Miền Ký ức

1.Hè 1972. Ngày đầu tiên về quê nội.


Xuống ga, mò theo địa chỉ trên giấy, tôi phăm phăm về làng. Cánh đồng trắng phếch, những cây ngô quăn queo dưới nắng lửa. Vạt rau lang ven đồng rũ xuống, từng đốm lá cháy xém. Dưới gốc nhãn to, mấy con trâu nằm bỏm bẻm nhai lại... Đến đoạn đường ngoặt, tôi phân vân với hai lối rẽ, đánh bạo hỏi tốp trẻ đang vầy dưới ruộng. Không thấy trả lời, kiên nhẫn hỏi thêm lần nữa, vẫn im lặng. Tôi quay đi, thình lình "bụp…bụp...bụp…" liên tục đất và bùn ném lên, trúng người. Tôi quay lại: “Sao chúng mày ném tao?”.

 

Minh họa: Trần Thắng

“Sao này!!! Bụp …bụp…!!!”…Tôi co cẳng chạy, bỏ lại sau những tiếng cười khoái chí của bọn trẻ trâu. Tôi hoang mang chưa biết đường vào làng, gặp một bà cụ gánh đôi sảo, tôi tiếp tục hỏi thăm. Bà vừa chỉ dẫn, vừa cúi xuống lăn chân lên đống phân bò vãi trên mặt đường cho cuốn tròn lại bám đầy đất mịn, rồi thuần thục dùng mu bàn chân hất nhẹ đống phân lên sảo. Tôi trố mắt líu ríu theo về nhà bà nội. Bà đang ngồi hong tóc trên thềm thảng thốt: “ Lạy chúa tôi! Mày về với ai? Sao bửn thế này? ”.

Tôi nép vào lòng bà nức nở kể lại chuyện bị ném. Bà te tái cầm chiếc quạt mo ra đầu làng vừa phảy quạt về phía trước vừa réo to: “Cha tiên nhân bảy đời nội, tám đời vãi đứa nào vừa ném cháu bà. Nó không biết đường, nó hỏi thăm, chứ nó có động vào mồ mả tổ tiên chúng mày đâu mà chúng mày ném cháu bà thế!”. Bà đột nhiên che quạt ngang trán, hấp háy mắt: “ Ơ! Thằng Thị, thằng Kỳ sao chúng mày ở đấy? Lúc nãy chúng mày có ném không? Cha mẹ đẻ chúng mày ném nhầm vào bác rồi! Mau bảo bố mẹ đến nhà cụ mà xin lỗi bác mày đi!”.


Tin con chú Tập một mình đi tàu hỏa tận Lào Cai về quê loang nhanh. Nhiều người đến và được bà nội giới thiệu kỹ càng. Này là chị, là em, là cô, là bác… nhưng loại là cháu tôi thì nhiều không đếm hết. Về quê, tôi là cô của cả những người gần bằng tuổi cha tôi, là bà trẻ của nhiều đứa bằng vai với tôi…Thật không có gì bằng tình cảm quê hương. Cứ tối đến nhà bà tôi lại đông nghịt! Nhiều người tò mò nhìn tôi: “Chị ở trên đó mà không cạo đầu sơn đỏ à?”. Có người lấy tay gí vào đôi lông mày “Bà không cạo lông mày à?!”.

Tôi cứ phải loay hoay trả lời những câu hỏi như vậy và ngạc nhiên sao quê mình lại hiểu về người miền núi lạ thế. Mãi sau mới vỡ lẽ. Trước đây, trong làng có người buôn chuyến lên mạn ngược về kể chuyện ở đấy toàn người Mán, Mèo ăn bột ngô đồ, uống nước ống bương. Đàn ông quần chàm bổ đũng, đàn bà mặc váy đen, đầu cạo nhẵn sơn đỏ... Nghe chuyện, tôi vô tâm khanh khách cười và bảo “Ừ! Nay mai cháu về cũng cạo đầu sơn đỏ như thế đấy!”.


Bà nội quý cháu gái tận miền ngược về, đi đâu cũng cho tôi đi cùng. Tôi thích được theo bà vào nhà thờ cầu nguyện các tối. Ngắm những bức tranh thánh trên tường, được bà giảng giải từng tích chúa, tôi rởn gai gà thán phục và chăm chỉ theo bà đi lễ các tối suốt thời gian ở quê…


Ban ngày, tôi đi chăn trâu với lũ cháu, lũ em trong đó có cả những đứa đã nhiệt liệt đón tôi ngày mới về làng. Đi thả trâu dưới quê đối với tôi là trò thú nhất. Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở đồng bằng mới thấy cái thú vị của những buổi chăn trâu của lũ trẻ đồng quê vì đồng nghĩa với chăn trâu là các trò nghịch ngợm. Chúng tôi đánh trâu ra gò Lim - nghĩa địa của làng đã có từ bao đời. Những bụi cây dứa dại um tùm mọc từng khoảnh. Những đám xấu hổ lúp xúp chỉ cần chạm khẽ là các lá cúp xuống chỉ còn trơ cọng và những bông hoa hình cầu phớt hồng... bọn trẻ thả trâu trên gò rồi bày trò đánh trận giả. Mỗi đứa ôm một khẩu súng gỗ rồi bò quanh các ngôi mộ để bắn nhau.

Thằng Chiến cạnh nhà bác tôi có vết bớt trên mặt là thằng ngổ ngáo nhất. Có lúc nó nhảy xuống ngôi mộ đã cải táng, lấy tấm ván thiên úp lên người, rồi rình thằng nào đi qua vùng dậy bắn đòm. Thằng này chúa đầu têu những trò oái ăm khiến những đứa đầu bò khác phải lè lưỡi... Thấy tôi hay trốn đi chăn trâu, bà mắng "Cháu bà nghịch quá! Cứ dãi nắng lội nước rồi thì ốm đấy! Lấy chồng quê ta đi, để giữ lấy gốc! Mai cho đi chợ Mi với bà !". Đó là một bãi rộng chật kín người. Toàn là những món hàng dân dã quê mùa! Hai bà cháu len sang hàng tôm cá. Những con tôm càng, thân xanh trong bằng ngón tay cái nhẩy tanh tách. Những con cá tươi rói còn ngáp trong rổ. Thấy tôi hau háu nhìn vào hàng bánh đúc, bà gọi cho tôi một bát đầy. Tôi xuýt xoa thưởng thức vị vừa ngậy bùi, vừa cay cay của bánh đúc lạc chấm tương. Mới được một bát, bà đã kéo đứng dậy bảo: "Ăn thòm thèm mới ngon con ạ!"...


Quê tôi nổi tiếng với những bức tường đá ong dãi nắng dầm mưa không biết từ bao đời. Đường làng lổn nhổn những hạt sỏi đá ong. Mỗi nhà nằm gọn trong bốn bức tường, có cổng gỗ vững chắc. Nhà nào cũng có cây rơm lùm lùm góc vườn và một cái chum to đùng sừng sững cuối sân dùng để tữ thóc, khoai, ngô… Tối đến, ai đi ngoài đường cũng xách theo chiếc đèn bão loại nhỏ chập chờn trên đường…Đêm, bà hay kể chuyện ma và rồi những câu chuyện quỷ sứ, ma mãnh cứ ám ảnh tôi suốt. Một buổi, tôi thức giấc rất muốn đi giải.

Thấy bà và bác dâu ngồi đọc kinh, tôi không dám nhúc nhích vì sợ ma quỷ về bắt…Và rồi nửa tỉnh nửa mê, tôi thấy mình ngồi dưới bụi chuối, rất hả hê, rất nhẹ nhõm…. Đang đọc kinh, nghe tiếng róc rách, bà im bặt, soi đèn xuống gầm giường thảng thốt kêu lên: "Lạy chúa tôi! Con này lớn tướng mà đái dầm này!". Tôi tỉnh giấc, sự đã rồi, chỉ biết nằm im.


2. Những đứa tôi kết bạn thân ở quê có thằng Chiến như đã kể là thằng bặm trợn, lì đòn nhất. Bố mẹ nó không phải là người theo đạo, nó không tin đã đành. Nhưng nó lại hay nhạo báng cả những gì người không theo đạo thờ cúng. Mẹ nó thường chửi: "Mày là đồ vô sư vô sách!". Bà tôi bảo: “Cháu chơi với thằng Giu Đa ấy, sau này không được lên thiên đàng đâu!”. Thiên đàng như thế nào tôi chưa biết, nhưng chơi với thằng mạo hiểm này lại rất thú vị… Hơn một tuần sau, bên nhà nó có tiếng ồn ào, bác tôi te tái chạy về: “Thằng Chiến bị trâu húc xổ ruột rồi!”. Tôi lao sang ngay, mọi người đang chuẩn bị đưa Chiến đi nhà thương.

Một vết xẻ trên bụng nó máu chảy ướt cả võng. Thì ra hai con trâu cà húc nhau ngay trên đường làng. Một con đã chịu thua bỏ cuộc. Con kia vẫn lồng lên đuổi theo. Đường làng hẹp lại có một đám trẻ con đang xúm xít chơi bi. Sợ trâu lồng vào đám trẻ, Chiến đã cầm đòn càn xông vào con trâu hiếu chiến ghìm nó lại. Đang hăng máu, con trâu ngầu đỏ mắt lao vào húc nó. Vừa lúc ấy, hai chủ trâu chạy đến, ghìm lại được. Cũng may, vết húc không nặng, không thủng bụng, xổ ruột như bác tôi nói.


Thằng thứ hai tôi thân là Minh. Người cao ngẳng. Làng đồn nó học giỏi, từng đi thi học sinh giỏi toán của tỉnh. Biết vậy, tôi nhìn nó bằng con mắt khác. Tôi đã từng đi thi học sinh giỏi cấp trường nhưng bị rớt nên cứ thấy đứa nào thi cấp cao hơn là kính nể ra mặt. Minh ăn nói chững chạc, triết lý như cụ non. Thấy tôi nghịch, nó bảo: “Mày nghịch in ít thôi, nên giữ gìn nữ tính một tý!”. Thấy thằng Chiến vẽ thêm đôi kính cho tượng bà Maria góc sân nhà thờ, nó bảo: “Mày đã báng bổ vào niềm tôn kính của xứ đạo, như thế là tổn thương họ đấy!”. Tuy hai đứa tính cách trái ngược nhưng chúng lại thân nhau như hình với bóng. Khi tôi gia nhập hội quỷ sứ thì đi đâu chúng cũng gọi tôi đi cùng. Tôi chỉ ghét mỗi cái tính cẩn thận chậm rãi đến sốt ruột của nó.

3. Bẵng đi gần hai năm, tôi đang vùi đầu vào ôn thi tốt nghiệp bỗng nhận được thư của Minh. Nó tình nguyện nhập ngũ, hiện đang ở tiểu đoàn huấn luyện của quân khu, sắp vào Nam. Qua thư, tôi biết Chiến xung phong đi bộ đội ngay từ năm học lớp chín và đang ở Quảng Trị. Có lẽ chúng nó liên lạc với nhau vì sau đó tuần nào tôi cũng nhận được thư hai đứa. Minh chỉ nói đến những vất vả và niềm vui quân ngũ. Thư Chiến lại hả hê với những vùng đất mới và những trận “Thử cơ bắp của thần chết!”. Vừa thi tốt nghiệp xong, tôi lại nhận thư Chiến, ngoài bì thư có vẽ đôi trái tim lồng nhau. Trong thư, nó viết thế này: “…Chiến chẳng biết mở đầu từ bao giờ chỉ biết bạn luôn luôn ngự trị trái tim tớ…Tớ muốn mãi mãi bạn là của tớ…”. Trời ạ! Chàng trai vô sư vô sách chuyên bị chửi là Giu Đa mà lại có những lời bóng bẩy thế! Tôi xao động với lời tỏ tình đầu đời ấy và thiếp đi ngủ ngon lành sau chặng đường 10 năm phổ thông.


Thư Minh cũng có dấu hiệu đáng ngờ! Minh năng kể những chuyến hành quân, những đêm không ngủ vì nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cả cô bạn gái mới quen trong mùa hè trước! Đọc thư Minh, tôi bâng khuâng hoài niệm về một mùa hè chói chang đầy ắp kỷ niệm ở một vùng quê nghèo, đất bạc màu trắng xóa. Nắng thì bụi mù mịt, mưa thì nhão nhoét. Ở đó có một lũ trẻ lộc ngộc chơi trò trận giả trong cái nghĩa địa làng. Có lúc lại nằm ngả ngớn dưới bóng râm nhà thờ rồi mơ màng trong tiếng chuông ngân nga…


*
* *


… Mới đó mà đã gần bốn mươi năm! …


Trên bàn thờ của gia đình, tấm ảnh người lính có một khoảng hơi sậm trên má trái được vợ chồng tôi dành một góc trang trọng. Chồng tôi công tác tại Sở Khoa học. Tôi làm trong ngành du lịch. Hàng năm, cứ đến ngày Chiến hy sinh, tôi lại làm một mâm cúng anh. Chồng tôi trịnh trọng thắp hương và nói với tấm ảnh như với người đối diện: “Chiến ơi! Chúng mình cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê, cùng đổ máu ngoài chiến trường. Nhưng chút xương máu gửi lại chiến trường của mình không thấm gì so với hy sinh của Chiến.

Chúng mình đã từng chung nhau một mối tình và từng có một tuổi thơ đẹp ở làng quê nghèo mà nặng nghĩa tình... Gần bốn mươi năm đã qua, mình vẫn nhớ như in tư thế và cử chỉ dứt khoát của Chiến khi quyết định xung phong quyết tử cắt đường máu cứu cả một trung đội trinh sát trong đó có mình trên mặt trận Phan Rang, chỉ ba tuần trước ngày giải phóng miền Nam…". Lần nào cũng thế, nhắc đến đây chồng tôi lại nghẹn ngào, đưa cánh tay cụt ba ngón lên lau khuôn mặt nhòe nước…


Hình như, sau làn khói hương quấn quýt, khuôn mặt của Chiến động đậy, nụ cười tươi tắn, rạng rỡ hơn. Và mỗi lần như vậy, trong đẫm nước mắt, ký ức về làng quê thân yêu lại đột ngột ùa đến tươi trẻ, dạt dào, sống động trước mắt tôi. Tôi thấy lại hình ảnh một cô bé lấm lem đi giữa hai chàng trai. Một nghịch ngợm như quỷ sứ, một trầm tĩnh như triết gia. Và như một định mệnh mà số phận ba con người đó cột chặt với nhau…


Bên ngoài, nắng cuối xuân rực rỡ vàng …

 

Trần Thị  Minh

Hoàng hôn trên Bản  Dốc
Hoàng hôn trên Bản Dốc

Tốt nghiệp bằng xuất sắc trường Báo chí, trong suốt 4 năm sinh viên đã có nhiều kinh nghiệm viết báo nên ngay sau khi ra trường Hương liền trở thành phóng viên chính thức của một tờ báo danh tiếng. Cô đã hoàn thành ước mơ được đem nhiệt huyết của mình gửi gắm trong những trang báo...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN