Những tấm lòng hướng về phía biển

Chiếc thùng quyên góp tiền ủng hộ Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư cứ được chuyền tay nhau đi từ đầu chợ đến cuối chợ, đi qua tất cả các dãy ki ốt. Đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà công việc này chưa chấm dứt.

- Trời đất! Tôi chờ từ nãy giờ mà chưa tới lượt mình nữa. Mấy ông, mấy bà làm lẹ lên đi để mấy chú “chánh quyền” còn đi vận động chỗ khác nữa chớ. Ngoài “ngoải” phe ta đang chờ những tấm lòng ủng hộ của mình đó. Tiếng bà hai bán mắm nói sang sảng.

- Thì ai hổng gấp. Tại nhiều người “yểm hộ” nên mới lâu như vầy. Mà tui bực mình, bực mẩy cái đám Trung Quốc này quá trớn. Cái miệng thì nói “hủ nghị” anh em mà hở “chịch” một chút là nó lấn đất, lấn biển. Quân… quân… Định chửi đổng vài câu nhưng tìm hoài không biết dùng cái từ gì cho hả giận nên chị ba bán cháo lòng im re.

Cuối cùng rồi cuộc vận động cũng xong. Chú Tám “mặt trận” cùng mấy người ở xã vừa đặt thùng tiền vận động lên xe vừa nói:

- Xin cảm ơn tất cả bà con cô bác, thiệt tôi hổng ngờ bà con mình ủng hộ quá trời. Dân mình là vậy. Bình thường thì xích mích giận hờn tá lả, chớ khi nghe đất nước có giặc thì ai ai cũng bỏ qua chuyện riêng để lo việc nước. Vậy mới ngon chớ. Thôi tôi đi đây.

- Khoan chú Tám ơi, chờ con một chút. Tiếng thằng bé bán vé số trạc mười một, mười hai tuổi quần áo lấm lem, tóc vàng hoe hôi mùi khét nắng cất lên làm chú Tám dừng xe lại.

- Gì đây thằng nhỏ? Chú hết “pin” mua vé số rồi con. Hẹn hôm khác nghe.

- Con hổng có kêu chú mua vé số đâu. Con kiếm chú đưa tiền gởi ra biển cho mấy chú “công an” ngoài biển với mấy chú kiểm tra cá tép, thấy mấy chú cực te tua quá, con bực quá trời.

- Thôi đi ông con. Người ta gọi là Cảnh sát biển với Kiểm ngư ông ơi. Ai kêu như ông nào là công an, nào là kiểm tra cá tép.

- Thì con đâu biết kêu sao, cứ nhắm chừng kêu đại. Hổng trúng thì thôi, mắc mớ gì chú. Nè chú đếm đi. Bốn chục ngàn đồng đó nghe hổng thiếu một cắc. Nói đoạn nó dúi vào tay chú Tám những tờ giấy bạc mệnh giá một ngàn lẫn hai ngàn.

Chú Tám nghe sóng mắt mình cay cay. Ai chớ thằng nhỏ tóc vàng mồ côi cha mẹ bán vé số nuôi bà nội nó xóm này ai mà hổng rành. Tội nghiệp nó chỉ có mấy bộ đồ cũ mèm bận đi bận lại để “hành nghề”. Nghèo vậy nhưng chưa bao giờ xóm này thấy nó bị tai tiếng xấu. Ngược lại hễ thấy nhà nào có chuyện thì nó xung phong giúp việc “từa lưa hột dưa”. Nhiều người thấy nó hiền lành, siêng năng, xốc vác nên sau đám tiệc gởi cho nó ít tiền. Vậy mà y như rằng nó cười hề hề kèm câu nói “ … chuyện nhỏ, hàng xóm mà, tiền bạc gì…” rồi nó biến mất.

- Nhà bây còn khó khăn lắm, thôi giữ lại tiền để lo cho nội đi. Chú Tám nói khẽ trong sự xúc động vô bờ.

- Có gì đâu chú, bữa nay bán vé số đắt lắm, con tính mua đôi dép mới nhưng tối qua coi vô tuyến thấy mấy ông “Ba Tàu” phun nước, chọi ly chén qua tàu mình con ức quá trớn. Phải chi lúc này con lớn, con xung phong ra biển chơi tay đôi với mấy chả. Thiệt là…

Vừa nói, nó vừa bỏ chạy như sợ chú Tám không chịu nhận những đồng tiền thật ít ỏi nhưng chứa đựng lòng yêu nước của nó. Nhìn bóng dáng thằng nhỏ khuất dạng sau lũy tre, chú Tám bồi hồi nín lặng. Nắm tiền lẻ nhỏ nhoi của nó mà chú đang nắm trong tay như ấm dần lên. Thằng nhỏ vậy mà làm chuyện thiệt lớn lao.

Mới hôm qua đây, khi đi làm về ngang qua nhà bà Bảy bán vật liệu xây dựng, chú chợt giật thót mình khi nghe tiếng bà gọi ghé nhà. Trời đất. Bà này kêu chắc có chuyện gì không ổn đây. Là hàng xóm của bà đã hơn ba mươi năm nay, chú rành tỏng tòng tong tánh nết của người hàng xóm khó tánh, keo kiệt này.

Quanh năm suốt tháng “bả” có quan hệ với ai đâu. Chó dữ nuôi cả chục con. Ấp, xã mời họp lần nào bà cũng có lý do vắng mặt. Chính quyền vận động các nguồn quỹ phúc lợi xã hội, giúp đỡ bà con nghèo bị thiên tai bão lụt đều bị gia đình bà từ chối với nụ cười khinh khỉnh. Vậy mà hôm nay bà ta gọi chú ghé nhà, chuyện gì nữa đây? Thôi thì cứ ghé xem sao. Chú Tám ngẫm nghĩ.

Rót ly nước lọc mời khách với cái cười thân thiện, bà Bảy mở đầu câu chuyện:

- Tôi mời chú ghé đây để tôi đóng góp tiền gởi tới mấy chú cảnh sát, mấy chú kiểm ngư đang làm nhiệm vụ xua đuổi cái giàn khoan “chà bá” của Trung Quốc “dìa” nước. Làm ăn gì sống nhăn vậy. Ăn đằng sóng, nói đằng gió có ngày hà bá cũng lôi tụi nó xuống cho diêm vương hỏi tội.

Chú Tám chột dạ. Trời đất quỹ thần thiên địa ơi. Cái bà hàng xóm bủn xỉn, keo kiệt kia sao bữa nay khuôn mặt trở nên dễ thương, dễ gần gũi quá chừng. Hóa ra trước giờ chú nghĩ sai về bà. Dù khó tiếp cận đi mấy, dù khó tánh mấy đi nữa nhưng khi đã biết, đã nghe, đã thấy việc Trung Quốc xâm lấn biển của ta thì bà ta sẵn sàng ủng hộ với thái độ thật trân trọng và trách nhiệm biết bao.

- Tôi tính mua thêm chiếc xe “e bờ lốp, bờ lắc” gì đó để đi tới đi lui, giờ nghĩ lại thôi chịu khó đi xe cũ đang xài cũng được. Từ từ tính sau. Chuyện “oánh” giặc mới quan trọng và cấp bách hơn. Tôi ủng hộ bốn chục triệu đồng cho quân ta nghe chú Tám.

Chú Tám nghe lùng bùng lỗ tai vì sợ nghe lầm. Bốn chục triệu đồng. Có lộn hôn vậy cà? Một con người mới đây thôi trong suy nghĩ của chú và nhiều người là xa lạ, dị biệt… nay tự nguyện đóng góp số tiền khá lớn kia bởi một lẽ giản đơn: góp phần giữ biển đảo quê hương. Chú tưởng tượng ngày mai này khuôn mặt người hàng xóm “dễ thương” kia sẽ rạng rỡ, phấn khởi biết bao khi chính tay bỏ vào thùng quỹ những đồng tiền yêu nước của mình. Chú chợt hối lỗi và tự thẹn về những suy nghĩ của mình về bà.

Về tới nhà, chú Tám thấy khá đông người ngồi chờ ở phòng khách của mình. Chiếc thùng quyên góp mang dòng chữ “Tất cả vì biển đảo thân yêu” đặt trang trọng giữa nhà. Bên bộ ván ngựa láng bóng đang lên nước là đám thằng Liêm, con Ngọc, con Oanh, những thành viên trong tổ vận động đang có mặt đầy đủ. Trên chiếc ghế đai đặt giữa nhà, dì Tám “thương binh” ngồi ngay ngắn “vô đề” liền khi chú Tám bước vào.

- Bây làm gì đi “dìa” trễ dữ vậy? Tao với xấp nhỏ đợi muốn chết.

- Dì thông cảm. Tại con mắc ghé nhà bà bảy vật tư xây dựng nên về trễ. Mà chiều nay dì ghé con có chuyện gì hôn?

- Bộ mày tưởng tao ở không chắc. Hổng “quỡn” đâu con. Tao tới đây để ủng hộ tiền cho lực lượng làm nhiệm vụ của mình ở Biển Đông. Thấy mấy đứa nhỏ gian nan, nguy hiểm, vất vả quá, tao khóc hoài, cầm lòng hổng đậu mày ơi. Tưởng hòa bình làm ăn dễ dãi, thuận lợi. Ai dè cái tụi bất nhơn, ngang ngược kiếm chuyện xâm lấn biển đảo của mình. Rồi tụi nó cũng sẽ thất bại thôi. Thế giới đang ủng hộ mình mà.

- Chà coi bộ dì cũng rành rẽ thời sự quá há. Nói chuyện giống y chang mấy ông Tuyên giáo.


- Hổng rành sao được mậy. Bữa nào tao cũng bắt “vô tuyến”, nghe “la dô” về Biển Đông coi tới đâu. Mình là người Việt Nam mà mậy. Thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong lúc dầu sôi lửa bỏng như lúc này là có tội với Đảng, với dân, với đất nước, với Bác Hồ nghe con. Dì Tám xổ luôn một mạch.

- Dạ, con biết rồi, mà dì định đóng góp bao nhiêu?

- Tao góp hai chục triệu.

- Hai chục triệu?

- Ờ. Thì hai chục triệu, mà mắc mớ gì mà mặt mày xanh như tàu lá giống mấy cái thằng đi ăn trộm trâu quá vậy? Bộ chê ít hả?

- Dạ đâu có. Tại con hơi bất ngờ. Con thấy nhà gì cũng không dư giả gì cho lắm. Dì lại là thương binh nay đau mai yếu nữa. Vậy mà… mà.

- Mà mà cái gì. Tao làm gì đều có “tính tán” hết ráo. Tiền này là tiền hưu, tiền thương binh của tao, tiền liệt sỹ của ổng, tao dành dụm mấy năm nay để dưỡng già. Nay thấy vụ Biển Đông này quá trớn rồi nên tao quyết định lấy số tiền này gởi ra “ngoải”. Có vậy tao ngủ mới đặng giấc.

- Nhưng rồi mấy đứa con, đứa cháu có ý kiến gì về vụ này hôn? Không khéo lại…

- Mày sợ tụi nó cản đản tao chớ gì. Hổng dám đâu. Tụi nó còn giơ tay cái rụp ủng hộ “chiện” làm của tao nữa mới ngon chớ. Vài bữa nữa tụi nó kiếm mày để đóng góp như tao nữa đó nghe.

Nhìn mái tóc bạc phơ của dì Tám bay lất phất do ngọn gió chiều ào ào len qua khung cửa sổ cùng với nụ cười thật mãn nguyện, trọn vẹn, đôi mắt ánh lên niềm vui khó tả, chú Tám nghe lòng ấm áp lạ thường. Người nữ thương binh hạng hai trên bốn kia đã từng vào sanh ra tử làm khiếp vía quân thù, đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước nay lại dành dụm những đồng tiền xương máu của mình gởi đến những chiến sỹ nơi biển đảo xa xôi. Cái thằng tóc vàng bán vé số mồ côi kia tuy nghèo nhưng nhất định không mua đôi dép mới để chuyển số tiền nhỏ nhoi đến với mấy chú “Công an biển”, “Kiểm tra tôm cá” với tấm lòng yêu nước sáng trong. Và đây, người “hàng xóm” biệt lập khó gần gũi lại làm chú sững sờ khi đóng góp số tiền to lớn với nụ cười rạng rỡ. Lạ quá đi. Còn nhiều. Nhiều lắm những tấm lòng của những tiểu thương ở cái chợ quê nghèo nhưng tấm lòng yêu biển đảo đang rộng mở vô bờ.

Chú hiểu, những tấm lòng ấy đang cùng đi đến một điểm hẹn lương tâm, những tấm lòng cùng đang đi về phía biển.


Truyện ngắn của Song Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN