôn nhớ cần rèn luyện sao cho tài, đức vẹn toàn… Sau này nếu có thu nhận học trò thì phải nhớ cần rèn luyện đức, tài là chính, chứ không vì thành tích trước mắt mà bỏ đi cái gốc của đạo làm người, đó là: Tâm, tài, đức, nghĩa, dũng.



Kỳ Hội

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN