Nhật ký ngày “nằm ổ”

Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, một quyển sổ rất dày rơi từ giá sách xuống dưới chân mẹ. Đấy là cuốn “Mười năm đầu đời của bé” mà các bác mua tặng nhân ngày mẹ sắp sinh con.

Mẹ ngồi xuống sàn nhà, lần giở từng trang toàn nét chữ viết vội. Ngạc nhiên vì những cảm xúc gần như đã bị lãng quên.

Ngày ấy, khi mẹ mới sinh con, bà ngoại không cho mẹ sờ đến sách vở sớm. Mẹ tranh thủ lúc bà đi chợ để viết nhật ký cho con và cũng tranh thủ xả stress vào đây.

Này nhé, bà ngoại bắt mẹ kiêng đủ thứ: tắm gội, cầm chổi quét nhà, kim chỉ, xem ti vi, đọc sách báo, ăn rau cải, thịt mỡ, cá đồng... Thức ăn quanh đi quẩn lại chỉ có rau ngót và thịt nạc kho nghệ.

Răng mẹ sau khi sinh tự dưng yếu ớt hẳn, gặp phải mấy “bạn” thịt nạc khó nuốt, mẹ nhai mà nước mắt vừa ứa ra.

Trước khi sinh, mẹ tham khảo tài liệu thì thấy có ai bắt phải kiêng nhiều như thế đâu. Mẹ không dám cãi lời bà nhưng trong lòng ấm ức vì sự kiêng khem truyền đời ấy.

Chưa đầy một tháng kiêng khem thì mọi thứ rối tung lên. Mẹ bị táo bón, đau đến mức nghĩ đến chuyện vào nhà vệ sinh là toát hết mồ hôi. Mỗi ngày bố mua 1 quả đu đủ to cho mẹ mà không ăn thua. Bực mình, bố mua luôn cả bao tải đu đủ, quả lớn quả bé chất đầy nhà! Mẹ toát mồ hôi vì sợ đu đủ.

Có bác hàng xóm đi nghe ngóng ở đâu về, bảo mẹ thử làm món mộc nhĩ để chống bệnh táo bón. Thế là đến “điệp khúc mộc nhĩ”. Bà nghĩ ra đủ cách để món mộc nhĩ có mặt trên mâm cơm nhà mình sáng, trưa, chiều, tối.

Đợi bà đi ra ngoài, mẹ vơ vội cây bút giấu kỹ dưới chiếu, hí hoáy viết: “Mẹ trông chả khác gì một con bò sữa. Người ngợm phát phì, sữa tức anh ách 2 bầu ngực, thi thoảng lại phải thay áo vì sữa chảy tràn ra ngoài. Con bò sữa quanh đi quẩn lại chỉ có mấy món rơm khô. Mộc nhĩ cũng nở hoa như hoa khô trong bát cơm chan đầy nước mắt”.

Nhưng nói công bằng thì cái thứ hoa khô ấy cũng có tác dụng tuyệt diệu. Chỉ 1 ngày sau, mẹ đã hết nhăn nhó khi đi vào nhà vệ sinh. Mộc nhĩ sau này trở thành món mẹ rỉ tai cho những chị em sắp đến ngày ở cữ.

Mẹ nóng, con cũng nóng. Các vết đỏ bắt đầu tấn công từ mặt ra tứ chi, rồi lan khắp người con. Bà ngồi vắt óc nhớ lại các kinh nghiệm truyền đời. Bà mua kê về để tắm cho con.

Không ổn, lại đi hái trộm nắm lá đỗ ván nhà hàng xóm. Các vết đỏ bắt đầu lở loét ra. Mẹ sợ quá, bắt bố bế con đi khám bác sĩ da liễu. Về nhà, đọc thấy đơn thuốc dùng cho trẻ 2 tuổi trở lên, mẹ ngồi thừ ra. Con mới được vài tháng, non nớt thế này, liệu có phù hợp với thứ thuốc dùng cho trẻ lớn?

Cuối cùng, mẹ đành cầu cứu các bà hàng lá. Mẹ trùm khăn, đội nón, lò dò ra chợ, trình bày hoàn cảnh mẹ nóng, con phát ban. Bà hàng lá bốc cho mẹ 1 nắm hỗn hợp các loại lá lẩu, bảo mẹ về rửa sạch, đun sôi, mẹ uống, còn con thì tắm.

Thứ thuốc dân gian thế mà hiệu quả không ngờ. Chỉ 2 hôm sau, các vết loét trên da thịt con đã dần se lại. Ban đỏ ngừng tấn công cơ thể non nớt của con. Mẹ lại lò dò ra chợ, xin mua thêm “thuốc tiên” đủ dùng cho 1 tuần.

Sau này, hễ nhà ai có trẻ bị nổi mẩn, mẹ lại hăng hái giới thiệu món thuốc lá “tả pí lù” ấy. Giờ đọc lại nhật ký những năm đầu đời của con mới chợt nhớ, không dưng mà mẹ được nhiều bà mẹ trẻ tin cậy hỏi han kinh nghiệm.

Thực sự, mẹ gần như quên mình đã vất vả khổ sở thế nào trong những ngày “nằm ổ”.

Khi cô hộ lý đến nhà tắm cho con, mang theo thông báo: “Ngừng ăn nghệ và các loại quả màu vàng” vì con có hiện tượng vàng da, mẹ choáng váng như thể đất đang sụp đổ dưới chân mình.

Mẹ đọc sách, thấy vàng da khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nước mắt mẹ lại chảy tràn, khiến bà sốt ruột.

Bà mắng át đi: “Khóc vừa thôi, không thì hết sữa nuôi con”.

Mắng thế rồi bà chạy vội ra ngoài. Hình như bà còn khóc nhiều hơn mẹ. Mẹ im tịt. Làm mẹ khổ thật đấy, đến khóc cũng phải nhịn.

3 hôm sau, cô hộ lý tắm cho con xong, ngắm nghía mãi rồi mới phán một câu: “Con không phải bị bệnh vàng da đâu. Tại mẹ ăn nghệ nhiều quá!”.

Mẹ chỉ muốn ôm cô hộ lý quay 1 vòng để cảm ơn. Mẹ thấy mắt bà đỏ hoe. Chắc bà cũng mừng giống mẹ. Bà bảo: “Thôi không ăn nghệ nữa thì để bôi nghệ vậy, cho đẹp da”.

Mẹ ngán ba cái vụ nghệ làm dây bẩn chăn chiếu nhà mình lắm. Nhưng mẹ chẳng dám cãi lời bà, vì mẹ biết bà đang làm những gì tốt nhất cho mẹ con mình.

Tiếng giã nghệ đều đều từ trong bếp vọng ra khiến mẹ nao lòng. Bế con bé bỏng trong vòng tay, mẹ mới thấm thía cái hạnh phúc và cả khổ đau của tình mẫu tử.

Song Nhi  


Theo PNVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN