Mưa phố

Trời chợt đổ mưa lúc Diệp vừa dừng ở bãi đậu xe của quán cà phê, cô giao xe cho cậu thanh niên có nụ cười tươi rói mới chạy ra đón khách rồi chạy vội vào quán. Diệp ngồi xuống cái bàn kê sát trong góc, nơi có mấy dây trầu bà lá thật to leo trên thân cây đại sù sì, gọi một ly cà phê sữa đá khi cô bé phục vụ vừa đặt ly trà xuống bàn mà chưa kịp hỏi gì. Diệp nhấp một ngụm nước trà, hương trà hơi chát và thoảng mùi hoa sen, mùi hương quen thuộc lâu lắm Diệp mới gặp lại. Diệp dựa người vào lưng ghế đan bằng mây êm ái, cảm giấc ấm áp thật dễ chịu và cô không nhận ra một sự thay đổi nào, giống như cô chỉ mới vừa ghé đây tuần trước. Diệp gõ nhẹ trên cái nắp phin nóng hổi và nhìn những giọt cà phê đen nhánh thong thả rơi xuống nền sữa màu trắng đục, một cảm giác rất lạ thoáng qua làm cho Diệp muốn ngạt thở. Sao không có gì khác, cái gì cũng quá thân quen, cả cảnh vật, cả tâm trạng, cả những giọt mưa lung linh như thủy tinh rơi xiên xiên trong ánh nắng màu vàng nhạt còn xót lại. Mọi điều đã cũ nên không thể khác hơn hay là vì tự bản thân Diệu chưa bao giờ quên mọi thứ thuộc về nơi này. Ngày ra đi Diệu đã thề với lòng là sẽ không bao giờ trở lại nơi chốn đã làm cho mình đau lòng, không phải là chạy trốn mà là không muốn mang những ký ức đau khổ theo mình trong suốt quãng đời còn lại.

Minh họa: Trần Thắng.


Khi Thăng ngỏ lời cầu hôn, Diệp đã nói với anh lời xin lỗi:

- Em không còn yêu được nữa đâu anh, có làm vợ anh thì cũng sẽ làm tổn thương anh mà thôi. Chúng mình hãy cứ là bạn với nhau, là tri kỉ thôi được không anh?
Diệp nhớ mãi nụ cười hồn hậu của Thăng:

- Diệp có một cái tật rất dở là trả lời ngay đề nghị của người khác mà không hề suy nghĩ. Thôi cứ xem như anh chọn điểm rơi không đúng lúc.

Và Thăng đúng là một người bạn ở cạnh Diệp, bảo ban, giúp đỡ Diệp ngay từ thời gian đầu Diệp ở lại thành phố. Diệp đã có những ngày khó khăn khi lâu quá đã phụ thuộc vào người khác. Nhớ lại và cũng thấy tự giận mình đã sống nhu nhược, cuộc sống trước đó vô nghĩa, nhạt nhẽo như chưa hề được sống. Chính Thăng đã mang lại cho Diệp những thứ mà cô đã bỏ lỡ, làm cho Diệp nhận ra mình đã đánh mất tuổi trẻ của mình thật oan uổng. Nhưng đúng là bắt đầu lại không bao giờ muộn. Diệp đi học lại, hối hả như sợ không kịp thời gian và khi có được một công việc, Diệp nhanh chóng hòa mình vào nhip sống năng động của thành phố và thật may mắn là Diệp đã lấy lại được những gì mình đã bỏ lỡ. Nhưng may mắn hơn hết là con tim của Diệp biết yêu trở lại để Diệp hồi hộp nhận lời cầu hôn của Thăng, hồi hộp khi nhận ra tín hiệu của đứa con đầu lòng và cảm thấy bình yên trong cái hạnh phúc muộn màng nhưng thật to lớn mà Thăng mang đến cho cô.

Cô bé phục vụ bước đến xin phép nhấc cái phin cà phê ra khỏi ly vì thấy cà phê đã chảy xong rất lâu mà Diệp không biết. Diệp cười cảm ơn và tự tay khuấy cà phê sau khi cô bé dọn bớt những thứ thừa trên bàn, cô gắp những viên đá đã tan chỉ còn bằng đầu ngón tay và cảm thấy thú vị vì viên đá lúc này trông xinh xắn hơn. Diệp có tật là hay nghĩ lan man, hình như những biến cố của cuộc sống đã khiến cho Diệp hay cả nghĩ chứ trước kia cô sống hồn nhiên và đơn giản như trẻ thơ. Diệp chợt giật mình vì một loạt tiếng sấm nổ vang rền và những tia chớp sáng lòa. Trời chuyển mình và đổ mưa thật nhanh như không phải là mới vừa đó nắng rải vàng. Nước mưa tạt mạnh nên Diệp phải chuyển chỗ ngồi vào trong nhà, cơn mưa có lẽ còn kéo dài rất lâu, Diệp lấy trong túi ra quyển sách mà cô vừa mua trước khi đến đây nhưng trước khi mở quyển sách ra thì Diệp nhìn thấy anh. Anh ngồi cách Diệp một cái hành lang có chiếc cầu thang uốn quanh lên tầng trên. Anh đang chăm chú theo dõi mấy con cá vàng tung tăng đùa giỡn với những giọt mưa trong cái hồ nước bên dưới, những giọt mưa làm cho mặt hồ nổi những chiếc bong bóng nhỏ. Diệp nghiêng mình sau mấy cành lá dừa kiểng theo phản xạ tự nhiên, tim đập mạnh. Không biết anh có nhận ra mình chưa trong khoảng cách khá gần thế này hay là anh không còn nhận ra Diệp nữa. Diêp lật sách ra, bàn tay run nhẹ. Diệp cố trấn tĩnh để đọc sách nhưng một lúc lâu rồi mà không đọc được chữ nào. Trời mưa chắc còn lâu lắm và trước khi mưa tạnh anh có kịp nhận ra Diệp không. Có thể anh đã quên Diệp rồi nhưng Diệp thì nhớ rất rõ, mọi chuyện như mới ngày hôm qua.

Diệp lấy chồng năm mười tám tuổi ngay sau khi bước ra khỏi lớp học phổ thông, chưa kịp hẹn hò, chưa kịp biết thời kỳ tiền hôn nhân thơ mộng như thế nào. Anh là mối tình đầu, là tất cả yêu thương, là hiện tại và cả tương lai Diệp lúc ấy. Diệp gặp anh vào năm học lớp mười. Lần đầu tiên ông thầy dạy Anh văn bước vào lớp học, Diệp đã thấy lòng xôn xao. Dáng người dong dỏng, đôi mắt đeo kính và bàn tay thon dài thỉnh thoảng hất mái tóc trên vầng trán rộng của anh khiến cho con tim non trẻ của Diệp rung động. Diệp không biết đó là tình yêu mà thấy sợ anh. Sợ anh chê mình dốt nên Diệp chăm chỉ học hành để lúc nào cũng nổi bật trong lớp học, nhưng Diệp không biết rằng cô cũng đã làm cho trái tim của người thầy giáo trẻ xôn xao. Anh kiên nhẫn chờ đến khi Diệp tốt nghiệp phổ thông là ngỏ lời yêu và cầu hôn cùng lúc. Làm như mấy năm chờ Diệp lớn đã làm cho anh không đủ để chờ đợi thêm. Diệp về nhà anh làm dâu giống như vào một lớp học mới. Mẹ anh khó tính, tỉ mỉ với cô từng tí một, nhưng anh cũng giỏi khi làm người trung gian thật xuất sắc. Dần dần thì mẹ anh cũng yêu thương cô như con gái. Diệp thấy mình thật may mắn, thật hạnh phúc. Nhưng niềm vui đó trở thành vô nghĩa, nhiều năm đi qua mà vợ chồng Diệp vẫn như thời mới cưới. Diệp nuôi một con chó nhỏ và chăm sóc nó như chăm sóc một đứa trẻ. Đi chợ bao giờ Diệp cũng mua cho nó một thứ quà bánh gì đó và cô hớn hở khi nhìn nó cuống quýt vui mừng. Khách đến chơi nhà đều lạ lùng khi nghe Diệp gọi nó bằng con một cách âu yếm. Chỉ có người trong nhà xem đó là điều tự nhiên, không ai khó chịu khi Diệp bồng ẵm, nâng niu con chó, không ai buồn cười khi tối tối cô rửa chân cho chó rồi bồng nó vào giường. Mãi sau này Diệp mới hiểu chỉ có cô không biết nguyên nhân hiếm muộn của mình và sự tử tế của người trong nhà giống như để đền bù cho sự thiệt thòi của cô.

Diệp chia tay anh nhẹ nhàng sau mười năm làm con chim bị nhốt trong lồng. Diệp bước ra khỏi nhà chồng cũng giống như ngày cô bước vào chỉ có những hư hao của mười năm làm vợ làm cho cô giống như một cành hoa héo. Diệp không trách móc hờn giận ai, chỉ thấy lòng tuyệt vọng vô cùng, cô thấy mình không thể nào lấy lại được những mất mát quá lớn trong mười năm. Nhưng ai đó đã nói cuộc đời không cho không ai điều gì và cũng không lấy của ai tất cả, cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác sẽ mở ra. Diệp cảm ơn trời đã mang tặng Thăng cho Diệp. Đôi lúc Diệp tự nhủ phải chăng mình cũng nên cảm ơn anh đã đổi lòng tạo cho Diệp cơ hội bước vào khoảng đời khác. Diệp đã khác xưa nhiều lắm nhưng không hiểu sao khi trở về đây, nhìn lại cảnh cũ, gặp lại người xưa lòng cô lại hoang mang đến thế.

Trời vẫn còn mưa nhè nhẹ. Diệp nhìn những giọt mưa đọng lại trên mái hiên đang chần chừ rồi rơi nhanh và vỡ tung tóe trên thềm và nhớ đến nhiều thứ. Rất nhiều thứ để nhớ đến một chuyện tình của hơn mười năm, đó là những kỉ niệm không thể chối bỏ, nhưng thôi hãy để mọi thứ cứ chỉ là kỉ niệm. Trước khi trở về Diệp đã nghĩ sẽ gặp lại anh, dò xem phản ứng của anh trước hạnh phúc mình đang có. Diệp nhìn sang chỗ anh đang ngồi. Người đàn ông ngày xưa vẫn còn ngồi đó, đôi vai rủ xuống đầy mệt mỏi, anh đang nhìn cái gì đó trong những sợi mưa đang rơi phía trước. Diệp nhìn theo hướng ánh mắt của anh một cách vô thức và cô nhìn thấy cô và anh ngày xưa đang tay trong tay đùa nghịch với mưa trên những con phố.

Diệp bùi ngùi nhớ và cô cũng thấy rằng mình đừng gặp lại anh làm gì, không nên làm cho mọi thứ sống lại để làm buồn lòng nhau.

Diệp rời quán cà phê bằng cánh cửa bên hông. Chú bé giữ xe nhắc: Trời còn mưa kìa chị. Diệp cười cảm ơn, cô cho xe chạy trong mưa. Trời còn mưa rất nhỏ nhưng chắc cũng đủ làm cho cô ướt áo khi về đến nhà. Nhưng không sao, Thăng sẽ là nơi để cô trở về, đầy ấm áp. Chỉ có những con phố ướt đẫm trong mưa nhưng rồi mưa cũng sẽ tạnh. Đâu có sao.

Lưu Cẩm Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN