Ngọt ngào tuổi thơ

Chùa làng nhỏ nhắn nhưng rất đẹp bởi bao quanh nó là những gốc cây cổ thụ cho bóng mát quanh năm. Chùa nằm trên một gò nhỏ nhưng có đến gần trăm bậc đá để lên xuống.

Đá lắm sắc màu được đẽo gọt đơn sơ nên trông cũng cổ kính. Chùa nghèo nên chẳng có cặp rồng tranh châu hay kỳ lân, sư tử nhưng có rất nhiều loại hoa đẹp và quý. Có lẽ thế nên gió ở chùa lúc nào cũng thơm.

Sân chùa rộng và mát, còn sư thầy thì thật hiền. Đó là nơi lý tưởng để bọn con nít chúng tôi thoải mái dàn các trò chơi của mình ra mà không bị la rầy. Đã thế, thi thoảng sư thầy còn cho quà bánh nữa chứ. Vì là trẻ quê nên việc quét dọn sân nhà hầu như hằng ngày. Sân quê không có rác nhưng nhiều lá, nhiều cành nhánh khô mục. Chơi xong thì chia nhau dọn dẹp sạch sẽ rồi mới ra về.

- Mai chúng con xin được lên đây chơi tiếp sư nhé.
- Ừ, nếu các con thích.

Ba tháng hè vì thế mà qua thật nhanh, nhanh như hòn sỏi lao vút về xa khi chúng tôi buông dây ná. Món này thì sư thầy không thích bao giờ nên muốn lên chùa thì chúng tôi phải giấu chúng đâu đó. Trẻ quê mà không chơi ná là chuyện bất thường. Ná là công cụ để bắn chim, bắn chuột. Ná cũng góp phần bảo vệ mùa màng bởi lũ chim ăn lúa vừa thấy chúng tôi là vù bay mất. Chúng sợ chúng tôi thì ít còn sợ cái ná thì nhiều. Chim ăn lúa thường hót không hay nên có bị bắn thì cũng chẳng ai thương hại gì. Còn các loại chim khác thì chúng tôi cũng yêu thích lắm nên vườn làng tôi lúc nào cũng líu lo tiếng hót. Những tiếng hót tưởng chừng như xâu chuỗi ấy được kéo giãn ra rồi rơi xuống những thảm cỏ mướt như nhung hay hòa lẫn vào đất đồng.

Các trò chơi mà chúng tôi thường chơi là trốn tìm, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, ô ăn quan, tập tầm vông, kéo co hay nhảy lò cò gì cũng được còn chơi nhà chòi hay đá dế thì sư thầy không cho bởi bẩn và ác.

- Đá dế thì đâu có gì là ác mày nhỉ? - Thằng Du nói với con Nụ.
- Cũng ác chứ. Khi không mà phải cắn xé nhau.
- Chả ác gì bởi cậu nào biết mình yếu thì vừa so càng đã chạy mất đất rồi còn đâu.
- Nhưng dế cồ lửa thì ít khi bỏ chạy nếu hai con một chín, một mười.
- Ừ, mày nói đúng. Con chạy do bị ê càng. Chắc cũng đau lắm.
- Đau chứ sao không. Mày chỉ cần bị cái gai nhỏ đâm vào tay là khóc tè tè rồi.
- Xí, mày khóc thì có.

Vậy là háy nguýt. Vậy là giận nhau. Con Nụ bỏ đi một lèo làm thằng Du chưng hửng. Nó đứng như trời trồng mà không biết phải làm sao. Nó đến thềm chùa ngồi tiu nghỉu, buồn buồn. Nó biết là nó thích con Nụ còn con Nụ hình như cũng thích nó bởi ngày nào chúng nó cũng đi học chung đường. Nhà cũng gần nên khi bị thầy cô phạt hay la rầy thì chúng thường giấu nhẹm cho nhau. Chỉ khi tức lắm thì chúng mới đem chuyện ấy ra làm áp lực thì đứa kia phải răm rắp cầu hòa.

Miếng ngon bao giờ cũng nhớ lâu nhưng miếng thật đắng thì cũng nhớ lâu. Đó là lúc hai đứa mải mê chơi đến đói cồn cào thì vào vườn chùa hái trộm mấy quả vả. Chẳng có cây nào có quả chín dưới thấp nên chúng đành ăn quả xanh chát líu lưỡi mà vẫn cười nói lu loa. Đến khi sư thầy gọi chúng vào chùa thì chúng mới sợ hãi.

- Hai đứa quỳ xuống đó.
Rồi thầy chậm rãi:
- Trộm vặt là xấu lắm. Các con phải từ bỏ tính đó. Của nhà chùa hay của ai cũng vậy, muốn ăn hay làm gì thì phải xin.

Nói rồi sư thầy ra vườn lấy cây lồng hái những quả đã chín xuống. Quả chín cũng có nhiều lông nhỏ li ti nên sư thầy dùng lá vả kì cọ cho hết rồi mới rửa sạch. Khi mùi vả chín ngọt lự kịp lan tỏa đến mũi chúng cũng là lúc sư thầy bảo chúng đứng lên:
- Các con ăn đi, còn thì cho bạn. Nhớ là lần sau đừng tái phạm nữa nhé.
- Vâng ạ. Chúng con cảm ơn sư thầy.

Chúng ù chạy khỏi chùa rồi chia nhau và dông thẳng về nhà mà không cho ai cả. Chúng mê cái màu và mùi của vả chín lắm. Màu thì không chê vào đâu được, phơn phớt hồng khi vừa chín tới. Đỏ thẫm khi đã chín nhừ. Còn mùi thì vô cùng cám dỗ, như có mật tan loãng trong làn hương ấy vậy. Đến cái mũi cũng phải ngắc ngư thì trách sao trẻ con không rúc rích, thòm thèm.

Mùa hè cũng là mùa quả chín. Mùa của chích quạch, chim sẻ, chào mào. Mùa của trẻ con với những dự định, ước ao.
Hơn mười năm kể từ khi Nụ mất, thằng Du đã lớn sầm, đã vào đại học. Hè nào về quê nó cũng lên chùa, thăm lại vườn vả ngày xưa. Mỗi lần như thế sư thầy đều nhắc nó: “Con hãy cầu nguyện cho Nụ”. Du thấy đau râm ran cả lòng. Nó oán trách trời cao, đất dày và sự bất công của tạo hóa. Nó nhớ tới câu chuyện mà ngày trước ngoại nó thường kể cho nó nghe:

“Có một đứa con làm lụng cực nhọc nhưng không lo nổi cho mẹ già, đến khi quá túng quẫn thì đâm ra trách cứ mẹ. Cho mẹ là một gánh nặng nên nó quyết cõng mẹ vào bỏ trong rừng.
- Con đưa mẹ đi dạo nhé.

Mẹ nó không nói gì. Đến khi nó phát hiện mẹ nó rải những vỏ thóc theo dọc đường đi thì nó đâm ra bối rối:
- Sao mẹ làm thế.

Mẹ nó trả lời qua nước mắt:
- Mẹ sợ không có mẹ con quên mất đường về.

Đứa con cũng khóc. Nước mắt đã làm trôi đi sự bất hiếu của nó. Nó cõng mẹ về. Từ đó, dù nghèo dù khổ đến mấy nó cũng hết lòng lo cho mẹ. Hàng xóm thương tình cũng góp sức, chung tay bởi sự hiếu thảo của nó đã chạm vào trái tim của họ”.

Cuộc sống có vô vàn gian lao, trắc trở nhưng cũng có nhiều điều thú vị, hân hoan. Hạnh phúc hay nỗi đau lắm khi vô tình tự đến. Cuộc sống thật sự ý nghĩa khi ta biết san sẻ, giúp đỡ người khác mà không hề toan tính gì. Cũng có những vết thương tự lành nhưng đó là những vết thương sơ sài, qua quýt nhưng không thể không làm ta đau. Thằng Du ngồi nhìn chiếc lá vả rơi nghĩ về Nụ. Về nỗi đau của gia đình cô. Về những dự định ngây thơ mà ngày trước Nụ thường thủ thỉ với nó. Đến bây giờ nó cũng không thể hiểu đó là tình cảm hay tình yêu. Ngày đó, chúng nó chắc chỉ chín, mười tuổi gì thôi nên yêu đương làm gì có đất mọc. Khù khờ nhất nước mà dám trạng với ai. Đến ô ăn quan mà tính cũng chẳng xong thì còn làm được trò trống gì. Chơi thua hoài, nó đâm ra phục con Nụ. Nụ tính giỏi. Nhưng rồi nó lại nghĩ khác, không giỏi bởi môn toán vẫn chỉ ngưỡng tầm tầm; chỉ điểm năm, điểm sáu.

Một tin nhắn từ nhà đã cắt ngang dòng suy tư của nó.
- “Nhanh về ăn cơm em nhé, bố mẹ đợi” - Tin chị nó gửi.
Về thôi chiều sắp tàn rồi. Phải chi có Nụ cùng về thì hay biết mấy. Hẳn là vừa lứa xứng đôi chứ không đến nỗi nào. Nụ ngày trước hơi gầy nên bây giờ hẳn rất thướt tha. Không xinh lắm nhưng nhìn hoài cũng không chán.

Dừng lại trước cổng tam quan nghe tiếng chuông chùa rơi xuống lòng nặng trĩu. Không gian như chùng xuống. Màu hoàng hôn hóa thành màu buồn. Nó chợt nhận ra đời người là một chuỗi nuối tiếc. Thời đã qua là thời đẹp nhất dù chẳng ấn tượng gì nhưng hoài nhớ, hoài thương. Nó liên tưởng đến tình cảm của nó và Nụ, chẳng có gì nhưng sao cứ hoài lưu luyến. Nợ. Nó nghĩ đến kiếp trước. Nó sẽ không làm cho ai phải đau lòng vì nó. Bỗng dưng thanh thản đến không ngờ. Tiếng chuông. Phải rồi tiếng chuông đã thức tỉnh mọi lầm mê. Nó huýt sáo bản nhạc yêu thích, thả chúng dọc dài theo đường quê làm cho nụ môi của ai đó sau giậu rào thưa kịp chum chúm nở. Chiều quê thật đẹp, thật đáng yêu làm sao.
Truyện ngắn của LÝ THỊ MINH CHÂU
Chuyện riêng tư chưa kể
Chuyện riêng tư chưa kể

Ánh sáng vàng vọt hắt ra từ những cột điện đường phố rọi xuống bóng dáng người phụ nữ tạo một vệt quầng đen kéo dài trên con hẻm vắng. Đồng hồ trên tay Nhung đã chỉ đúng 3 giờ sáng. Chị cảm thấy nhớ chồng con đến tột cùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN